Thông qua các chỉ tiêu phân tích đánh giá rủi ro tín dụng ở trên ta thấy chỉ tiêu nợ xấu là một vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt bởi nó phản ánh được chất lượng tín dụng của toàn hệ thống Agribank. Tỷ lệ nợ xấu càng cao chứng tỏ chính sách quản lý rủi ro của Ngân hàng đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu cao do nhiều nguyên nhân sau đây:
2.2.2.1. Nguyên nhân từ phía Ngân hàng
- NHNo&PTNT Việt Nam đã ban hành đầy đủ các quy định về cho vay đối với khách hàng, tuy nhiên chưa ban hành quy trình tín dụng chuẩn có tính chất bắt buộc trong quá trình phê duyệt và giải ngân món vay phù hợp với hệ thống công nghệ thông tin, hiện đại. Vì vậy trong quá trình cho xét duyệt cho vay còn nhiều yếu tố, chỉ tiêu đánh giá, hồ sơ cho vay… cán bộ thường xuyên thiếu hoặc bổ sung các điều kiện sau khi đã cho vay, đặc biệt là đối với các khoản vay thuộc thẩm quyền của Chi nhánh và một số khoản vay nâng quyền phán quyết.
- Trình độ, năng lực cán bộ chưa đủ mạnh, khả năng đánh giá, phân tích tổng thể hiệu quả dự án còn yếu, ý thức chấp hành chế độ tín dụng chưa nghiêm. Thiếu sự hiểu biết luật trong nước và quốc tế, tình trạng một số cán bộ tín dụng suy thoái về đạo đức, vụ lợi cá nhân nên cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về cho vay như:
+ Chưa đảm bảo tính pháp lý của dự án đầu tư.
+ Chưa thẩm định kỹ năng lực tài chính, xác định tính khả thi của vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không đảm bảo tỷ lệ vốn tự có theo quy định.
+ Không chấp hành điều kiện giải ngân của cấp có thẩm quyền phê duyệt khoản vay.
+ Chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động của tài sản đảm bảo nhất là tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai.
+ Định giá tài sản đảm bảo không đúng với giá trị thực của tài sản đảm bảo, thủ tục đảm bảo tiền vay không đảm bảo, cho khách hàng mượn tài sản đảm bảo không thu hồi lại được.
- Vai trò kiểm tra, giám sát còn yếu kém, thiếu chặt chẽ:
+ Trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng của một số lãnh đạo chi nhánh còn thiếu chặt chẽ. Lãnh đạo không thực hiện kiểm tra thực tế tại khách hàng về tài sản đảm bảo. Có trường hợp vì che giấu tồn tại, giảm nợ xấu….nên đã vi phạm các quy định về cho vay, thực hiện cho vay đảo nợ trong một nhóm khách hàng.
+ Với màng lưới và quy mô tín dụng quá lớn, trong khi đó mô hình Ban tín dụng tại Trụ sở chính chưa đáp ứng được yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm tra chuyên đề nên còn hạn chế. Việc kiểm tra mới chủ yếu là phát hiện và nêu các trường hợp sai phạm. chưa có quy chế để xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm qua kiểm tra, thanh tra nên các sai sót vẫn tái phạm; chưa kiểm tra theo dõi thường xuyên các khoản vay được Trụ sở chính phê duyệt nên nhiều chi nhánh không thực hiện đúng các điều kiện cho vay theo thông báo phê duyệt.
- Hệ thống đo lường, giới hạn rủi ro còn quá đơn giản: Một khâu quan trọng của quản lý rủi ro tín dụng là phải có một hệ thống đo lường và giới hạn rủi ro. Tuy nhiên, hệ thống này của NHNo&PTNT Việt Nam còn quá đơn giản, chưa xây dựng được một hệ thống đo lường, đánh giá rủi ro, chưa xây dựng được mô hình tính toán các PD, LGD, EAD… Đối với giới hạn rủi ro, ngân hàng chủ yếu căn cứ vào hệ thống xếp hạng khách hàng và xếp loại chi nhánh để đưa ra mức phán quyết cho vay tối đa (theo quyết định số 555/QĐ-HĐQT-KHTH ngày 01/6/2007).
