Giọng điệu giễu nhại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975

Một phần của tài liệu Giọng điệu giễu nhại trong một số tác phẩm gần đây của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diễn (Trang 27)

5. Cấu trúc luận văn

1.2. Giọng điệu giễu nhại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975

1.2.1. Tiền đề xuất hiện cảm hứng và giọng điệu giễu nhại

Trong văn học nói chung, giọng điệu giễu nhại thường đi liền với cảm hứng phê phán. Trong văn học Việt Nam trước 1945, giọng điệu này có nhiều trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Những kiểu ăn bẩn của bọn tham quan, thói học đòi nhố nhăng của bọn trọc phú, những kẻ cậy giàu sang, quyền thế bắt nạt người nghèo... thường là đối tượng phê phán và giọng điệu giễu nhại đóng vai trò chủ âm trong các sáng tác đó. Cuộc đời được cảm nhận và được tái hiện như một sân khấu hài kịch, một canh bạc đầy những chuyện vô nghĩa lý, con người tham lam, vô nhân tính, biến chất,... bằng giọng điệu giễu cợt, đả phá, phẫn uất, châm biếm, giễu nhại. Trong số đó, tiêu biểu nhất phải kể tới là tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, các truyện ngắn: Đồng hào có ma; Cô Kếu, gái tân thời; Tinh thần thô tục;

Chuyện chó chết cái thâm ý của anh chàng sợ vợ;... của Nguyễn Công Hoan đều là những trang viết mang đậm dấu ấn giễu nhại ấy. Đương nhiên, trong

26

nhiều tác phẩm khác của các tác giả khác, giọng điệu giễu nhại tuy không là chủ âm nhưng ít nhiều xuất hiện góp phần tạo nên tính đa thanh, đa giọng điệu, làm sống động hơn cho bức tranh cuộc sống đa diện được phản ánh trong tác phẩm.

Sau 1945, do những yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, giọng điệu giễu nhại không được sử dụng nhiều. Nhận thức về mối quan hệ giữa văn học với chính trị lại càng trở nên cứng nhắc hơn do tính chất của cuộc sống và yêu cầu phục vụ chiến đấu. Âm vang thời đại thúc giục văn nghệ sĩ cùng nhìn về một hướng, cùng hòa giọng trong bài trường ca ngợi ca Tổ quốc, quê hương anh hùng, dân tộc kiên cường và nhân dân anh dũng. Giọng điệu trữ tình, ngưỡng mộ, ngợi ca vẫn là giọng điệu chủ đạo hào sảng vang vang khắp văn đàn. Trong hoàn cảnh đó, giọng điệu giễu nhại không được gieo mầm, càng không có cơ sở lộ diện. Khi ý thức dân chủ chưa được phát huy thì ý thức sáng tạo càng không thể giải phóng. Không có nhiều nguồn cảm hứng khi đứng trước hiện thực cuộc sống đa dạng, cảm hứng anh hùng và giọng điệu ngợi ca là “đặc sản” trong “thực đơn” của các nhà văn thời ấy, âu cũng là điều dễ hiểu.

Sau 1975, nhu cầu đổi mới đã trở nên vô cùng bức thiết không chỉ với nền kinh tế đang đòi hỏi được phục hồi khẩn thiết sau chiến tranh mà còn đối với những lĩnh vực khác liên hệ trực tiếp với kinh tế như văn hóa, xã hội, chính trị, pháp luật, đạo đức... Đổi mới văn nghệ trong đó có văn học cũng nằm trong cái tất yếu ấy. Nhu cầu đổi mới đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nhận định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn...” [22, tr.64].

Trên tinh thần dân chủ của thời đại, quan điểm chỉ đạo văn nghệ thông thoáng và cởi mở hơn đã “thổi một luồng gió lớn vào đời sống văn học nghệ

27

thuật nước nhà, mở ra một thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam trong tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật” [43, tr. 11] cho phép công dân thể hiện chính kiến, quan điểm của mình về mọi vấn đề trong đời sống xã hội một cách thẳng thắn, trung thực. Có thể nói, ý thức cá nhân, trách nhiệm cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết. Điều này lại càng có ý nghĩa với người nghệ sĩ, nhất là với giới văn chương - những người có trái tim và ngòi bút giàu nhạy cảm trước cuộc đời.

