NHNo&PTNT Việt Nam là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về mặt tài sản. mạng lưới chi nhánh và số lượng cán bộ nhân viên. Kể từ khi được cấp phép hoạt động kinh doanh nghiệp nhà nước đến nay, Agribank dã thu hút được hơn 20.000 khách hàng là các doanh nghiệp, hơn 7 triệu khách hàng cá nhân và hộ gia
đình trong cả nước. Bên cạnh mục tiêu duy trì vị trí ngân hàng hàng đầu tại thị trường nông thôn truyền thống, Agribank cũng nỗ lực thâm nhập thị trường mới như cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực thành thị. Việc mở rộng thị trường kinh doanh dẫn đến rủi ro trong kinh doanh cũng tăng theo. Vì vậy NHNo cần có một hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả. Hiện tại, công tác quản trị rủi ro của NHNo còn phân tán, thực tế công tác quản trị rủi ro do nhiều đơn vị chức năng đảm nhiệm, như: rủi ro tín dụng do Trung tâm PN&XLRR đảm nhiệm, rủi ro tác nghiệp do Ban kiểm tra, kiểm soát phụ trách, rủi ro thanh khoản do Ban Kế hoạch tổng hợp quản lý, rủi ro hối đoái do Sở giao dịch đảm nhiệm. Các biện pháp quản trị rủi ro không thống nhất do NHNo thiếu một hệ thống quản trị rủi ro toàn diện cũng như các công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng quản lý rủi ro. Mặc dù đã triển khai hệ thống IPCAS kết nối các chi nhánh và phòng giao dịch trong toàn hệ thống để kiểm soát rui ro nhưng hệ thống này vẫn chưa có nhiều chức năng cảnh báo và phân tích. Để đạt được mục tiêu kinh doanh mong muốn nhưng vẫn giữ được rủi ro trong giới hạn cho phép, Ngân hàng No&PTNT Việt Nam cần phải tăng cường công tác quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng. Trong thời gian tới, Ngân hàng No&PTNT VN xây dựng mô hình quản lý rủi ro tập trung, độc lập và toàn diện theo các cấu phần sau:
- Mô hình quản lý rủi ro thống nhất với sự tham gia của Hội đồng quản trị, Ủy ban quản lý rủi ro, Ban lãnh đạo ngân hàng, nhằm xây dựng và khuyến khích một văn hoá quản lý rủi ro trên toàn hệ thống;
- Các chính sách, quy trình thủ tục và hệ thống hạn mức thống nhất giúp ngân hàng xác định, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả nhất;
- Cải tiến phương pháp đo lường, kiểm soát và hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro để hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh và công tác quản lý rủi ro; - Chuyển từ quy trình quản trị rủi ro phi tập trung sang mô hình quản trị rủi ro tập trung độc lập và toàn diện hơn. Tập trung dự báo và quản lý rủi ro được thiết lập như một bộ phận độc lập, đảm bảo rằng các loại rủi ro được đo lường, giám sát một cách khách quan, hợp lý và toàn diện.
- Xây dựng Chính sách tín dụng phù hợp: để đảm bảo đưa hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam phát triển theo đúng định hướng, đạt được các mục tiêu an toàn, hiệu quả, tăng trưởng bền vững và kiểm soát được rủi ro cũng như tiến dần đến thông lệ quốc tế thì Chính sách tín dụng của ngân hàng phải được xây dựng
và thực thi trên những nội dung cơ bản sau:
+ Xây dựng một cơ chế phân cấp quyền phán quyết tín dụng phù hợp, thể hiện được vai trò quản lý tập trung của Trụ sở chính và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và chế độ ngân hàng về hoạt động tín dụng …
+ Xây dựng các giới hạn an toàn trong hoạt động tín dụng như giới hạn tín dụng theo ngành, theo đối tượng khách hàng, theo loại hình doanh nghiệp…
+ Xây dựng Chính sách khách hàng trong hoạt động tín dụng. + Xây dựng hệ thống quản lý tài sản đảm bảo.
+ Xây dựng hệ thống các công cụ đo lường và định hạng rủi ro tín dụng. + Phân loại nợ và trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định cuả NHNN đồng thời tiến tới thực hiện trích lập dự phòng theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, chủ động đối phó với mọi tình huống rủi ro xảy ra.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin khách hàng, hệ thống thông tin ngành và thị trường, bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu:
+ Quản lý và cảnh báo rủi ro tín dụng.
+ Quản lý và cảnh báo rủi ro tín dụng tiêu dùng và tín dụng thẻ.
+ Quản lý hạn mức tín dụng theo ngành và theo từng doanh nghiệp trong toàn hệ thống.
+ Quản lý và đôn đốc thu hồi những khoản nợ đã được xử lý rủi ro.
+ Cung cấp định kỳ những bản phân tích, cảnh báo rủi ro ngành và thị trường.
+ Phục vụ các đơn vị thuộc hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam khai thác thông tin tín dụng nội bộ trong hệ thống.
- Tăng cường tổ chức công tác đào tạo để nâng cao nhận thức, vai trò của công tác phòng ngừa và quản lý rủi ro, chú trọng đến những kinh nghiệm về quản lý rủi ro của những nước tiên tiến và những nước có điều kiện kinh tế xã hội tương đương Việt Nam;
- Xây dựng văn hóa quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế song phải phù hợp với đặc điểm của NHNo&PTNT Việt Nam.