Cốt truyện khung

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 109)

1. Cốt truyện trong tác phẩm văn học

2.3.Cốt truyện khung

Kiểu cốt truyện khung được các nhà văn sử dụng khá nhiều và khá sớm. Đây là cách nhà văn có thể xây dựng tác phẩm theo lối truyện lồng truyện. Người kể đóng vai trò kể lại chuyện của người khác, đồng nghĩa với tác phẩm sẽ có hai người kể chuyện, hai câu chuyện có liên quan hoặc không liên quan về mặt nội dung. Như vậy, sẽ có một câu chuyện mang tính chất truyện trung tâm hay truyện nền, tạo nên cái khung cơ sở cho những truyện kể khác có thể kết nối, tập hợp lại với nhau. Kiểu cốt truyện này sẽ giúp nhà văn kể được thật nhiều

104

vấn đề trong quy mô một tác phẩm. Và tất yếu dung lượng phản ánh của tác phẩm sẽ tăng lên đáng kể.

Ở những tác phẩm sớm nhất của mình, Kim Lân đã xây dựng cốt truyện theo hướng này. Trong Đứa con người cô đầu, câu chuyện nền chính là sự kiện gia đình nhân vật tôi, cũng là người kể chuyện vào một tối ngồi hóng gió, cả nhà quây xung quanh đứa em đang vui đùa với cái tuổi thơ ngây của nó. Thạ đến trong sự ngượng nghịu, khó chịu của tôi, dù không phải là anh khinh hắn. Cũng từ cái tâm trạng khó diễn giải ấy, tôi đã kể lại chuyện mình và Thạ quen nhau và thành bạn như thế nào vào vụ hè mấy năm trước. Rồi chính Thạ lại kể tiếp về gia cảnh của mình, về mẹ, về cái thực tại đáng buồn và tương lai mờ mịt của nhân vật. Sợi dây xâu chuỗi các sự kiện trong câu chuyện với nhau lại chính là cái không gian buổi tối ấy. Cái bầu trời oi nồng hôm nay như nín thở đã khiến cả tôi

và Thạ không ngủ được, đó là cái cớ để tôi hoài niệm về quá khứ. Cái trận mưa rào tất yếu sau đó “quét sạch oi ả và nồng nặc đi, để lại một khí trời mát mẻ và dễ chịu” làm tôi bớt căng thẳng với Thạ hơn, cũng như làm Thạ được giải tỏa sự ngượng ngùng, dè dặt để giãi bày nỗi lòng vừa hờn giận, vừa thống khổ. Câu chuyện về số phận của một đứa con người cô đầu đầy bấp bênh, tủi cực đã được lồng ghép thật tự nhiên và để lại nhiều day dứt cho người đọc như thế.

Cầu đánh vật là truyện có tới hai tầng câu chuyện, với hai nhân vật kể chuyện được lồng ghép lại. Nhân vật tôi với vai trò là người dẫn truyện đã kể lại câu chuyện về hai bố con đô Cót và đô Vựa. Bên cạnh đó, nhân vật đô Cót cũng tham gia kể lại ba câu chuyện: chuyện ngôi đất hình nhân bái tướng, chuyện cầu đánh vật và chuyện Ngựa Lồng, Voi Cái. Cả ba câu chuyện này đều có vai trò như nhau, bổ sung cho nhau cùng nhằm biểu hiện truyền thống vật và niềm tự hào về sân vật Cẩm Giang.

