Xây dựng nhân vật mang tính chất tự truyện

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 93)

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Kim Lân

3.4.Xây dựng nhân vật mang tính chất tự truyện

Nhân vật văn học là những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Sáng tạo ra chúng, người nghệ sĩ cũng thể hiện nhận thức của bản thân về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, một vấn đề nào đó của hiện thực. Mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng và bộc lộ cái tôi cá nhân, bởi vậy có thể tìm thấy ở mỗi trang viết những trải nghiệm, suy ngẫm và cái tôi rất riêng của họ. Việc nhà văn lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu trong sáng tác là chuyện không xa lạ.

Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, việc xây dựng nhân vật mang tính chất tự truyện được coi như là một biện pháp để hiểu sâu hơn tâm lí nhân vật. Nhân vật tự truyện dễ tạo nên ở người đọc một sự đồng cảm, gần gũi và tin cậy, một sự xúc động sâu lắng. Từ đó, cái “tôi” tự truyện thường tạo ra một mối quan hệ gần gũi, tin yêu và thông cảm lẫn nhau giữa nhà văn và công chúng, góp phần giúp người đọc giải mã chính con người tác giả. Và tác phẩm của Kim Lân gần gũi với bạn đọc có lẽ cũng bởi một phần nhà văn đã xây dựng những nhân vật tự truyện như thế.

88

Ngay từ tác phẩm đầu tay, ra mắt năm 1942, chính tác giả cũng đã thừa nhận: “Truyện ngắn đầu tiên của tôi có cái tên Đứa con người vợ lẽ, in ở tờ Trung bắc chủ nhật. Đúng là chuyện của mình, với tất cả nỗi hờn tủi của mẹ con tôi. Truyện in rồi, ông anh cả tôi (con bà cả) cứ lục vấn, hạch sách tôi mãi ” [25, tr. 599]. Như thế, nhân vật Tư trong câu chuyện cũng chính là bóng dáng của nhà văn, cũng là cái thân con vợ lẽ, cũng đau đớn, tủi hờn với cuộc sống nghèo hèn, với thân phận thừa thãi. Viết về nhân vật mang bóng dáng của chính mình nên nhà văn đã thực sự rất thấu hiểu và biểu đạt tinh vi mọi diễn biến tâm trạng của nhân vật, một anh thanh niên cuộc sống bấp bênh đã đành, giờ lại đang phải chống chọi với cái đói – thứ rất đỗi quen thuộc của xã hội khi ấy.

Đứa con người cô đầu cũng thế. Cái câu chuyện mở đầu để dẫn dắt vào chuyện của Thạ - nhân vật chính – mang dáng dấp từ chính cuộc sống của nhà văn. Từ cái không gian của buổi chiều quê oi ả vì sắp chuyển mưa, rồi đến chuyện của những người thân của nhân vật kể chuyện, và ngay cả cái cách tác giả để nhân vật của mình xưng hô “đẻ - con” rất đặc biệt ấy đã đủ khiến cho người đọc hiểu được cái bản sắc riêng biệt của một vùng quê như thế.

Trong Đôi chim thành Con Mã Mái, chúng ta có thể nhìn thấy ngay hình ảnh của tác giả trong hình thái của hai đứa trẻ con cu Tạm, cu Trạm. Chúng suốt ngày lăn lóc với chim, với gà, chấp nhận một lối sống cha mình bày cho: “Ông Cả để cu Trạm sống theo vết cũ của mình. Cũng như phần đông trai làng: lớn lên lấy vợ, rồi nhờ vợ sống một cuộc đời ỉ lại, vô lo, vô lự” [24, tr. 51]. Đó cũng là một phần lối sống đặc thù của những trai làng chợ Giàu mà nhà văn đã rất tinh tế thể hiện.

Bản thân nhà văn là người có gốc gác thân phận của kẻ ngụ cư (mẹ đẻ của ông là người Hải Phòng, theo chồng về Kinh Bắc), vậy nên tác phẩm của ông xây dựng rất nhiều nhân vật có đời sống tâm lí đặc thù của dân ngụ cư như thế.

89

Trong tác phẩm đầu tay, người mẹ trong Đứa con người vợ lẽ cũng là một kẻ gốc gác ngụ cư. Tràng, người vợ nhặt trong Vợ nhặt cũng đều là dân ngụ cư. Cả cái xóm Tràng ở được gọi là “xóm ngụ cư”. Những người như ông Hai trong truyện ngắn Làng thực chất cũng là thân phận ngụ cư, ông Tư Mủng trong Bố con ông gác máy bay trên núi Côi-kê cũng không nằm ngoài đặc điểm đó, tuy rằng tình thế ngụ cư trong kháng chiến có khác đôi chút. Thân phận ngụ cư trở thành một ám ảnh buồn bã trong thế giới tinh thần của nhà văn. Hẳn ông cũng đã từng trải nghiệm qua hết cái cảm giác thua thiệt đó. Gắn liền với thân phận ngụ cư là những cảnh đời phiêu tán, lưu lạc, ăn nhờ ở đợ, gá nghĩa… Sau này, hình ảnh những nhân vật trên quãng đường tản cư trong kháng chiến cũng là một dạng thức ngụ cư mới.

