Thách thức trong hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện gia viễn, tỉnh ninh bình (Trang 103)

11. Cấu trúc luận văn

3.1.4.Thách thức trong hoạt động du lịch

Thứ nhất trong lĩnh vực du lịch, huyện Gia Viễn là địa phương “đi sau” so với các huyện khác ở trong tỉnh Ninh Bình cũng như so với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh khác. Sự phát triển du lịch ở Vân long, chùa Bái Đính chỉ thực sự sôi động vào những năm 2005 trở lại đây khi tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên tại các khu di tích lịch sử được đánh thức và du khách trong nước cũng như quốc tế ưa chuộng.

Sự “đi sau” của du lịch Gia Viễn có thuận lợi là được học tập kinh nghiệm các địa phương khác trong tỉnh Ninh Bình và kinh nghiệm phát triển du lịch ở các

tỉnh khác ở Việt Nam, thậm chí một số nước khu vực Đông Nam Á. Sự đi sau này giúp huyện Gia Viễn có thể “gạn lọc, khơi trong” những điều hay cũng như hạn chế được những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch lên văn hóa, xã hội và môi trường tuy nhiên cũng là một thách thức lớn. Do việc phát triển sau nên du lịch của huyện Gia Viễn càng phải cạnh tranh gay gắt về thị phần với các địa phương khác trong cả nước và với cả ngành du lịch đã phát triển lâu đời của các nước trên thế giới đặc biệt là các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thứ hai là nhận thức của người dân tuy đã có sự thay đổi nhưng một số nơi vẫn còn tình trạng chạy theo doanh thu không quan tâm đến sự bền vững của hoạt động du lịch. Khách du lịch phải chịu đựng sự “chèo kéo, ép giá, đeo bám” của những người kinh doanh nhà hàng khách sạn, nước giải khát, bán hàng lưu niệm, bán hàng rong khiến cho du khách bị ức chế, khó chịu. Cùng đội quân này còn có rất nhiều thợ chụp ảnh ở khu vực chùa Bái Đính. Họ cũng đăng ký với Ban quản lý khu du lịch để hành nghề, song vì cạnh tranh cho nên khi có một đoàn khách đến là họ xúm lại mời chào. Nhiều lúc khách chưa kịp đưa ra phản ứng đồng ý hay không, đám thợ ảnh đã bấm máy lia lịa. “Cháu cứ chụp khách không lấy ảnh thì thôi, xoá file ảnh đi là xong” Nguyễn Thị Thuỷ, một thợ ảnh ở khu Chùa Bái Đính nói. Có trường hợp sau khi chụp ảnh xong, khách không kịp lấy ảnh khiến thợ ảnh đi xe máy hàng chục cây số đuổi theo ô tô để trả cho khách. Những việc làm ấy đối với khách du lịch thì chuyện không lấy ảnh đâu phải là xong mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá du lịch, khiến du khách không vui khi gặp những cảnh như thế [78]. Sự thiếu trách nhiệm trong phát triển du lịch còn thể hiện ở sự thiếu ý thức trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường của rất nhiều người dân thậm chí là cả những người trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Điều này chính là một trong những lý do giải thích vì sao mà ở một số điểm du lịch như Vân Long, Kênh Gà hay một số khu di tích đang ngày càng xuống cấp và dần dần bị du khách rời xa. Có thể nhận đấy đây là một thách thức lớn không chỉ của du lịch Gia Viễn mà còn là của cả tỉnh Ninh Bình.

Thách thức thứ ba chính là tác động của hoạt động phát triển công nghiệp. Một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình là phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng với trọng tâm là sản xuất xi măng và vật liệu đá xây dựng trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên đá vôi (Karst). Đây chính là mối đe dọa tiềm ẩn đối với hoạt động du lịch của huyện Gia Viễn. Việc khai thác đá vôi ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên và cảnh quan du lịch. Sản xuất xi măng cũng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn. Nhà máy lại bố trí gần đường giao thông và khu du lịch Vân Long làm giảm ấn tượng của du khách khi đến Gia Viễn. Vấn đề đặt ra là huyện Gia Viễn cần phải có phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể, tổ chức các không gian kinh tế chức năng một cách hợp lý, vừa thuận lợi để phát triển kinh tế lại không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường du lịch.

Một thách thức nữa trong hoạt động du lịch của huyện Gia Viễn đó là du lịch là ngành kinh doanh có tính liên ngành và liên vùng cao nhưng tính kết nối du lịch của huyện Gia Viễn với các tuyến điểm du lịch trong tỉnh cũng như với các tỉnh khác vẫn chưa thật sự tốt. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, giảm thời gian lưu trú của khách du lịch dẫn đến doanh thu du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó Gia Viễn cũng phải đối mặt với một thách thức chung của toàn ngành du lịch đó là sự xuống cấp của môi trường và tài nguyên du lịch. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa, sự suy giảm đa dạng sinh học ở khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long do hoạt động khai thác không được quản lý, cảnh quan bị xâm hại do khai thác đá. Thách thức này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch của khách du lịch, các cấp các ngành, cộng đồng chưa cao. Thứ hai là do sức chứa của điểm du lịch còn hạn chế nhưng khách du lịch đến huyện lại tập trung quá đông vào mùa cao điểm dẫn đến nguồn tài nguyên du lịch phải chịu sức ép quá lớn lên cảnh quan, môi trường, đến sự tồn tại của các di tích, đến tài nguyên nước. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là sự “chồng chéo” trong quản lý tài nguyên. Mặc dù luật du lịch đã

xác định những loại tài nguyên cơ bản cần được quản lý, khai thác cho mục đích phát triển du lịch. Tuy nhiên trong thực tế ngành du lịch chưa được quản lý bất cứ một dạng tài nguyên nào mặc dù bản thân du lịch là một ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt hay nói cách khác tài nguyên du lịch là nền tảng cho sự phát triển [70].

Trước những thách thức lớn này ngành du lịch Gia Viễn muốn phát triển bền vững thì phải dần hoàn thiện cơ chế chính sách để có thể khai thác thời cơ, đặc biệt là cần phải nâng cao nhận thức đúng đắn của các ngành và của cộng đồng để từ đó có thể liên kết giúp đỡ nhau phát triển sâu, phát triển bền vững từ đó vượt qua các thách thức đối măt.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện gia viễn, tỉnh ninh bình (Trang 103)