11. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Gia Viễn chính là một mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử. Từ thời cổ, người Việt cổ đã sinh sống tại đây mà dấu tích chính là những chiếc rìu đá có vai được người dân tìm thấy ở các khu đồi thuộc các xã Gia Vân, Gia Vượng, Gia Hòa, Liên Sơn. Lưỡi rìu mài nhẵn thuộc thời hậu kỳ đồ đá mới, sơ kỳ đồ đồng (cách đây khoảng 5000 năm). Cũng ở các khu rừng đồi này còn có những di tích mộ thời Hán, Đường, những ngôi mộ cuốn vòm bằng gạch múi bưởi có hoa văn ô trám lồng khẳng định Gia Viễn đã từng là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực [18, tr.10].
Trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển, mảnh đất này cũng đã sản sinh ra rất nhiều những danh nhân văn hóa, những anh hùng dân tộc, những nhà khoa bảng… mà dấu tích còn để lại ở những đình, đền, chùa, những câu chuyện truyền thuyết, những lễ hội… ở khắp các xã trong huyện. Điều này tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với những nhà nghiên cứu văn hóa và khách du lịch.
1.2.1.1. Các di tích tôn giáo, văn hóa - lịch sử
Hiện nay Gia Viễn có 45 di tích văn hóa - lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử này có giá trị rất lớn đối với du lịch, hợp lại thành bộ sưu tập quý giá trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Nhiều di vật bên trong một số di tích vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Nhiều công trình kiến trúc như: Di tích kiến trúc đền Thánh Nguyễn, Chùa Địch Lộng, Chùa Bái Đính, Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Lỗi Sơn, Động Hoa Lư, Đình Vân Thị, Nhà thờ và Mộ Nguyễn Bặc… được duy trì bảo tồn khá tốt.
* Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính tọa lạc tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh. Đây là một quần thể bao gồm nhiều hạng mục, công trình được xây dựng trong nhiều năm. Trong đó có: Chùa Bái Đính cổ do thiền sư Nguyễn Minh Không phát hiện ra trên đường đi tìm cây thuốc nam chữa bệnh cứu người vào khoảng thế kỷ thứ 11 và chùa Bái Đính mới được khởi công xây dựng từ năm 2003 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Cho đến thời điểm hiện tại chùa Bái Đính đang sở hữu rất nhiều kỷ lục như:
- Các pho tượng bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam như: Tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát (100 tấn tính cả bệ), tượng Tam Thế (mỗi pho nặng 50 tấn),Tượng Pháp Chủ (100 tấn tính cả bệ).
- Các pho tượng bằng đồng lớn nhất Việt Nam như: Tượng phật Di lặc bằng đồng ngoài trời (80 tấn), hai pho tượng thần Khuyến thiện và Trừng ác (mỗi pho nặng 12 tấn), bộ tượng Bát Bộ Kim Cương (mỗi pho nặng 4 tấn); tượng A Nan và Ca Diếp (mỗi pho nặng 30 tấn).
- Đại hồng chung bằng đồng lớn nhất Việt Nam ( nặng 36 tấn). - Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha.
- Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á ( gần 3 km).
- Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
- Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
- Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ [50].
Chùa Bái Đính đang được giới báo trí mệnh danh và ca tụng là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và cũng là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, phật giáo lớn của Việt Nam và trên thế giới, là niềm tự hào của quê hương Gia Viễn.
*Chùa Địch Lộng
Chùa Địch Lộng tọa lạc ở phía Bắc xã Gia Thanh còn có tên gọi khác là chùa Hang hay Cổ Am Tự, động còn có tên gọi là Nham Sơn. Từ xa xưa, quá trình phong hóa castơ của núi đá vôi ở đây đã tạo ra hang động, nhưng cây cối mọc um tùm không ai biết. Tương truyền, vào năm 1739 một tiều phu đi kiếm củi, leo lên núi đã phát hiện ra cửa động, vào trong thấy có nhiều nhũ đá đẹp, đặc biệt trông thấy một nhũ đá có hình giống như tượng Phật nên lập ban thờ ngay từ đó mãi đến triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất, tức là năm 1740, động mới được biến thành chùa để thờ Phật. Trong chùa còn lưu giữ một số hiện vật quý như: một quả chuông nhỏ đường kính 25 cm, không rõ niên hiệu treo ở nhà Tổ; một quả chuông lớn, đúc năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) treo ở chùa; 22 pho tượng Phật và Bồ Tát.
