- Tổng kết kinh nghiệm xét xử.
1.2.3. Đảm bảo nguyên tắc không ai bị coi là có tội khi chưa có bản
án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật
Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền kết tội một người nào đó và quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực của pháp luật phải được thi hành và có tính chất bắt buộc đối với cơ quan nhà nước và công dân. Theo qui định của Bộ luật TTHS thì: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Một người thực hiện hành vi phạm tội nếu họ chưa bị tòa án kết án thì họ chưa bị coi là có tội. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác phải có thái độ tôn trọng họ khi tiến hành các hoạt động tố tụng.
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, nguyên tắc này được thể hiện: người bị Viện kiểm sát truy tố và Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa bị coi là người có tội, họ tham gia tố tụng với tư cách là bị cáo; họ còn đầy đủ các
quyền của một công dân, vì vậy những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không được đối xử với họ như một người có tội. Ngay cả khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án và kết án bị cáo phạm vào một tội nào đó quy định tại BLHS và áp dụng hình phạt đối với họ thì cũng không vì thế mà cho rằng họ đã là người bị coi có tội, mà chỉ khi nào bản án có hiệu lực pháp luật thì họ mới bị coi là có tội.
Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để bị cáo và người bào chữa cho bị cáo được sử dụng các biện pháp do luật định để gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại và những gì có lợi cho bị cáo.
Để đánh giá một người có tội hay không thì chỉ có Tòa án mới có quyền, ngoài Tòa án không một cơ quan hay cá nhân nào có quyền này. Hiện nay còn không ít người quan niệm rằng, một người đã bị khởi tố, đã bị bắt tạm giam là có tội nên mọi người đối xử với họ với thái độ kinh miệt, xa lánh, thậm chí những người thân của họ cũng bị khinh rẻ, hắt hủi, kể cả những người sau một thời gian tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra không chứng minh là họ có hành vi phạm tội, họ được đình chỉ điều tra, nhưng khi trở lại với gia đình và xã hội vẫn bị mặc cảm.
Phạm tội là hành vi của người đã thực hiện một tội phạm do Bộ luật hình sự quy định. Vì vậy, khi nói hành vi phạm tội, tức là mới nói đến một thực trạng khách quan đã và đang xảy ra và việc ngăn chặn hành vi này là rất cần thiết như bắt giữ, ra lệnh tạm giam, tiến hành các biện pháp điều tra xác minh theo quy định của Bộ luật TTHS để chứng minh hành vi phạm tội của một người. Việc cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng những biện pháp ngăn chặn đối với người có hành vi phạm tội là nhằm ngăn chặn những thiệt hại cho xã hội, đồng thời giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử không bị cản trở. Dù bị tạm giam hay được tại ngoại thì họ cũng chỉ bị coi là người có hành vi
phạm tội (người bị tình nghi) chứ chưa bị coi là có tội.
Tội phạm là khái niệm pháp lý chỉ một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan. Theo Điều 8 BLHS thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa1.
Trong điều kiện xây dựng NNPQ và đẩy mạnh CCTP, việc đảm bảo nguyên tắc này là hết sức quan trọng, nó là điều kiện cần thiết, tiên quyết nhất để đảm bảo việc tôn trọng quyền con người trong quá trình TTHS. Để thực hiện tốt nguyên tắc này đòi hỏi việc xem xét vụ án phải dựa trên cơ sở khoa học, tôn trọng tính khách quan, sự thật của vụ án. Những người tiến hành tố tụng phải công tâm, không định kiến với bị can, bị cáo, không được bỏ qua những tình tiết, chứng cứ gỡ tội có lợi cho bị can, bị cáo.