Lấy bối cảnh tản cư hồi chống Pháp, truyện Làng nói với người đọc về sự gắn bó của người nông dân với làng quê của mình. Với họ, với ông Hai, thì quê mình cái gì cũng nhất, kể cả những cái gây ra nỗi khổ nhục của mình là cái sinh phần của nhà địa chủ. Xa làng quê, đối với họ là nỗi đau lòng ghê gớm chứ không chỉ là sự thấp thỏm về cái việc không có đồng đất để cấy cày. Thế nhưng tản cư, là không hợp tác với giặc, là hành động chống Pháp, nên họ chẳng từ nan. Truyện Làng cho ta thấy được một sự chuyển hóa từ lòng yêu làng quê tha thiết đắm đuối trở thành tình yêu nước, yêu quý sự nghiệp cách mạng và kháng chiến ở người nông dân. Hình tượng ông Hai là hình tượng đặc sắc, có sức sống từ chính những suy tư không một chiều mà vẫn đơn thẳng nơi ông, từ chính những hành động bộc trực của ông. Nhân vật ông Hai thực chất cũng là một phần đời của chính tác giả. Nhà văn bộc bạch trong Chặng đầu đi tới: "cái không khí ngày đầu kháng chiến ở nông thôn, tôi đã đưa vào Làng. Lúc ấy, Tây còn đóng ở Cầu Đuống, tôi về làng chơi mấy lần, chứng kiến thế nào là "làng chiến đấu". Trong không khí ấy, cùng với dư luận bắn tin về làng Chợ Giầu việt gian đã khiến tôi viết truyện này. Ông lão Hai chính là tôi. Dù về nhiều khía

90

cạnh, tất nhiên rất khác. Song cái cốt lõi tâm trạng vẫn là tôi - đó là tâm trí rất thật của dân tản cư" [24, tr. 605] .

Cũng với lối tự truyện đan cài như thế, Kim Lân đã viết Vợ nhặt trong sự thôi thúc của chính mình về cuộc sống, số phận con người trong nạn đói. Câu chuyện của những con người nghèo hèn, tủi cực đang cố gắng vươn dậy từ cái khổ, cái đói để dựng xây cuộc sống mới như càng xúc động hơn khi bất cứ ai đọc cũng đều nhận thấy phảng phất cuộc sống con người cá nhân tác giả trong đó. Những Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ sẽ càng trở nên sinh động hơn, thuyết phục hơn khi chính nhà văn đã chia sẻ: “Nhân vật Tràng tôi lấy ở tôi nhiều hơn, … Hoàn cảnh trong truyện cũng giống hoàn cảnh tôi lúc đó… Và bà mẹ tôi là hình ảnh bà cụ Tứ trong truyện… Ngày ấy, gia đình tôi phải ăn cháo cám và phải ăn độn thêm rau chuối sống thái nhỏ… Vợ anh Tràng cũng là hình ảnh vợ tôi… Tất cả những cái ấy gom lại và sinh ra câu chuyện” (Chặng đầu đi tới) [25, tr. 616, 617]. Phải chăng vì thế mà đời sống nội tâm của các nhân vật kể trên đã được nhà văn mô tả kĩ lưỡng, sâu sắc và rất thuyết phục?

Người chú dượng, Kim Lân cũng xây dựng những nhân vật mang yếu tố tự truyện rất rõ. Trước nhất, đó là nhân vật dì Hân – cũng chính là người dì ruột của tác giả. Tiếp nữa, cái không gian câu chuyện cũng là không gian có thật, với những sự kiện có thật: “Dì Hân trong Người chú dượng là dì tôi thật (tên chính là Mủng). Cái khung cảnh làng Han heo hút, xác xơ và thân phận buồn khổ của dì, tôi đã kể lại mà ít thêm, bớt.” [25, tr. 597]. Những tâm sự này của nhà văn khiến mỗi bạn đọc đều có thể liên tưởng tới câu chuyện Dì Hảo mà Nam Cao cũng đã viết theo lối tự truyện như thế. Có lẽ vậy mà đọc truyện ngắn này, chúng ta như đang được cùng tác giả trải nghiệm một chuyến đi thăm người thân. Những hồi ức của nhân vật tôi – người kể chuyện về những tháng ngày chạy tản cư vì thế cũng chính là một phần của cuộc sống thực của chính nhà văn. Đọc tác phẩm, bạn đọc dường như không có cảm giác đang đọc một truyện

91

ngắn mà như đang đọc một cuốn nhật kí ghi chép mọi điều về cuộc sống xoay quanh người kể chuyện.

