- Tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
2.2.2. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của một số cơ quan tư pháp chưa được xác định phù hợp, rõ ràng, th ống nhất; chưa có sự phối hợp
chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp với nhau
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có sự điều chỉnh bước đầu về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của một số cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp với nhau,
giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan Nhà nước khác còn nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh hoặc quy định thật cụ thể, rõ ràng, thống nhất, đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp.
Trước hết, về chức năng của VKSND. Hiến pháp 1992 sửa đổi và Luật Tổ chức VKSND xác định chức năng của VKSND là thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Từ nhiều năm nay, kiểm sát xét xử của Toà án và thi hành các bản án, quyết định của toà án có vấn đề chưa đúng với vị trí của VKSND và không phù hợp với điều kiện hiện nay. Mối quan hệ giữa VKSND và cơ quan điều tra cũng còn có vấn đề phải nghiên cứu, xác định cho phù hợp, trong thực tế vai trò của VKSND đối với cơ quan điều tra còn hạn chế.
Đối với hệ thống TAND, Nghị quyết 49 xác định “Toà án sơ thẩm khu vực có nhiệm vụ, thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ án; Toà án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Toà án thượng thẩm có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Hiện nay cơ cấu tổ chức của ngành toà án có ba cấp: TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh và TAND tối cao. Trong TAND tối cao còn có ba Toà phúc thẩm đặt ở ba miền và các Toà chuyên trách. Cấu trúc này làm cho tổ chức TAND tối cao rất “đồ sộ” với biên chế hàng trăm thẩm phán, nhưng việc xét xử của các Toà phúc thẩm, Toà chuyên trách này vẫn còn để xảy ra oan sai, làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín của cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Mặt khác, chính mô hình tổ chức này đã dẫn đến tình trạng chu kỳ hoạt động tố tụng kéo dài, việc giải quyết vụ án rất tốn thời gian vì phải trải qua nhiều tầng nấc, với sự nhiêu khê và quan liêu của bộ máy nhà nước.
Việc duy trì quá lâu mô hình tổ chức hệ thống TAND theo cấp hành chính đã làm giảm sút tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án, đặc biệt khi xét xử những vụ án mà bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, hoặc bà con của họ. Mặt khác, chính việc tổ chức hệ thống tòa án theo mô hình này đã làm giảm hiệu quả xét xử của Tòa án, bởi vì việc tổ chức mô hình này xảy ra tình trạng một số tòa không xử hết án, trong khi một số tòa cùng cấp lại không có án để xử.
Do chưa có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng nên việc xét xử của Tòa án vẫn nặng về thẩm vấn mà chưa đi vào tranh tụng dân chủ.
Theo quy định của Luật Tổ chức TAND hiện nay, vấn đề chức năng, nhiệm vụ của Toà án vẫn còn những bất cập, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Có thể nói đến chức năng giải thích pháp luật. Thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy TAND tối cao có nhiều hướng dẫn không chính thức dưới dạng văn bản về nội dung một số điều luật. Đây thực chất là một trong những hiện tượng giải thích pháp luật. Đáng lẽ, thẩm quyền này thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhưng trên thực tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ít khi thực hiện quyền này. Việc TAND tối cao hướng dẫn các Toà án cấp dưới xét xử xuất phát từ thực tiễn hoạt động của ngành, được nhiều Tòa án áp dụng, nhưng do không có chức năng giải thích pháp luật nên “sự hướng dẫn này không phải là căn cứ pháp lý công khai của việc tuyên án”.
Đối với cơ quan điều tra. Hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa xác định và đề cao trách nhiệm cá nhân của các điều tra viên, tính độc lập của hoạt động điều tra và các biện pháp nghiệp vụ được phép sử dụng trong quá trình điều tra. Theo qui định hiện nay, điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra, phó thủ trưởng cơ quan điều tra là các chức danh tư pháp, tuy nhiên trên thực tế chỉ có thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra là người thực sự
có thẩm quyền đưa ra các quyết định tố tụng và chịu trách nhiệm về các quyết định này cũng như trách nhiệm tố tụng trong giai đoạn điều tra, các điều tra viên còn lại mặc dù trực tiếp tiến hành điều tra nhưng họ lại hoạt động với tư cách trợ lý, người giúp việc, “cùng đơn vị” với thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra.
Những bất cập về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp nêu trên đang là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu làm giảm sút tính hiệu quả, hiệu lực, sự độc lập và minh bạch của các cơ quan tư pháp, đây là những điểm yếu mà quá trình CCTP hiện nay cần phải giải quyết.
