Cơ hội phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện gia viễn, tỉnh ninh bình (Trang 101)

11. Cấu trúc luận văn

3.1.3. Cơ hội phát triển du lịch

Trong bối cảnh hiện nay để có thể phát triển DLBV huyện Gia Viễn cần phải nắm bắt rõ thời cơ và những thách thức mà huyện đang có để phát huy tất cả những nguồn lực thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương ngày càng phát triển.

Hiện nay ngành du lịch của huyện Gia Viễn đang đứng trước những cơ hội sau:

- Nhu cầu du lịch của người dân đang ngày càng tăng lên

Cùng với việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO đã tạo cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng đứng trước một cơ hội lớn là nhu cầu du lịch của khách quốc tế đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là nguồn khách đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp, Nga…. Sự ổn định về an ninh chính trị của Việt Nam đã góp phần thu hút lượng khách quốc tế đông đảo. Việt Nam luôn được coi là một điểm đến đầy hấp dẫn mà lại rất an toàn và thân thiện với khách quốc tế, là lựa chọn lý tưởng cho các kỳ nghỉ của họ.

Thêm vào đó trong những năm gần đây mức sống của người dân cũng được nâng lên cao, họ không còn chỉ quan tâm đến cơm ăn, áo mặc mà còn quan tâm đến việc nghỉ ngơi, giải trí vì vậy nhu cầu đi du lịch của họ ngày một nhiều hơn tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển nhanh và mạnh. Chính sách lương bổng, ngày lễ, ngày nghỉ thông thoáng hơn đã khiến người dân đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội đi du lịch cuối tuần ngày càng nhiều. Với lợi thế về vị trí địa lý, đường giao thông cùng với nguồn tài nguyên độc đáo, đa dạng, huyện Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình luôn là một lựa chọn đầy hấp dẫn. Như vậy có thể thấy huyện Gia Viễn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung đang đứng trước cơ hội lớn đó là “cầu” du lịch đang ngày càng tăng lên đặc biệt là khách ở thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Pháp… và thị trường khách nội địa ở khu vực phía Bắc trong đó đứng đầu là thị trường khách Hà Nội.

- Cơ hội trong đường lối, chủ trương, chính sách phát triển du lịch

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010 và Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã xác định Ninh Bình là một trọng điểm du lịch quan trọng của Trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận, một trong bảy trung tâm du lịch của cả nước vì vậy Ninh Bình đã và đang đứng trước cơ hội và sự hỗ trợ to lớn từ phía Nhà nước trong việc nâng cấp và phát triển hạ tầng du lịch - một trong những yếu tố hàng đầu để phát triển du lịch. Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình đã được Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng mà Gia Viễn cũng nằm trong một số những trọng điểm đầu tư này [70].

Tỉnh Ninh Bình cũng chính là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, cũng như mạnh dạn nghiên cứu áp dụng xây dựng mô hình Ban quản lý khu du lịch để quản lý các điểm du lịch trong đó Gia Viễn là một trong những địa phương tiên phong thực hiện khá tốt những đường lối chính sách phát triển du lịch của tỉnh. Cụ thể là năm 2009 tỉnh uỷ Ninh Bình ra Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 17/7/2009 UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 07/KH-UBND để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, Nghị quyết 15-NQ/TU của tỉnh uỷ Ninh Bình tạo động lực phát huy tiềm năng du lịch ở Ninh Bình nói chung và huyện Gia Viễn nói riêng. Cùng với những khu du lịch khác của tỉnh như khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc- Bích Động (Hoa Lư), sân golf hồ Đồng Chương (Tam Điệp)… khu du lịch chùa Bái Đính, Vân Long cũng được đầu tư hàng nghìn tỷ để nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng khiến du khách trong nước và quốc tế chú ý. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế ở huyện Gia Viễn dần chuyển theo ba hướng: công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Nông nghiệp huyện Gia Viễn cũng dần chuyển dịch từ chỗ mang tính thuần nông, quảng canh sang dịch vụ đa ngành bền vững. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp trước kia chủ yếu tập trung phát triển cây lương thực, ngô, lạc, đậu tương... còn chăn nuôi thì hạn chế với chủ lực là con dê. Trước nhu cầu ẩm thực của hàng

triệu khách du lịch cùng với chủ trương phát triển nền nông nghiệp đa dạng, huyện Gia Viễn đã chỉ đạo tập trung đầu tư cho nông dân nhiều loại con nuôi, cây trồng khiến sản phẩm nông sản, thực phẩm khá phong phú về chủng loại trong đó tập trung nuôi cá nước ngọt, ba ba, trồng nấm rơm, nấm linh chi và đặc biệt chú ý phát triển làng nghề trong nông thôn nhằm giải quyết cơ bản thu nhập cho nông dân bằng tiểu thủ công nghiệp. Các nghề vốn là truyền thống lâu đời của vùng đất Gia Viễn đang được khôi phục để phục vụ cho phát triển du lịch như đan lát, thêu ren… Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ càng nở rộ. Trong năm năm trở lại đây, hệ thống nhà nghỉ khách sạn, dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm, chở đò, cung ứng thực phẩm... được coi là lĩnh vực thu hút số lao động đáng kể. Hệ thống nhà nghỉ khách sạn nhanh chóng mọc lên với ngày càng nhiều khách sạn “hàng sao” với hàng nghìn giường, bước đầu đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của du khách.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh du lịch của huyện được tỉnh Ninh Bình khuyến khích với nhiều chính sách ưu đãi. Huyện có khu du lịch sinh thái Vân Long, khu núi chùa Bái Đính là hai trong năm số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với tổng số vốn gần ba nghìn tỷ đồng. Trong đó hai công trình này cũng đã bước đầu hoàn thành và đi vào hoạt động một cách có hiệu quả, hàng năm thu hút một số lượng khách rất lớn đến tham quan, chiêm bái. Bên cạnh đó là các dự án thu hút nguồn vốn của các tổ chức cá nhân như khu du lịch sinh thái Vân Long, khu suối khoáng nóng Kênh Gà. Đây thực sự là một cơ hội lớn của ngành du lịch Gia Viễn.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện gia viễn, tỉnh ninh bình (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)