Những điểm yếu thể hiện sự phát triển du lịch chưa bền vững

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện gia viễn, tỉnh ninh bình (Trang 96)

11. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Những điểm yếu thể hiện sự phát triển du lịch chưa bền vững

- Khai thác tài nguyên

Phần lớn các tài nguyên du lịch ở huyện Gia Viễn chưa được khai thác hiệu quả. Những điểm du lịch mới chỉ hoạt động được một phần ba công suất. Nhiều điểm du lịch hấp dẫn như động Thung Lau, sông Hoàng Long, Động - chùa Địch Lộng vẫn đang ở dạng tiềm năng, không gây được sự chú ý đối với khách du lịch. Do công tác bảo tồn chưa thật sự tốt nên nhiều di tích văn hóa, lịch sử đã bị xuống cấp, hư hại hoặc bị bê tông hóa. Điểm yếu này nếu không được khắc phục tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển DLBV của huyện trong tương lai.

- Môi trường du lịch

Môi trường du lịch ở huyện Gia Viễn đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng ô nhiễm do rác thải du lịch, rác thải sinh hoạt không được thu gom và xử lý đến mức độ cho phép, ảnh hưởng đến đời sống dân cư nói chung và hoạt động du lịch nói riêng. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch, của người dân. Một phần rác thải sinh hoạt, rác thải thủ công nghiệp, rác thải du lịch được xả trực tiếp ra các khu dân cư, các ao hồ, sông suối. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến đất, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trong khi nhiều nhà hàng ở chùa Bái Đính, Vân Long vẫn sử dụng nguồn nước ngầm kém chất lượng để sinh hoạt, nấu nướng. Thêm vào đó Gia Viễn cũng là một trong những địa phương có ngành công nghiệp sản xuất xi măng khá phát triển. Nhà máy sản xuất xi măng lại phân bố tại Gián Khẩu nên gần đường giao thông, khu dân cư và khu du lịch Vân Long, chùa Địch Lộng. Điều này cũng dẫn đến một số khu dân cư và khu du lịch ở những điểm du lịch trên có rất nhiều khói bụi và tiếng ồn. Vì vậy vấn đề môi trường du lịch không chỉ là một điểm yếu mà còn là thách thức mà ngành du lịch Gia Viễn cần phải khắc phục trong tương lai.

- Hạn chế về sản phẩm du lịch

Gia viễn có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mà không sợ trùng lặp với các địa phương khác trong tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên những sản phẩm du lịch này còn đơn điệu, chồng chéo giữa các điểm du lịch trong huyện nên không tạo được sự hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Các sản phầm lưu niệm, thủ công, thêu ren cũng chậm đổi mới kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng chưa cao gây tâm lý nhàm chán cho du khách khi quay trở lại và không đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác ở Hà Nội, Hải Phòng…. Ông David Wilson nói rằng “Tôi đến Vân Long lần này là lần thứ hai. Lần trước tôi có mua tặng vợ tôi mấy sản phẩm khăn thêu tay. Lần này quay lại vẫn thấy những sản phẩm ấy nên tôi không mua thêm gì nữa”. Thêm vào đó huyện còn thiếu hẳn nhóm các sản phẩm vui chơi, giải trí, các sản phẩm dịch vụ dẫn đến doanh thu du lịch của huyện chưa cao.

- Việc phát triển du lịch cộng đồng

Huyện Gia Viễn là một trong những địa phương trong tỉnh Ninh Bình có số lượng cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động du lịch khá đông. Đa phần làm công việc bán hàng lưu niệm, làm trong khối nhà hàng, khách sạn và làm công việc chèo đò. Tuy nhiên lợi ích người dân được hưởng từ hoạt động du lịch chưa nhiều. Họ vẫn chưa được thực sự làm chủ, được tham gia vào hoạt động du lịch của địa phương. Chẳng hạn như những người chèo đò ở Vân Long một tháng chỉ có một chuyến đò, mỗi chuyến chỉ được có 35.000 đồng trong khi nhà nước đã thu hồi hết ruộng đất để phát triển du lịch. Đây là lý do những người lái đò vẫn thường hay “ xin tiền bo” của du khách từ đó phân biệt đối xử giữa khách Việt Nam Và khách nước ngoài. Họ “thích” khách tây vì được “bo” nhiều hơn. Cũng vì lợi ích thấp dẫn đến nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong hoạt động du lịch. Họ bị buộc phải lén lút khai thác tài nguyên sinh vật, vật liệu xây dựng trong các khu bảo tồn gây ra những cản trở không nhỏ đối với công tác giữ gìn và khai thác tài nguyên du lịch. Một số vùng cảnh quan du lịch đã bị ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng. Người dân còn chèo kéo, ép giá khách trong mùa du lịch cao điểm. Hiện tượng ăn xin mấy năm gần đây đã xuất hiện ít hơn nhưng vẫn còn nhức nhối. Ở chùa Bái Đính do thu nhập quá thấp nên mặc dù ban quản lý đã cấm nhưng những người bán hàng dong vẫn lén lút bán hàng trong khu vực chùa ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan du lịch của địa phương.

- Trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao

Trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ và nhân viên du lịch ở huyện Gia Viễn chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của ngành du lịch địa phương. Cùng với việc phát triển du lịch ồ ạt từ năm 2005 trở lại đây đã dẫn đến rất nhiều công ty lữ hành, nhà hàng khách sạn “ mọc lên” nhưng số lao động được đào tạo về nghiệp vụ quản lý du lịch, hướng dẫn, khách sạn, bar còn rất thấp. Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học chuyên ngành du lịch còn ít. Phần lớn lao động không có trình độ về ngoại ngữ và kinh nghiệm hướng dẫn. Điều này thể hiện rõ trong chất lượng dịch vụ ở những cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn hay những điểm du lịch nổi bật của huyện như khu đất ngập nước nội địa Vân Long, suối

khoáng nóng Kênh Gà… Chất lượng của nguồn nhân lực thực sự không chỉ là một điểm yếu mà còn là thách thức lớn của ngành du lịch địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch.

Trình độ dân trí ở huyện chưa cao kể cả những người dân tham gia vào hoạt động du lịch dẫn đến nhận thức xã hội về du lịch còn nhiều bất cập. Điều này thể hiện ở ba góc độ. Một là những nhà quản lý vẫn ưu tiên phát triển công nghiệp nặng với việc khai thác đá làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và có những chính sách chưa thỏa đáng đối với hoạt động đầu tư, quy hoạch, quảng bá và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Vai trò quản lý nhà nước về du lịch của sở du lịch Ninh Bình hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển du lịch. Thứ hai là phần lớn người dân không được địa phương tổ chức bồi dưởng, đào tạo về nghiệp vụ du lịch dẫn đến hoạt động du lịch vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ và những người làm dịch vụ du lịch vẫn coi khách du lịch là đối tượng chặt chém để thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Thứ ba là ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn chưa cao. Nhận thức chung về vai trò, vị trí, ý nghĩa của ngành du lịch trong xã hội, trong dân, các ngành, các cấp còn chưa đầy đủ, chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong việc nâng cao ý thức xã hội khi tham gia hoạt động du lịch từ việc bảo vệ tài nguyên, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh tại các điểm du lịch cho đến thái độ thân thiện với du khách trong tầng lớp nhân dân và cán bộ hoạt động du lịch.

- Hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, hạn chế về các dịch vụ tài chính, ngân hàng, vui chơi giải trí

Hiện nay toàn tỉnh có 40 cơ sở lưu trú nhưng chỉ có 3 khách sạn 2 sao và một khách sạn 4 sao còn lại là những khách sạn vừa và nhỏ với chất lượng buồng và chất lượng phục vụ chưa cao. Như vậy có thể thấy cơ sở vật chất kỹ thuật của huyện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.

Nếu so sánh về số lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn xếp hạng và các dịch vụ vui chơi giải trí của huyện Gia Viễn với tỉnh Ninh Bình thì có thể thấy rõ sự tụt hậu, kém chất lượng của những cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và còn kém xa so với thành phố Ninh Bình cũng như các địa phương của Hà Nội, Hải Phòng…

- Hạn chế về tính mùa vụ trong hoạt động du lịch

Gia Viễn là địa phương có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và với sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch sinh thái, du lịch tôn giáo, nghỉ dưỡng nên hoạt động du lịch phụ thuộc thời tiết, thời gian nhàn rỗi của người dân, mùa lễ hội, thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên, mùa du lịch của khách quốc tế, đặc biệt là các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại Dương. Mặc dù không mang tính mùa vụ cao như du lịch biển nhưng tính mùa vụ cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch của địa phương. Khách tập trung đông vào những tháng đầu năm, dịp lễ tết và cuối tuần gây sức ép lên cảnh quan, môi trường, tài nguyên du lịch. Nguồn tài nguyên bị “ép” sử dụng một cách cạn kiệt mà không có kịp thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó rất nhiều vấn đề tiêu cực như tệ nạn trộm cướp, ép giá trong mùa cao điểm cũng xảy ra. Trong khi đó khoảng thời gian còn lại lại hầu như không có khách gây lãng phí nguồn tài nguyên, người dân tham gia vào hoạt động du lịch không có việc làm, chính quyền địa phương thất thu nhiều khoản thuế, nạn cò mồi”, lôi kéo du khách, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh… cũng diễn ra. Thêm vào đó tính mùa vụ còn tác động rất lớn tới tình hình nhân lực. Việc sử dụng cũng như trình độ nhân lực gặp rất nhiều tác động xấu. Cụ thể là trong thời gian chính vụ cần một đội ngũ lao động đông đảo, với rất nhiều các công đoạn, công việc cụ thể khác nhau trong khi đó ngoài vụ thì chỉ cần một lượng lao động vừa phải với tính chất công việc chỉ là nhằm duy trì. Điều này dẫn tới rất khó khăn cho đơn vị kinh doanh du lịch trong việc tuyển chọn đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong mùa vụ, thường thì khi chuẩn bị vào mùa vụ lại phải tổ chức tuyển chọn và đào tạo cho một số lao động lớn nhưng khi hết mùa vụ thì lượng lao động này lại không có việc và họ phải tìm kiếm các công việc khác nhằm duy trì cuộc sống, đến vụ sau việc tuyển chọn và đào tạo gần như phải làm mới hoàn toàn với những con người mới. Chính vì vậy trình độ

của đội ngũ lao động không được đảm bảo. Doanh thu du lịch cũng không ổn định, công suất sử dụng buồng của huyện Gia Viễn là 61%, thì trong mùa thấp điểm chỉ tiêu này chỉ đạt 28 - 30%. Tình mùa vụ được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho số ngày lưu trú trung bình và mức độ chi tiêu của khách ở Gia Viễn rất ít.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện gia viễn, tỉnh ninh bình (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)