2.2.1. Đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ
Mặc dù được quan tâm xây dựng, kiện toàn và đã đạt được nhiều kết quả trong công tác, nhưng nhìn chung cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Sự bất cập đầu tiên của đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, tội phạm, tranh chấp trong xã hội không ngừng gia tăng và phức tạp hơn. Do vậy công việc của các cơ quan tư pháp ngày càng khó khăn và nặng nề hơn. Số vụ việc mà đội ngũ cán bộ tư pháp giải quyết ngày càng không ngừng tăng, trong lúc đó số lượng cán bộ lại còn rất mỏng, chính điều này đã tạo ra tình trạng quá tải trong quá trình tố tụng.
Mặc dù thiếu cán bộ tư pháp nhưng ở một số nơi việc tuyển dụng cán bộ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án, cơ quan thi hành án cũng gặp khó khăn về nguồn. Một số cơ quan tư pháp chưa đủ cán bộ theo biên chế, nhưng cũng không dễ tiếp nhận một sinh viên tốt nghiệp đại học luật chính quy vào làm việc. Nhưng quy định về thâm niên công tác hoặc yêu cầu về đào tạo nghề nghiệp làm cho nhiều cơ quan chưa có cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh tư pháp.
Bên cạnh đó, điểm hạn chế lớn nhất của đội ngũ cán bộ tư pháp hiện nay là trình độ, năng lực còn yếu. Thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy năng lực, trình độ chuyên môn của nhiều Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư còn yếu. Các lập luận để luận tội, thẩm vấn và bào chữa vẫn còn thiếu căn cứ pháp luật, việc xét hỏi tại phiên tòa vẫn còn mang tính áp đặt. Những người tiến hành tố tụng vẫn còn có các sai sót trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, hay biên bản lập không đúng trình tự, thủ tục, thiếu chữ ký của người làm chứng, người bị hại… Sự không thường xuyên cập nhật đầy đủ, có hệ thống những thông tin, kiến thức về kinh tế, xã hội cũng dẫn đến sự lúng túng, khó khăn của cán bộ tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án xử lý kéo dài, xét xử nhiều lần với những quyết định trái ngược nhau xuất phát từ việc nhận thức của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa thống nhất, vừa do thiếu hiểu biết của cán bộ tư pháp về những lĩnh vực có liên quan.
Do không nghiên cứu sâu, kỹ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án nên nhiều cán bộ tư pháp đã không đánh giá được một cách toàn diện bản chất của vụ án, đã đưa ra những quan điểm phiến diện, chủ quan, không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, những người tham gia tố tụng đã viện vào những lý lẽ rất xa rời pháp luật hoặc hoàn toàn chỉ dựa vào các lập luận về đạo đức, thói quen, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, cơ chế để cố đưa một bị cáo có chứng cứ pháp lý đầy đủ được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hợp pháp là có tội trở thành vô tội. Do trình độ hạn chế nên vẫn còn tình trạng luận tội, bào chữa, thẩm vấn dài dòng, tản mạn, hời hợt, ý kiến trình bày không rõ, bỏ sót hoặc không làm nổi bật được những tình tiết, chứng cứ quan trọng có lợi cho bị can, bị cáo.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ tư pháp vẫn còn thiếu tinh thần trách niệm trong công việc, thậm chí có trường hợp còn vi phạm pháp luật, đạo đức
nghề nghiệp, điều này đã vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, làm mất uy tín của cơ quan tư pháp. Trong quá trình tố tụng nhiều cán bộ tư pháp không tận tâm, tận lực với việc nghiên cứu về các tình tiết liên quan trong vụ án nên không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tham gia phiên tòa nhưng không tập trung tư tưởng dẫn tới tình trạng lặp đi, lặp lại vấn đề đã được làm rõ.
Thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư vì chạy theo lợi ích vật chất mà quên mất vai trò, sứ mệnh cao quý của nghề nghiệp. Một số khác không phân biệt được những hành vi nào được làm hoặc không được làm dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, hoặc lúng túng không biết phải ứng xử như thế nào trong những tình huống cụ thể. Hiện tượng “chạy án”, “thỏa thuận ngầm” hay “môi giới” vẫn còn tồn tại và ngày càng đi vào tinh vi, có tổ chức rất khó bị phát hiện. Điều đó đã có tác động xấu tới quá trình xét xử của vụ án, làm cho vụ án được giải quyết không khách quan, người có tội có thể không bị xử lý hoặc loại khỏi vòng tố tụng, còn người không có tội lại có thể bị đưa vào vòng tố tụng và bị tuyên là có tội.
Những hạn chế, bất cập, yếu kém về tổ chức và cán bộ của các cơ quan tư pháp nêu trên là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp hiện nay. Có thể nói công tác cán bộ là khâu yếu nhất, là nguyên nhân căn bản cần giải quyết trong quá trình CCTP hiện nay.