Có tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay (thực tế 12 tay) và một tượng Quốc sư Nguyễn Minh Không [49, tr.177]. Bên cạnh đó chùa còn có rất nhiều các công trình phụ trợ khác nhu bảo tháp, tượng phật Di Lặc, khuôn viên chùa…
* Đền Thánh Nguyễn Minh Không - Quốc sư triều Lý
Đền còn có tên chữ là Viên Quang Tự, tọa lạc tại địa phận của hai xã Gia Thắng và Gia Tiến. Vào thời nhà Đinh, vùng đất có đền thờ này còn gọi là Đàm Gia Loan, sau đổi là Đàm Xá, là quê hương của thân mẫu vua Đinh, sau cũng là quê hương của đức Thánh Nguyễn Minh Không, câu tục ngữ “Điềm Giang sinh Thánh” chính là nói vùng đất này. Đền đức Thánh Nguyễn vốn là ngôi chùa nhỏ do chính tay ông xây dựng và khoảng năm 1121, khi ông mất nhân dân biến ngôi chùa thành nơi thờ ông. Bài vị của thánh Nguyễn Minh Không được thờ ở gian giữa của Chính Tẩm, phía sau bài vị là bát hương và tượng Thánh ở tuổi 40 ngồi xếp bằng trong tư thế thiền định. Gian phía đông của Chính Tẩm có hai lầu thờ bài vị Khải Thánh (cha mẹ Nguyễn Minh Không). Gian phía tây của Chính Tẩm có lầu thờ bài vị Tô Hiến Thành.
Đền Thánh Nguyễn ngoài các giá trị về kiến trúc, tại đây còn lưu giữ những tài liệu, di vật đặc biệt quý:
- Cây đèn đá: Tương truyền là cột đèn do Quốc sư Minh Không đốt đèn đọc sách. Huyền thoại kể rằng, cây đèn tự nhiên mọc lên. Nguyễn Minh Không thường đêm đêm ngồi bên cây đèn. Các loài chim, loài thú về chầu xung quanh, ánh sáng cây đèn chiếu bao la trên không trung, chiếu sáng đến tầng mây trên không. Chính vì thế nhân dân tôn hiệu ông là Minh Không và từ đó trở di gọi là thiền sư Minh Không.
- Cột kinh: Hình thức gần giống cột kinh Đinh Liễn đã tìm thấy ở Trường Yên. - Bia Hoàng triều Bảo Đại thứ 14 nói về việc trùng tu Quốc sư cổ trạch (1939) và bia Phúc Thái vạn niên, cùng với bia “Trùng tu Minh Không quốc sư linh ứng đại vương” đã nói về quê hương, sự nghiệp của Minh Không và việc tu tạo đền miếu.
- Sóc đá thời Lê, một số viên gạch có trang trí hoa lá thời Lê, 2 viên đá chân tảng thời Lý - Trần.
- Án thờ và khám thờ thiền sư Nguyễn Minh Không được chạm khắc công phu, tinh sảo vào thời Nguyễn…[49, tr.175].
* Đền vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Đinh Tiêng Hoàng tọa lạc tại thôn Văn Bòng, xã Gia Phương nơi sinh ra ông. Đền quay hướng Tây, có 3 tòa, kiến trúc theo kiểu tiền nhất, hậu đinh liền nhau. Tiền đường có 5 gian được làm theo kiểu đình làng. Tượng vua Đinh Tiên Hoàng được đặt trong hậu cung và được làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng cao gần 2 m. Phía trước đền có hồ bán nguyệt là nơi tụ thủy. Sân đền lát gạch, trước gian giữa của Tiền đường, có một sập long sàng làm bằng đá, tượng trưng cho nơi vua ngự triều. Hằng năm, vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư, người dân thôn Văn Bòng và xã Gia Phương tham gia lễ rước tại đền này và cố đô Hoa Lư [49, tr.170-171].
* Chùa Lỗi Sơn
Chùa có tên chữ là An Trạch tự, ở thôn Lỗi Sơn, xã Gia Phong. Chùa thờ Phật và thờ Đức Mẫu. Mẫu ở đây không phải là Mẫu Tam phủ hay Mẫu Tứ phủ mà là người mẹ phúc đức, hiền lành. Bà là Ngọc Quang Công chúa, tên húy là Vương Tiên, nữ tướng của Trưng Trắc. Sau khi hai bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự tử, Vương Tiên về đến huyện Kim Bảng cũng nhảy xuống sông Đáy tự tử. Thi hài bà trôi về núi Con Mèo (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn), nhân dân vớt lên an táng, lập đền thờ bà ở trên nền nhà cũ của ông bà Vương Khôi (thân sinh ra ông bà), là đền Sầy hiện nay.
