Nhóm giải pháp về tác nghiệp

Một phần của tài liệu Tăng cường quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Trang 80)

Xem xét, sửa đổi các văn bản, quyết định phù hợp theo quy định của Pháp luật và của ngân hàng.

Hiện nay, việc phân quyền phán quyết cấp tín dụng trong toàn hệ thống theo quyết định 528/QĐ-HĐQT-TDDN ngày 21/5/2010 còn tồn tại một số hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, do đó việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 528 cho phù hợp là yêu cầu cần phải làm trước mắt.

Xem xét, bổ sung Quyết định 1300/QĐ-HĐQT-TD ngày 31/12/2007 “Quy định thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam” về một số nội dung như sau: Quản lý tài sản đảm bảo đồng thế chấp, quy

định việc cho mượn hồ sơ tài sản đảm bảo, quy định điều kiệm làm tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai, xem xét thay đổi mức cho vay tối đa so với giá trị tài sản đảm bảo tiền vay vì nếu để tỷ lệ tối đa 75% như hiện nay thì sẽ rất rủi ro.

Ban hành quy định rõ điều kiện cụ thể cho vay đối với cho vay dự án bất động sản theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện pháp lý dự án, điều kiện tài chính của doanh nghiệp vay vốn, quy định cho vay giai đoạn nào của dự án để giảm rủi ro...

Thắt chặt và thực hiện đúng quy trình tín dụng

Giải pháp này được coi là thường trực trong hoạt động tín dụng, không thể coi nhẹ hay vì lý do cạnh tranh, thu hút khách hàng, giữ khách hàng mà bỏ qua một khâu nào. Nhằm thắt chặt và thực hiện tốt quy trình tín dụng thì cốt lõi quan trọng nhất là phải thực hiện tốt công tác thẩm định tín dụng cũng như kiểm tra, giám sát trong suốt quy trình tín dụng:

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định khi cho vay bao gồm cả công tác thẩm định tài sản đảm bảo.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ

Trong quản lý hoạt động cho vay của các TCTD thì kiểm tra, kiểm soát nội bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, kiểm tra, kiểm soat nội bộ giúp phát hiện ra những sai sót trong quá trình cho vay để chấn chỉnh, khắc phục, từ đó có những biện pháp ngăn ngừa rủi ro kịp thời; mặt khác, thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ còn giúp phát hiện những điểm bất hợp lý của cơ chế, chính sách cho vay để kịp thời bổ sung, sửa đổi. Chính vì vậy, ngân hàng cần thiết lập một cơ chế kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng một cách có hiệu quả để giám sát sự vận động của vốn tín dụng từ khi cho vay đến khi thu hồi được hết nợ. Để công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của NHNo&PTNT Việt Nam đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm, góp phần phòng ngừa và hạn chế rủi ro, cần thực hiện theo các hướng sau:

+ Việc kiểm tra kiểm soát tín dụng phải được tiến hành một cách thường xuyên, rộng khắp không chỉ là kiểm tra trong nội bộ từng chi nhánh, mà Ngân hàng nông nghiệp trung ương sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đi kiểm tra tất cả các chi nhánh hoặc tổ chức kiểm tra chéo giữa các chi nhánh với nhau. Có như vậy mới bảo đảm kết quả kiểm tra được khách quan và có hiệu quả.

+ Nội dung kiểm tra bao gồm: kiểm tra việc chấp hành quy trình vay vốn, hồ sơ chứng từ giải ngân có phù hợp hay không, khách hàng sử dụng vốn có đúng

mục đích hay không, kiểm tra việc thực hiện cơ chế đảm bảo tiền vay; kiểm tra hồ sơ cho vay để đánh giá những khoản đã cho vay có thiếu sót gì không; phân tích, đánh giá chất lượng của các khoản cho vay để làm cơ sở chắc chắn cho những khoản vay tiếp theo; kiểm tra việc thực hiện các định hướng, chính sách của NHNo&PTNT Việt Nam…

+ Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra cần phải tăng cường những cán bộ có trình độ, đã có kinh nghiệm làm thực tế cho bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Bên cạnh đó, cần phải có chế độ đãi ngộ hợp lý, ưu tiên đào tạo, đặc biệt là đào tạo về pháp luật.

