- Tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
1.1.2.3. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan điều tra với VKSND và TAND. Đối với Viện kiểm sát, khi vụ án đã xác định được người phạm tội nếu quyết định khởi tố bị can thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và gửi ngay quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, đối với những vụ án quan trọng và phức tạp, hoặc trong những trường hợp cần thiết, trước khi quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần trao đổi về căn cứ, về tội danh của người bị khởi tố. Trong trường hợp Viện kiểm sát thấy việc khởi tố bị can của cơ quan điều tra là không có căn cứ hoặc không đúng pháp luật thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố, Viện kiểm sát phải trao đổi với cơ quan điều tra để cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố hoặc hủy quyết định khởi tố. Nếu không nhất trí được với nhau thì phải báo cáo lên cấp trên của hai ngành chỉ đạo giải quyết.
Theo quy định của pháp luật TTHS, khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can để tạm giam, tạm giữ, gia hạn tạm giam giữ hoặc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo (đối với người nước ngoài) thì phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát. Do đó, khi quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần thống nhất và quyết định lựa chọn áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp. Những trao đổi giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm
sát sẽ cung cấp thông tin cho Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam, lệnh gia hạn tạm giam, hoặc phê chuẩn lệnh khám xét chính xác.
Đối với những vụ án quan trọng và phức tạp, để đảm bảo cho việc kết thúc điều tra là có căn cứ thì trước khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra cần tổ chức họp báo cáo kết quả điều tra với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát để xem xét hồ sơ, chứng cứ. Su khi nhận được bản kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án mà cơ quan điều tra chuyển sang thì Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét nghiên cứu, nếu phát hiện vấn đề chưa rõ thì Viện kiểm sát chủ động yêu cầu cơ quan điều tra báo cáo thêm.
Trong trường hợp báo cáo của cơ quan điều tra vẫn chưa làm rõ được vấn đề yêu cầu thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra bổ sung chỉ trong trường hợp: Hồ sơ vụ án thiếu những chứng cứ quan trọng mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; hoặc khi phát hiện bị can phạm thêm tội danh khác hay vụ án có thêm những người đồng phạm; hoặc phát hiện có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Đối với TAND. Để đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả thì sự kết hợp giữa cơ quan điều tra với Viện kiểm sát và Tòa án là hết sức cần thiết. Mặc dù thực hiện những nhiệm vụ khác nhau trong các giai đoạn tố tụng, nhưng hoạt động của các cơ quan này nằm trong một quá trình giải quyết VAHS. Khi vụ án hình sự xảy ra, tùy theo tính chất của tội phạm phức tạp hay nghiêm trọng mà cơ quan điều tra chủ động phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án để họp bàn thống nhất và định tội danh, thẩm quyền xét xử của Tòa án, làm cơ sở cho việc quyết định điều tra, truy tố.
Đối với những vụ án nghiêm trọng xảy ra, cơ quan điều tra, ngoài việc phải phối hợp với VKSND, còn phải thông báo ngay TAND cùng cấp biết. Ba
ngành phải tổ chức ngay cuộc họp để bàn về hình thức xét xử và tập trung chỉ đạo kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử. Riêng đối với những vụ án hình sự được xác định là vụ án trọng điểm thì ba ngành phải phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cho đến khi vụ án được xét xử xong. Sự bàn bạc thống nhất giữa cơ quan điều tra với TAND ngay từ khi VAHS xảy ra là cần thiết vì nó tạo thuận lợi cho các bên chủ động trong việc điều tra và xét xử, tránh được những sai lầm có thể xảy ra trong thu nhập chứng cứ chứng minh theo những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự1.
Sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng là cần thiết, nó đảm bảo cho quá trình tố tụng diễn ra nhanh chóng, chính xác, việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chính vì vậy, sự phối hợp này cần phải được thiết lập trên dựa cơ sở bình đẳng, đảm bảo tính độc lập về thẩm quyền, hoạt động của từng loại cơ quan tố tụng, tránh trường hợp các cơ quan tố tụng phối hợp với nhau để đưa ra các bản án “bỏ túi”, hoặc bao che cho nhau khi có sự vi phạm tố tụng xảy ra.