5. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Nhân vật được đặt tên theo cách thông thường
Đây là những nhân vật được đặt tên bình thường, tức là nhân vật có tên gọi cụ thể để có thể phân biệt ngay lập tức với các nhân vật khác trong tác phẩm. Những cái tên này tạo cho nhân vật có tính khu biệt cao. Nhóm nhân vật này có thể được chia làm hai loại.
Loại thứ nhất là những cái tên bình thường, có tính chất trung tính, không mang một ý nghĩa giễu nhại nào, như Đông, Thế, Hoàng Công, Bắc, Phú, Mai Trừng, con Ki, cô Tì, Yên Thanh, Quốc Đài, Miên, Hoa, Giềng, Nguyễn Đức Hùng, Duy, A Dai (Cõi người rung chuông tận thế); ông Nhân Từ, bà Phước, cô Giang, Hữu, Dũng (Thiên thần sám hối); Hoàng Viết Lại, Trần Thị Bé, ông Tung, anh San, ông Thìn, chị Hường, ông Phụng, ông Địch, Tạ Viết Đồng, thằng bé Thượng, gã Chu, bà Nga, Bính (Giã biệt bóng tối); Hoa, Hương, Khoa, Khánh, Phương Văn Thầu, Lược, Chiền Chiện, Thuận, Diễm Lệ, Già Thụ, Lương, Thảo, Tình, Bách, Hoàn, thím Cõn, cu Tiêu, Cu Con, Cu lớn, Cu bé, Dung, Hải, Luynh, Thanh Bình, anh cu Phờn, con cái Thắm, Bột (Người sông Mê). Những cái tên này chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong các tác phẩm mà chúng tôi khảo sát. Trong Cõi người rung chuông tận thế, tỉ lệ tên nhân vật được đặt tên thông thường trung tính so với tổng số nhân vật là 16/58; tỉ lệ này với Thiên thần sám hối là 5/50; với Giã biệt bóng tối là 13/72 và với Người sông Mê là 26/67.
84
Loại thứ hai trong nhóm những nhân vật được đặt tên này là những cái tên thông thường nhưng hàm chứa một ý nghĩa giễu nhại nào đó. Thực chất, trong bốn tiểu thuyết mà chúng tôi khảo sát, số lượng của chúng cũng không nhiều, nhưng ấn tượng lại khá mạnh. Đó là Cốc - Công, Bắc - Bóp, Phú - Phũ (Cõi người rung chuông tận thế). Cốc tên thật là Hoàng Công, bạn bè gọi chệch thành Cốc (Cock), trong tiếng Anh, từ này vừa có nghĩa là con gà trống (thích đạp mái), vừa chỉ “cái vật ngọ nguậy giữa đôi chân một gã trai”. Cái biệt danh vạch rõ bản chất tính dục cao độ của anh chàng. Bắc được gọi là Bob (Bóp) vì sở thích quái dị: từng đuổi người yêu ba lần quanh sân trường để bóp cổ, rồi học làm đầu bếp vì thích bóp cổ động vật để tìm khoái cảm. Tạ Đắc Phú thì bị gọi chệch là Phũ, “tên Phũ hợp với nó hơn”. Hoặc như nhân vật chàng giáo viên trong Người sông Mê được nhân vật Hương gọi là anh Lê-nin vì lúc nào anh cũng chỉ biết khuyên bảo: Học, học nữa, học mãi. Anh chàng lớp trưởng có tài sửa dép cao su, vì trong một lần ngồi xổm vừa sửa dép vừa ngâm nga bài thơ Thăm lúa của Hữu Thung mà được các bạn đặt cho cái biệt danh Chiền Chiện hài hước, cả cuộc đời chỉ biết làm theo sự phân công của cấp trên, nhu mì và hiền lành, không đòi hỏi. Pa-pa Hữu có nghĩa là cha Hữu, vốn là tổng biên tập tờ báo tỉnh thì lại là kẻ vô liêm sỉ, khiến cô phóng viên Giang không thể phân biệt được cái thai trong bụng là của cha nuôi hay của chồng mình; hay là cậu bé sơ sinh vô tội “bị” ông bố giàu có hư hỏng đặt cho cái tên Khốn Nạn trong Thiên thần sám hối. Tất cả những cái tên này, một phần nào đó đã hé lộ cho chúng ta tính cách hoặc số phận nhân vật. Nó phản ánh theo chiều thuận tính cách hoặc số phận người được đặt cái tên đó, hoặc cũng mang ý nghĩa đối lập (trường hợp pa-pa Hữu - người cha nhưng bản chất không khác gì một con quỷ).
85