+ Kiểm tra, kiểm soát phải gắn với việc sửa sai, sau mỗi lần kiểm tra, tự kiểm tra phải có kế hoạch chỉnh sửa cụ thể, quy định rõ thời gian chỉnh sửa và người chịu trách nhiệm chỉnh sửa. Đơn vị nào đã được kiểm tra, phát hiện, kiến nghị chỉnh sửa mà không chỉnh sửa hoặc sửa chữa mang tính hình thức thì những người có liên quan phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo ngân hàng.

Thực hiện tốt quy trình phân loại nợ, ttrích lập quỹ dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng

Việc ban hành quy định về trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là cơ sở pháp lý cho các NHTM chủ động tạo lập nguồn tài chính nhằm vào việc xử lý nợ xấu, nhờ đó làm giảm tỷ lệ nợ xấu. Thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu bằng giải pháp này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giải pháp xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, là giải pháp mà ngân hàng hoàn toàn chủ động thực hiện, không phụ thuộc vào khách hàng cũng như làm giảm nhanh chóng các khoản nợ xấu trên bảng tổng kết tài sản của ngân hàng. Trong những năm gần đây, công tác phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng luôn được chú trọng tại NHNo&PTNT Việt Nam. Tuy nhiên, NHNo&PTNT Việt Nan vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể để các Chi nhánh thực hiện tốt công tác này, dẫn đến việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không chính xác, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chính vì vậy, NHNo&PNTN Việt Nam cần phải hoàn thiện hơn nữa quy định hướng dẫn về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro sao cho phù hợp với quy định của NHNN và thực tế tình trạng nợ xấu tại ngân hàng hiện nay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cần chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả của giải pháp này bằng việc tăng cường trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng một cách hợp lý và kịp thời. Nguồn dự phòng dồi dào giúp cho ngân hàng có

nguồn bù đắp kịp thời khi có rủi ro tín dụng xảy ra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay có rất nhiều biến động bất lợi cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các khách hàng của Ngân hàng nông nghiệp. Sử dụng hợp lý nguồn dự phòng tức là dùng quỹ dự phòng để bù đắp cho những khoản nợ quá hạn khó đòi theo thứ tự ưu tiên: trước hết là cho những khoản nợ không có khả năng thu hồi, tiếp đến là những khoản nợ có khả năng thu hồi thấp và sau đó mới đến những khoản nợ có khả năng thu hồi cao hơn. Với những khoản nợ có khả năng thu hồi thì hạn chế tối đa việc sử dụng quỹ dự phòng. Ngân hàng có thể định ra một khoảng thời gian tối đa để xử lý nợ bằng giải pháp thu nợ trực tiếp trước khi sử dụng quỹ dự phòng.

Tăng cường công tác thu hồi và xử lý nợ, nâng cao hiệu quả công tác xử lý tài sản bảo đảm

Trên cơ sở kết quả việc phân tích và phân loại nợ xấu, Agribank cần tiến hành các biện pháp đôn đốc khách hàng huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ vay ngân hàng trong thời gian ngắn nhất. Cán bộ ngân hàng có thể tư vấn trực tiếp, hay cùng bàn bạc với kháchh hàng về tìm nguồn trả nợ. Đây được xem là biện pháp thu hồi nợ ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả mang lại không phải là nhỏ. Trường hợp những khoản nợ xấu do chủ quan cán bộ ngân hàng gây ra thì cần tiến hành kiểm tra, xác minh và quy trách nhiệm cụ thể, buộc phải bồi hoàn, nếu không thực hiện được phải xử lý nghiêm túc. Nếu cán bộ ngân hàng cố ý lừa đảo, móc ngoặc với khách hàng để rút vốn ngân hàng thì phải đề nghị cơ quan chức năng truy tố trước pháp luật, nhằm răn đe các đối tượng khác. Bên cạnh đó, ngân hàng cần phối hợp những biện pháp xử lý nợ khác có tính chủ động và linh hoạt cao như: Tư vấn cho khách hàng về các đối tác có quan hệ kinh tế để tránh xảy ra các vụ lừa đảo, hoặc các hợp đồng vô hiệu dẫn đến rủi ro cho khách hàng cũng là cho cả ngân hàng. Đẩy mạnh việc chuyển nợ vay thành vốn góp vào những doanh nghiệp có triển vọng.