Bên cạnh đó, bản thân những người nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn, có đầy đủ tự tin để thể hiện cá tính, phát huy tinh thần dân chủ, nâng cao vai trò cá nhân của mình trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng. Năng lực của họ gặp gỡ với nhu cầu được thư giãn, giải tỏa, nhu cầu được đánh giá, được bình phẩm của độc giả về các hiện tượng đời sống mà văn học phản ánh, thể hiện. Chính vấn đề được thỏa mãn những nhu cầu chính đáng ấy trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã khơi nguồn cho những cảm hứng phê phán mới mẻ trong những sáng tác của họ. Trên cơ sở đó, tiếng cười và cảm hứng giễu nhại đã hồi sinh, giọng điệu giễu nhại trở lại xuất sắc hơn, ấn tượng hơn.

1.2.2. Giọng điệu giễu nhại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975

Sau 1975, cảm hứng sử thi với giọng văn hào hùng trước đó đã không còn giữ vai trò chủ xướng trên văn đàn. Đặc biệt là từ năm 1986 - thời điểm đánh dấu làn gió đổi mới bắt đầu thổi không chỉ trên mặt trận kinh tế, chính trị mà còn xôn xao đến cả những ngõ ngách nhỏ nhất của cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng - được khởi nguồn từ cảm hứng trào lộng, giọng điệu giễu nhại bắt đầu nảy mầm và lan truyền khắp các nhà văn từ lớp trẻ tới lớp già (từ văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh... đến văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu... đến văn Vũ Bão, Tô Hoài...) và đơm hoa kết trái trĩu cành. Vườn văn học nghệ thuật với nhiều loại quả hoa phong phú hình thành và ngày một tươi

28

hương với sự góp công của nhiều cây bút ở nhiều thể loại, nhiều giọng điệu, âm sắc.

Góc độ tiếp cận con người và hiện thực tuy không hẳn khác biệt với quỹ đạo văn học sử thi nhưng cách xử lý hiện thực đã bước đầu có những thay đổi. “Đó là ý thức khắc phục cái nhìn lý tưởng hóa con người, chú trọng hơn đến những diễn biến tư tưởng - tâm lý” [12, tr. 50] khi nhân vật bị đặt trước những ngã rẽ của lịch sử, những khúc cua của cuộc đời. Tình huống này xuất hiện trong một loạt sáng tác: Gặp gỡ cuối năm - 1982, Thời gian của người - 1985 của Nguyễn Khải, Những người đi từ trong rừng ra - 1982 của Nguyễn Minh Châu, Mưa mùa hạ - 1982, Mùa lá rụng trong vườn - 1985 của Ma Văn Kháng, Đứng trước biển - 1982, Cù lao Tràm - 1985 của Nguyễn Mạnh Tuấn,... Ở đây, điểm nhìn con người dịch chuyển dần về phía đạo đức sinh hoạt; cảm hứng phê phán xuất hiện bên cạnh cảm hứng ngợi ca làm gia tăng sự phong phú giọng điệu trong các sáng tác. PGS. TS. Nguyễn Thị Bình khẳng định giọng điệu giễu nhại là một trong những đặc điểm khá tiêu biểu của văn xuôi sau 1975, bởi vì: “Tuổi trẻ nhạy cảm với cái mới và sớm được hít thở làn gió dân chủ lại nhập cuộc hầu như cùng cơ chế thị trường. Họ công khai chống lại các thứ quy tắc bảo thủ, lỗi thời, các quy phạm, thói trịnh trọng cứng đờ, tính giáo huấn, những quan hệ xã giao nhiều đạo đức giả, lối thưa gửi khúm núm, những húy kỵ, tóm lại là tất cả những gì trói buộc cá tính. Dường như không quá coi trọng hóa cái gì, có khi cực đoan đến mức không coi cái gì là quan trọng” [11, tr. 123].

Với Lê Minh Khuê, một cây bút nữ khá nổi bật, giọng điệu giễu nhại chỉ thấp thoáng trong một số tác phẩm ban đầu, càng về sau càng trở nên đậm nét và mạnh mẽ. Bằng cảm quan của mình, chị đã tập trung sự giễu nhại vào thực trạng tha hóa, lối sống thực dụng của con người thời hiện đại, những bất ổn trong cơ chế xã hội, những quan niệm lệch lạc, ấu trĩ của con người.

