Việc phát huy vai trò của nhóm trưởng nhằm giúp cho việc thiết kế nhóm, quản lý, điều hành hoạt động nhóm khoa học và hiệu quả.
+ Lựa chọn nhóm trưởng: Như đã nói ở chương 1, đây là một việc rất quan trọng khi hình thành một nhóm học tập vì nhóm trưởng có vị trí và vai trò rất lớn trong hoạt động của nhóm. Một người nhóm trưởng có năng lực, năng động, linh hoạt sẽ góp phần không nhỏ đưa đến thành công cho nhóm. Khi lựa chọn nhóm trưởng cần phải căn cứ vào năng lực thực tế của mỗi người, phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy nhiên, các thành viên nên luân phiên nhau nắm giữ vai trò nhóm trưởng, bởi vì thay đổi nhóm trưởng nghĩa là thay đổi phong cách quản lý nhóm sẽ tạo nên hứng thú mới cho thành viên. Hơn nữa với sinh viên ngành sư phạm, được làm nhóm trưởng sẽ là cơ hội cho mỗi sinh viên rèn luyện kỹ năng điều hành các hoạt động và tự tin hơn trước đám đông. Điều này ảnh hưởng tích cực không ít đến nghề nghiệp sư phạm sau này.
+ Mỗi nhóm trưởng cần ý thức rõ vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Có tinh thần trách nhiệm với công việc, với nhóm của mình.
+ Các nhóm trưởng phải tìm hiểu, nắm được năng lực, sở trường của các thành viên để phân công nhiệm vụ phù hợp, phát huy đến mức cao nhất năng lực sở trường của mỗi người, nhằm giúp công việc đạt hiệu quả cao.
+ Nhóm trưởng phải lên kế hoạch hoạt động cụ thể cho nhóm nhằm định hướng cho nhóm hoạt động đảm bảo sự chủ động cho nhóm và các thành viên trong nhóm.
+ Nhóm trưởng không nên ôm đồm công việc, tạo tâm lý ỷ lại, dựa dẫm cho các thành viên.
+ Nhóm trưởng phải rèn cho mình khả năng lắng nghe, đặc biệt là tạo cơ hội cho tất cả các thành viên trong nhóm được phát biểu, đưa ra chính kiến của mình.
+ Nhóm trưởng phải thường xuyên kiểm tra các thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ nhóm đã phân công, hỗ trợ các thành viên khi cần thiết. Đồng thời nhóm trưởng
cũng là người chịu trách nhiệm liên kết các thành viên trong nhóm, tạo bầu không khí làm việc nhóm đoàn kết, hợp tác, thân thiện.
+ Việc đánh giá ý thức tham gia của các thành viên phải công bằng, chính xác dựa trên sự tham gia và đóng góp của các thành viên nhằm tạo động lực khuyến khích mọi người hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi nhóm trưởng đánh giá nên để cho các thành viên tự đánh giá điểm cho chính mình. Sau khi đánh giá điểm, nhóm trưởng cần công khai kết quả cho mọi thành viên và giải quyết những thắc mắc nếu có. Bên cạnh việc đánh giá ý thức tham gia của các thành viên, nhóm trưởng cũng cần tổ chức cho nhóm tự đánh giá hoạt động của nhóm, chỉ ra được mặt mạnh, mặt hạn chế của nhóm và kịp thời điều chỉnh nhằm thực hiện mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
+ Khi giảng viên nhận xét sản phẩm của nhóm, nhóm trưởng phải đặc biệt chú ý, ghi chép lại những ý kiến của thầy cô, rút ra bài học để điều chỉnh hoạt động của nhóm trong thời gian tiếp theo.
+ Thường xuyên tự trang bị kiến thức và rèn luyện các kỹ năng học tập theo nhóm cho bản thân.
+ Nhóm trưởng cũng cần coi trọng việc tạo mối quan hệ với thầy cô giáo, cán bộ lớp và các nhóm khác nhằm học hỏi kinh nghiệm và trao đổi thông tin khi cần thiết [5].