105

Trong Người chú dượng, câu chuyện nền là nhân vật tôi trở lại trại Han thăm dì Bản. Theo từng bước chân của người trần thuật (tôi), quá khứ về cái bến Mảng hiện về một cách đầy đủ. Đó là ký ức về những con người mà một thời tôi

gắn bó thân thiết: cô hàng xén Thuỷ Nguyên có cái cổ trắng ngần, hai bàn tay muôn muốt; hàng thịt chó của ông Phác rỗ răng vàng; cái quán “Thủ Đô” của hai chị em cô Thư và cô Hương bán xôi chè và bún chả; cửa hàng của cụ phó may già và vợ chồng chú Khách bán thuốc bắc… Và sau khi hỏi được và biết tin dì Bản mất, tôi đã kể lại câu chuyện về quá khứ của người dì bất hạnh: “Dì Bản là em út mẹ tôi. Một người em xấu xí và hẩm hiu nhất. Cuộc đời dì, tôi thấy hình như dì không có được một lần may mắn nào. Tôi cũng không thấy lần nào dì tôi mặc được bộ quần áo mới nữa. Ông bà ngoại tôi chết đi thì dì bỏ quê lên ở với mẹ tôi. Thật ra dì tôi cũng đi làm thuê, làm mướn lấy miếng mà ăn, chứ dì cũng chẳng phải nhờ vả mẹ tôi. Nhưng dì vẫn cứ phải sống bên mẹ tôi. Ông bà ngoại tôi chết đi, các con thất tán lưu lạc mỗi người một phương, còn lại hai chị em, dì phải sống nương tựa vào sự chỉ dẫn và cái tình máu mủ, ruột thịt của mẹ tôi”

[26, tr. 167, 168]. Cũng có khi, từ chi tiết “cái hòm chân gỗ dổi” đã khiến tôi

nhớ ra tất cả những ấn tượng trong quá khứ về lão Mộc gù. Câu chuyện về

“thằng Mộc gù khe đá đỏ” đã từng là mối đe doạ cho tất cả các gia đình nơi tản cư lại được ghép lồng vào. Theo lời đồn đại của mọi người, hắn có một hình thù gớm ghiếc, là mối nguy hiểm của mọi người. Hắn là tay ăn chơi đã từng giết người, vượt ngục, từng đâm chết bố con ông bạ Dưỡng, đã từng chém sả vào người vợ trong một lần say rượu, đã từng bị cắt gân vì tội gặt trộm lúa, từng sống một cuộc sống như người rừng cùng một đứa con gái… Có lúc người đọc tưởng như nhà văn đã quên bẵng đi câu chuyện ban đầu. Nhưng khi đọc hết truyện, ta mới nhận ra dụng ý của ông. Với những câu chuyện đan cài như thế, nhà văn như cố ý khắc hoạ nhân vật lão Mộc theo miệng lưỡi của người đời, để tạo một sức mạnh cần thiết cho cái phản đề: vẻ bề ngoài của con người cứ ghi

106

nhận nhưng đừng vội thành kiến, dư luận có nhiều nhưng đừng vội cả tin, hãy kiểm chứng lại bằng thực tiễn.

Cũng với kiểu cốt truyện lồng khung, trong Con chó xấu xí, tác giả đưa người đọc đi từ chuyện tản cư trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến chuyện về một con chó xấu xí, rồi đến chuyện anh chàng Nhược Dự khó hiểu, khôn ngoan. Vấn đề gửi gắm của nhà văn vì thế có điều kiện được phong phú hơn.

Khảo sát các truyện ngắn có cốt truyện khung này, chúng tôi thấy dung lượng của những truyện lồng ghép được bố trí ở nhiều mức độ khác nhau: có khi là một câu chuyện ngắn vài dòng, có khi là cả một đoạn tự sự khá dài. Có khi truyện lồng ghép để nhắc đến một nhân vật, để nhân vật hồi tưởng về quá khứ, cũng có khi một chi tiết trong truyện lại gợi ra một câu chuyện khác, chuyện này nối chuyện kia theo điểm gợi nhớ… Dung lượng truyện lồng ghép có lúc chỉ vắn tắt vài dòng, có khi vài trang và cũng có khi truyện lồng có tính chất độc lập tương đối, có thể tách riêng thành một truyện. Khả năng phản ánh và chuyển tải vấn đề của đời sống xã hội vì thế được phong phú hơn rất nhiều.

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 109)