29

Những vấn đề ấy đều được nhà văn thể hiện bằng một giọng văn hài hước, châm biếm kiểu như: “đường làng trồng nhiều cây bạch đàn, con mương thẳng theo hàng cây. Hai cái quán karaoke đứng cạnh mấy đống rơm… bố mẹ Nathaniel cũng xây cái hộp vuông như cái bánh chưng, bên trên nhọn hoắt những tháp của người Ả-rập…” (Làng măng). Nhà văn giễu sự mù quáng của con người trước đồng tiền đến mức biến mình thành một kiểu con vâti - người (Anh lính Tony.D); giễu chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần (Ga xép) và cũng chẳng ngại ngầm châm biếm loại người cứng nhắc “cỗ máy”, công cụ (Thân phận cu li). Chất giễu nhại trong giọng điệu của Lê Minh Khuê được bộc lộ ngay trên bề mặt lời văn thông qua từ ngữ, cách gọi tên nhân vật, hình ảnh, lời trữ tình ngoại đề. Cũng có lúc, nó ẩn sâu sau lời trần thuật khách quan hoặc giấu mình sau nhịp văn. Tuy nhiên, tiếng nói trong tác phẩm của chị phần nhiều không hề nhẹ nhàng, kín đáo mà có phần chua chát, đắng cay cùng với đó là cái nhìn nghiêm khắc với hiện thực.

Có thể nói, đến Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, cảm hứng giễu nhại mới thực sự rõ nét cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Nguyễn Huy Thiệp không ngần ngại ứng dụng giọng điệu giễu nhại với cả những hình tượng lịch sử mà đa số người vẫn kiêng kị. Ông phá bỏ lớp khói sương phủ mờ của những thánh nhân (vua Gia Long, vua Quang Trung), kéo họ gần hơn với những tính cách con người bình thường, đôi khi tầm thường. Mảng truyện lịch sử tạo nên danh tiếng cho ông như Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa... đã tốn không ít giấy mực của giới phê bình. Song, giá trị chân thực của chúng có lẽ cần tới những người đọc mạnh dạn và công tâm hơn. Bên cạnh đó, khu vực cuộc sống đời thường cũng được Nguyễn Huy Thiệp soi chiếu bằng giọng điệu giễu nhại. Tướng về hưu, Sang sông,... đều là những thể nghiệm thành công của nhà văn với chất giọng này. Nhà văn dùng giọng điệu giễu nhại để “giải thiêng” những quan niệm anh hùng, thi vị hóa cuộc

30

sống. Cuộc đối thoại ngắn giữa đứa cháu thơ ngây và ông nội đã thẳng thắn vạch trần cái hiện thực trớ trêu của vị tướng già giữa đời thường: “Cái Mi hỏi: Ông đi ra trận hả ông? Cha tôi bảo: Ừ! Cái Vi hỏi: Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông? Cha tôi chửi: Mẹ mày! Láo!” [72; tr. 34] Trong một đoạn khác, nhà văn lấy suy nghĩ của những đứa trẻ để giễu nhại và xót xa về lối sống thực dụng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người: “Cái Mi hỏi: Sao chết đi qua đò cũng phải trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà? Cái Vi bảo: Đấy có phải là nghậm miệng ăn tiền không bố? Tôi khóc: Các con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín. Cái Vi bảo: Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần” [72; tr. 29]. Nguyễn Huy Thiệp không e sợ mà còn dám đưa ngòi bút giễu nhại của mình vào những vấn đề đạo đức, niềm tin tôn giáo. Chứng kiến cảnh hai tên buôn đồ cổ đập vỡ chiếc bình quý để cứu đứa trẻ đang bị kẹt tay trong miệng bình, chính ông giáo, một biểu tượng sống của văn hóa và đạo đức thốt lên: “Trời! Anh ấy dám đập vỡ bình! Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách mạng! Một nhà cải cách!”, trong khi đó, “chị lái đò giấu nụ cười thầm. Chị biết, vô phúc cho ai một mình gặp hắn trong đêm” [72; tr. 235]. Kẻ cướp có thể trở thành anh hùng, thậm chí thành Phật nếu đối sánh với nhà sư - người từ đầu tới cuối không hề biểu lộ một lời nói hay hành động nào. Đây chỉ là một vài trong số những dẫn chứng minh họa cho triết lý mang đậm cảm hứng giễu nhại “bậc hiền triết - con chó xồm” mà Nguyễn Huy Thiệp sử dụng khá nhiều trong sáng tác của mình.