Trong chùa Lỗi Sơn có 28 pho tượng, nhiều câu đối, bài vị, có tấm bia đá niên hiệu Hoằng Định Thứ 12 (1611) ghi công đức tu tạo chùa, mỗi quả chuông nặng 210 kg không rõ niên hiệu. Ngoài ra còn có 30 đạo sắc phong các triều đại truy phong công đức các vị thánh thần ở đây như năm Phúc Thái thứ 5 (1647), năm Khánh Đức thứ 4 (1652) phong Uy lĩnh dũng mãnh. Tại chùa cũng có bài vị thờ Tuấn Công, sùng Công, Hiển Công là ba vị dũng tướng của Hùng Huệ Vương, có nhiều công lao dựng nước và giữ nước [49, tr.181-182].
* Chùa Lạc Khoái
Chùa nằm trên sườn núi Bảng, xã Gia Lạc. Đây là ngọn núi ở ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Hoàng Long và sông Kỳ, có hai tòa gọi là chùa Thượng và
chùa Hạ. Chùa là nơi thờ Phật nhưng có liên quan nhiều đến vua Đinh Bộ Lĩnh. Ngoài giá trị tâm linh, trong chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt là nền chùa Hạ được lát gạch “Cẩm quy” hình mui rùa có 6 cạnh, mỗi cạnh 12 cm, dài 2,7cm. Đây là loại gạch chưa từng thấy ở các di tích khác của tỉnh Ninh Bình.
* Nhà thờ Đô đốc Đinh Huy Đạo
Thuộc xã Gia Phong, thờ Đô đốc Đinh Huy Đạo, một danh tướng thời Tây Sơn. Ông sinh năm Đinh Tỵ (1737), đã từng giữ chức Công Bộ Thị lang thời Lê Trung Hưng sau theo phò Tây Sơn lập được nhiều chiến công, được phong Đô đốc, vào triều giữ chức Quốc tư trị giáo, trực tiếp dạy hai hoàng tử, sau được vua Quang Trung gia phong Thượng thư Bộ Công, tước viên Mưu bá Trung ban. Đến đời vua Cảnh Thịnh phong Bí thư Thực trực học sĩ Viễn Mưu hầu, đứng đầu bốn vị đại thần ở cung thái tử.
* Thành Cổ Lộng
Thành thuộc xã Gia Thanh. Có người giải thích Cổ Lộng nằm giáp với làng Cổ Đam (Ý Yên, Nam Định) và Địch Lộng (Gia Thanh) nên ghép lại tên của hai địa danh trên. Theo Phan Huy Chú “Thành Cổ Lộng tại huyện Gia Viễn, nơi có núi rừng liên tiếp nhau. Thành này được xây dựng vào niên hiệu Vĩnh Lạc (Thời Minh Thành Tổ bên Trung Quốc), vào thời Hậu Trần đánh quân Minh ở Bô Cô, Mộc Thạch đại bại chạy về thành này. Nay di tích của thành vẫn còn nhưng dân địa phương đã san lấp để trồng dưa, đậu. Trong lúc cày bừa họ thường phát hiện các binh khí còn sót lại.
* Hang Thúi Thó
Hang Thúi Thó nằm ở núi Mèo Cào, trong Khu bảo tồn vùng đất ngập nước Vân Long, trên địa bàn hành chính xã Gia Vân. Hang có cửa rộng 9m quay theo hướng tây nam, lòng hang sâu 13m, trần hang cao từ 7 đến 8m trên đó có nhiều nhũ đá đẹp. Nền hang có độ cao bằng mực nước trung bình và thường bị ngập vào mùa lũ. Trên nền hang còn một số tảng trầm tích lớn bám đầy vỏ hầu biển đây là dấu tích, là tàn dư của đợt biển tiến Holocen cách chúng ta ngày nay từ 5.000 đến 7.000 năm. Điều đặc biệt đáng chú ý là trên vách hang ở độ cao từ 2 đến 3m so với nền hang còn sót lại một số mảng trầm tích thuộc thế Pleistocen, cách ngày nay trên
10.000 năm ken dầy vỏ ốc suối, vỏ trai nước ngọt, ốc núi, xương thú, một số mảnh đất sét có mầu đỏ do tác động của lửa... Như vậy vào thời điểm cách ngày nay trên 10.000 năm có người cổ sinh sống ở nơi đây có thể là cư dân thuộc nền văn hóa Khảo cổ học Hòa Bình thường sống trong những hang động và khai thác nguồn thức ăn ở những thung lũng lân cận.