2.2.2.2. Nguyên nhân từ phía khách hàng.
Do khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, cố tình lừa đảo để chiếm dụng vốn của ngân hàng; do khách hàng làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng trả nợ cho ngân hàng; tình hình tài chính của doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch… Bên cạnh đó, một khối lượng đông đảo khách hàng của Ngân hàng No&PNTN Việt Nam là hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, mà kết quả sản xuất của họ chịu ảnh hưởng lớn của thị trường và chịu tác động mạnh của tự nhiên (thiên tai, dịch bệnh…) làm thiệt hại cho sản xuất và rủi ro mất vốn cho ngân hàng.
2.2.2.3. Nguyên nhân khách quan.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, từ cuối năm 2007 lạm phát gia tăng, nguồn vốn của ngân hàng gặp nhiều
khó khăn, lãi suất trên thị trường tăng đột biến đã làm cho phần lớn các doanh nghiệp tài chính khó khăn.
Cuối năm 2008 và đầu năm 2009 nền kinh tế đi vào suy thoái, sản phẩm sản xuất khó tiêu thụ, thị trường xuất khẩu thu hẹp, một số mặt hàng giảm giá lớn như sắt thép, vật liệu xây dựng, nông sản, nhu cầu và giá cước vận tải biển giảm sút nghiêm trọng, thị trường bất động sản khu vực thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn: giá mua, bán, cho thuê giảm sút, đóng băng khó tiêu thụ… Cụ thể một số lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ như:
+ Lĩnh vực vận tải biển: Do nhu cầu vận tải giảm sút, các doanh nghiệp vận tải biển không có đơn vận tải hàng hóa, giá cước vận tải giảm sâu, dưới mức giá thành làm cho các doanh nghiệp vận tải biển gặp khó khăn và các doanh nghiệp vay vốn Ngân hàng trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này.
+ Do khó khăn trong lĩnh vực vận tải biển và một số nguyên nhân khác nhau tại Công ty cho thuê tài chính NHNo gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn, toàn bộ dư nợ vay NHNo&PTNT Việt Nam của hai công ty lớn dẫn đến nợ xấu toàn hệ thống cao.
+ Lĩnh vực xuất khẩu: Nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu hoặc xuất khẩu giá thấp nên thua lỗ như các Công ty sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, các Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, xuất khẩu hàng tiêu dùng khác.
Do điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, những tháng đầu năm 2009 Chính phủ đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sang những tháng cuối năm 2009 Chính phủ, NHNN đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ quy mô tăng trưởng tín dụng do đó đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành tín dụng của các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất cho vay cao, các doanh nghiệp vừa phải trả chi phí lãi vay cao, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá trong khi đầu ra khó khăn đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng.
Chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế cho vay trong kinh doanh bất động sản làm cho thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án thiếu vốn không bảo đảm tiến độ, dự án dở dang kéo dài, khó khăn trong việc chuyển nhượng dự án thu hồi nợ.
NHNo&PTNT Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy trong tổng dư nợ cho vay của Agribank, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên đây là các lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng của thời tiết, do đó hàng năm thiên tai, bão lũ ở các tỉnh Miền Trung đã gây thiệt hại lớn đối với khách hàng vay vốn của NHNo&PTNT Việt Nam. Do đó để khắc phục hậu quả bão lụt NHNo&PTNT Việt Nam phải thực hiện cơ cấu lại nợ, bổ sung vay vốn để khách hàng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất kinh doanh dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng tăng, nợ xấu vì thế cũng tăng theo.
Ngoài ra, là Ngân hàng thương mại nhà nước nên NHNo&PTNT Việt Nam còn phải tham gia cho vay một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của nhà nước như dự án ngành điện, xi măng, giao thông, viễn thông… nên đã ảnh hưởng tới cơ cấu cho vay. Trong những năm gần đây, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số ngành công nghiệp như xi măng, điện chịu sự ảnh hưởng nặng nề, trong khi một số NHTM khác hạn chế hạn mức dư nợ tín dụng đối với ngành xi măng, giao thông … thì NHNo&PTNT Việt Nam vẫn phải thực hiện cho vay theo chỉ thị của Nhà nước, chính vì vậy đã dẫn đến nợ xấu ngân hàng gia tăng.