Cùng với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài là một trong số những nhà văn có ý thức cách tân mạnh mẽ với mục tiêu “viết như một phép ứng xử”. Trong Thiên sứ, tác giả đã thực hiện một thao tác được gọi là “sự phá hủy kiểu nhân vật truyền thống”. Phạm Thị Hoài dành nhiều trang viết, sử dụng số lượng nhân vật trí thức “đủ để tạo một dàn hợp xướng trí thức Việt

31

Nam thời kỳ quá độ” để lật tẩy, phê phán, lật đổ hình tượng kiểu nhân vật vốn được xem là lớp người có học thức, vì vậy, thường được xã hội coi là đạo đức hoặc chí ít, họ cũng tự coi mình là như vậy. Đó là bố Hoài, thích sưu tập sách nhưng chỉ là những cuốn sách dày để sau này, khi về già sẽ mở hiệu cho thuê. Đó là Hùng, một người có bằng đỏ Lômônôxốp nhưng lại là người “trung lập và ôn hòa tuyệt đối”, suốt đời chỉ “thủ thế và phòng ngự”. Đó là Hoàng, khi làm thầy thì bạc nhược nhưng lại mạnh mẽ, tự tin trong vai trò con buôn. Đó là anh chàng “Quang lùn”, cao 1m26, một thanh niên tích cực hoạt động trong phong trào cờ đỏ của phường, người có lời tỏ tình ấn tượng đúng 0h ngày sinh nhật thứ 20 của cô bé Hoài: “Tôi yêu Hoài. Nhưng chúng ta không thể để tình yêu lấn át lí trí. Tôi cần ra đi, nhiều nhiệm vụ cấp bách của cách mạng đang đòi hỏi” [43, tr. 216]. Kiểu nhân vật tự vạch trần mình với sự đối lập địa vị bên ngoài với tính cách bên trong như vậy là một trong những phương thức giễu nhại thành công của không chỉ Phạm Thị Hoài mà còn được nhiều cây bút khác sử dụng để lột tả hiện thực với nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại.

Có một thực tế không thể phủ nhận là trong dòng văn học đổi mới, văn xuôi Việt Nam đã thực sự có những tìm tòi đáng mừng về cả chiều rộng và chiều sâu. Với cái nhìn thẳng vào hiện thực, khám phá nó ở nhiều chiều kích khác nhau, các tác giả văn xuôi đã thực sự đem tới một diện mạo mới với những sắc thái mới cho văn học. Diện mạo ấy, sắc thái ấy tiếp tục được làm giàu thêm với những sáng tác đầu thiên niên kỷ mới, mà trong luận văn này, chúng tôi xin được làm rõ qua việc khảo sát giọng điệu giễu nhại trong bốn cuốn tiểu thuyết được xuất bản sau năm 2000: Cõi người rung chuông tận thế (2002) của Hồ Anh Thái, Người sông Mê (2003) của Châu Diên, Thiên thần sám hối (2000) và Giã biệt bóng tối (2008) cùng của Tạ Duy Anh.

32

Chương 2

GIỌNG ĐIỆU GIỄU NHẠI - MỘT PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN CẢM HỨNG PHÊ PHÁN CỦA NHÀ VĂN VỚI HIỆN THỰC

Trong văn chương, giọng điệu giễu nhại là một sắc thái của giọng điệu. Nên, hiểu về giọng điệu giễu nhại trước hết cũng là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả” [28, tr. 112]. Hiện tượng được miêu tả này chính là những vấn đề được nói tới trong tác phẩm, có thể là các vấn đề xã hội hoặc con người.

Trước nay, cảm hứng và giọng điệu luôn là một cặp thành tố nghệ thuật có mối quan hệ nhân - quả. Mối liên hệ mật thiết này, theo chiều thuận, thể hiện ở việc người viết có cảm hứng trước rồi từ đó mới có giọng điệu phù hợp. Chẳng hạn, cảm hứng anh hùng ca thường làm nảy sinh giọng văn hùng tráng, hào sảng, trong khi đó, giọng văn trầm lắng, buồn thương thường là kết quả của cảm hứng bi ai. Chiều nghịch trong mối quan hệ này thường lộ ra qua thủ pháp nghệ thuật giấu mình của nhà văn: tình cảm thì nồng, giọng văn lại đạm. Sự độc đáo trong giọng điệu nghệ thuật, xét đến cùng đều bị chi phối bởi cái nhìn con người và cuộc đời của nhà văn. Cái nhìn ấy, thế giới quan ấy làm nảy sinh cảm hứng sáng tác, rồi gọi ra giọng điệu. Đầu thế kỷ XX, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan nhìn cuộc đời như một sân khấu hài kịch, một canh bạc đầy những chuyện vô nghĩa lý, con người tham lam, vô nhân tính, biến chất,... Do vậy, xuất hiện ở sáng tác của

Một phần của tài liệu Giọng điệu giễu nhại trong một số tác phẩm gần đây của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diễn (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)