Chủ động tiến hành cơ cấu lại nợ, đảm bảo minh bạch, tránh các tiêu cực có thể xảy ra: Đối với khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan nhưng chưa phải là bất khả kháng, khách hàng còn tồn tại và hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và ngân hàng có khả năng phát triển trong tương lai. Nếu khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và khả thi, phương án nguồn trả nợ của khách hàng là khả thi và chắc chắn thì ngân hàng có thể xem xét thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhằm giảm bớt sức ép trả nợ đến hạn, giúp cho khách

hàng có được cơ hội để tiếp tục sản xuất kinh doanh và có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ được thực hiện trên cơ sở khách hàng có đủ tài liệu, căn cứ chứng minh nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, phương án khắc phục lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh khả thi, phương án nguồn trả nợ cơ cấu rõ ràng cụ thể, chắc chắn, khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo thời hạn đề nghị cơ cấu.

Xử lý tài sản bảo đảm là phương án để ngân hàng thu hồi lại khoản vay khi khách hàng không có khả năng trả nợ. Do vậy, ngân hàng cần phải xây dựng một quy trình xử lý tài sản bảo đảm hợp lý nhằm khai thác tối đa hiệu quả thu nợ thông qua việc phát mại tài sản bảo đảm. Quy trình xử lý tài sản bảo đảm gồm 2 bước:

+ Tiếp nhận, thu hồi tài sản: đề nghị khách hàng giao tài sản bảo đảm. Trong trường hợp khách hàng gây khó khăn, ngân hàng nhờ đến sự can thiệp của chính quyền hoặc toà án để thực hiện các biện pháp cưỡng chế bắt buộc khách hàng chuyển quyền sở hữu tài sản.

+ Tổ chức phát mại tài sản: Hội đồng định giá tài sản tham khảo giá tài sản bảo đảm từ các nguồn như cơ quan địa chính, giá thị trường của tài sản tương tự được bán ở thời điểm gần nhất, giá do toà tuyên án tại các bản án… để quyết định mức giá khởi điểm cho tài sản. Sau đó, ngân hàng tiến hành bán tài sản bảo đảm theo hình thức tự bán đấu giá hoặc bán qua trung tâm bán đấu giá.

Tuy nhiên, hiện nay những thủ tục về xử lý tài sản bảo đảm rất phức tạp, phải qua nhiều giai đoạn, nên không thuận lợi cho ngân hàng, thêm vào đó, chi phí phát mại tài sản cao nên phát mại tài sản bảo đảm là điều không mong muốn nhất của ngân hàng. Hơn nữa, nhiều khi phát mại tài sản bảo đảm lại không đủ bù đắp cho khoản vay do giá cả của tài sản thay đổi, hoặc khi phát mại không có người mua, hoặc do người vay chây ỳ không chịu giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng khi không trả được nợ… Do đó, trong trường hợp không phát mại được tài sản, ngân hàng có thể thực hiện một số giải pháp tạm thời như: dùng tài sản bảo đảm để cho thuê; dùng tài sản bảo đảm làm vốn góp liên doanh; nếu tài sản bảo đảm là nhà ở có địa điểm thuận lợi (ở mặt đường, gần khu dân cư hoặc trung tâm thành phố) ngân hàng có thể dùng nó làm địa điểm giao dịch hoặc mở thêm các chi nhánh… Như vậy, ngân hàng sẽ có thêm được một khoản thu và giảm được một số chi phí như chi phí bảo quản, chi phí quản lý tài sản bảo đảm.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Trang 80)