Con chó xấu xí hay Bố con ông gác máy bay trên núi Côi-kê cũng thế,

thật không khó để có thể nhận ra cái không gian đi kiếm vùng đất mới, đi tản cư… của các nhân vật thật gần gũi với cái hành trình đi chạy giặc của gia đình Kim Lân, Nguyên Hồng cùng một vài anh em khác trong những năm 1947, gian khổ mà nghĩa tình. Và hẳn mỗi chúng ta đều rất ấn tượng với nhân vật tôi, cũng là người kể chuyện của Con chó xấu xí. Với cách kể chuyện và những chuyện được kể của nhân vật, người đọc như có cảm giác đang được nghe chính nhà văn kể chuyện của gia đình mình vậy. Tôi thực sự rất gần với người sáng tạo ra nó. Từ cái nghề viết văn, cái hoàn cảnh gia đình tôi hay đi công tác, nhà cửa một tay người vợ thu vén… đến cái tên đứa con gái Hiền của nhân vật… cũng đều giống với tác giả. Một chuỗi các hành động, tâm trạng của nhân vật xoay quanh sự kiện chạy giặc của gia đình cũng đã được nhà văn miêu tả - kể lại thật chi tiết và chân thực. Đó là cái tâm trạng rối như tơ vò của tôi khi về nhà đã thấy vợ con mình đi chạy giặc. Đó là những cảnh tượng nhân dân rùng rùng chạy giặc mà đảo mắt quanh anh chả gặp được người thân của mình: “Người ở vùng dưới chạy lên đây, người ở đây lại chạy mãi vào những mạn ven rừng. Trong các bụi cây, bờ ruộng, khe suối, rệ đồi, trong các lều quán ven đường, chỗ nào cũng thấy nhan nhản những người. Chỗ nào cũng nghe tiếng trẻ khóc, tiếng gọi thưa, tiếng than thở, chửi rủa”. [24, tr. 214]. Rồi chi tiết chị vợ Nhược Dự khoe Tây đốt quán nhà mình, chi tiết người tản cư truyền tin nhau về đường đi của giặc… Và đây là tâm trạng của nhân vật tôi khi được trở về thăm gia đình sau khi giặc đã rút: “Dọc đường từ cơ quan về thăm gia đình hôm ấy tôi rất vui. Bao nhiêu nỗi vui dồn đến chen chúc rộn ràng trong ý nghĩ. Mấy tháng ở cơ quan, ngày lại ngày trông ra chỉ thấy cây già núi thẳm bưng bít xung quanh, bây giờ về xuôi, tôi lại được thấy trời rộng, sông dài và những cánh đồng bát ngát” [24, tr. 220].

92

Đâu phải chỉ là tâm trạng của nhân vật được hư cấu? Đấy chính là tâm trạng của tác giả, con người cũng đã từng đi công tác xa nhà, từng chạy giặc, từng cảm nhận tất cả những vất vả, gian truân của người dân trên con đường tản cư theo kháng chiến. Chừng ấy chi tiết có lẽ được xuất phát từ chính những trải nghiệm của bản thân mà ông chia sẻ trong bài viết Chặng đầu đi tới:“Tôi, Nguyên Hồng và ba gia đình kéo nhau sang Vĩnh Yên. Giặc đã nổ súng tứ bề. Sau lưng là Nhã Nam, trước mặt là Vĩnh Yên đều có Tây… Những đám người chạy giặc, kẻ ngược người xuôi gồng gánh xôn xao”, “loạn xạ những tin đồn. Người chạy cùng hướng với mình thì bảo giặc sát sau lưng. Người chạy ngược lại khăng khăng Tây nó vừa đốt nhà mình… Không biết ra sao nữa” [25, tr. 608].

Như vậy, nhà văn đã khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính cuộc sống gian nan, khốn khổ của chính cuộc đời mình, gia cảnh của mình, nghề nghiệp và công việc của mình, quê hương làng xóm của mình… để rồi trút mọi nỗi niềm của bản thân vào trang viết. Nhưng cũng từ đó, chúng ta hiểu ông hơn. Con người ông cũng có rất nhiều điều gần với nhân vật của ông, chút bất hạnh, nghèo khổ, bần hàn, cơ cực… nhưng chân thành, tha thiết, bình dị mà cũng rất sâu sắc. Văn Kim Lân chính là trái tim, là tấm lòng của nhà văn trải ra trước con người và cuộc đời như thế. Nhân vật mang tính tự truyện của nhà văn luôn tạo được tình cảm đặc biệt nơi người đọc cũng là vì thế. Có thể nói Kim Lân là một trong số ít các nhà văn đã thành công khi khắc họa kiểu nhân vật này.

93

Chƣơng 3

CỐT TRUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN KIM LÂN

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 93)