Hang Thúi Thó cùng với các di tích quanh đó như những hình vẽ cổ trên mái đá Cửa Chùa, Vườn Thiên, đền Bến Nổi…là những dấu ấn về văn hóa trong cảnh quan thiên nhiên đẹp và kỳ vỹ nằm giữa lưu vực sông Đáy (ở phía đông bắc) và lưu vực sông Hoàng Long (ở phía tây nam) chắc sẽ ngày càng thu hút các nhà khoa học, khách du lịch đến với Khu du lịch sinh thái Vân Long [75].
1.2.1.2. Lễ hội
- Lễ hội mùa xuân tại xã Gia Vân: từ ngày 8 - 13 tháng giêng để tưởng nhớ công ơn của Sơn Ngọ Đại Vương. Ngày mùng 8 là đại lễ được tổ chức ở 5 thôn, ngày mùng 9 là các thôn rước kiệu về thôn Tập Ninh sau đó phần hội có múa lân, múa rồng, chơi cờ người, đấu vật, bơi thuyền kéo chữ, thi thổi cơm, chọi gà…
- Lễ hội đền bến nổi - xã Gia Vân: từ ngày 13-15 tháng 10 tưởng nhớ “tứ vị hồng nương” - bốn nữ tướng thời bà Trưng. Bốn bà sinh ở Vân Long vào ngày 13/10 là những người có công với dân tộc và quê hương. Nhân dân thôn Tập Ninh, Trung Hòa, Mai Trung, Chi Lễ, Phù Long đều tôn thờ. Ngày lễ hội 13/10 các thôn đều khiêng kiệu, sắc phong vào đền Bến Nổi (đi bằng thuyền rồng và thuyền nan có bơi chải). Tổ chức tế lễ 2 ngày, sau đó mới ghé bãi Vọng, đền Chiêu Quân rồi về làng mình.
- Lễ hội Động Hoa Lư: từ ngày 10-15/8 âm lịch, để tưởng nhớ thủa ấu thơ của vua Đinh Tiên Hoàng, người có công lao lớn đối với đất nước và dân tộc. Khi tổ chức tế lễ, các đồ tế lễ phải có thịt trâu và khi tế lễ xong phải đem xôi và thịt trâu chia cho trẻ trâu.
- Lễ hội chùa Địch Lộng: Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 3 (âm lịch) tại chùa Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh. Phần lễ tổ chức dâng hương và lễ Phật theo nghi thức nhà Phật. Phần hội tổ chức các trò chơi dân gian như: múa lân, múa rồng, cờ tướng, thi viết chữ nho…
- Lễ hội Đức Thánh Nguyễn: Hội mở vào dịp 14/9 là ngày sinh và tế vào ngày 10/8 (âm lịch) là ngày mất của Thánh Nguyễn tại xã Gia Tiến và Gia Thắng.
- Lễ hội chùa Bái Đính: Diễn ra từ ngày mùng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách và các tín đồ Phật tử.
- Lễ hội chùa Lạc Khoái: tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Lễ hội diễn ra trong ngày 14 và 15/7 âm lịch. Trong lễ hội này có tục “táng thuyền rồng” để tưởng nhớ thuyền rồng của vua Đinh. Thuyền táng được làm bằng giấy, to như thuyền thật, có hình con rồng, trong thuyền có trang hoàng tàn lộng, tượng trưng cho tàn lộng của nhà vua. Khi lễ Phật xong, các nhà sư múa đèn quanh thuyền và trước đàn tràng quay thuyền ba lần, rồi đốt thuyền rồng tiễn vua và quân về.
Lễ hội không chỉ là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng mà còn thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người anh hùng có công với đất nước và cũng là nhịp cầu văn hóa để người dân huyện Gia Viễn giới thiệu những tín ngưỡng dân gian của quê hương mình. Những lễ hội đã thực sự trở thành thế mạnh trong việc quảng bá và phát triển du lịch của địa phương cho nên được người dân trong huyện tổ chức chu đáo. Trong hầu hết các lễ hội đều có nghi thức rước nước sông Hoàng Long để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người và vật nuôi tránh được dịch bệnh. Con sông Hoàng Long như một chứng tích lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, của Thánh Nguyễn Minh Không (Quốc sư triều Lý), Tô Hiến Thành (quan Thái úy triểu Lý) … cùng với cuộc sống của nhân dân huyện Gia Viễn từ đời này qua đời khác và ngày nay nó