Vừa giận vừa thương con người tự nhiên bản năng

Một phần của tài liệu Giọng điệu giễu nhại trong một số tác phẩm gần đây của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diễn (Trang 71)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.3.Vừa giận vừa thương con người tự nhiên bản năng

Không phải đến văn xuôi thời kỳ sau 1975, khái niệm con người tự nhiên bản năng mới xuất hiện. Ngay trong những sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng trước 1945 đã phát hiện, đề cập đến nó như một đặc điểm bản chất của con người với hình tượng nổi bật trong Chí Phèo, Số đỏ. Bên cạnh xu hướng nhìn nhận, khám phá những khát vọng tự nhiên chính đáng của con người, một số tác giả còn đi sâu khai thác nó như một tính cách tiêu cực trong những nhân vật mà cái bản năng, cái tự nhiên bị phát triển quá mức bình thường. Bằng giọng văn giễu nhại, các tác giả như Hồ Anh Thái, Tạ Duy

70

Anh, Châu Diên thông qua những điểm đáng cười, đáng chê trách ở con người mà gieo vào trong lòng người đọc những tâm tư day dứt không nguôi.

Trong Cõi người rung chuông tận thế, tính cách của những gã thanh niên Cốc, Phũ, Bóp hình thành không chỉ bởi sự giáo dục của gia đình, bị ảnh hưởng của môi trường xã hội mà một phần không nhỏ chính là cái bản năng của chúng. Chuyện giết chết những con vật như một khoái cảm xác thịt của Bóp chính là phần bản năng hiếu sát của gã trai này. Cũng như vậy, cái bản năng giống đực của Cốc lại luôn được phát huy hết mức. Còn Phũ thì chỉ trong vòng 9 năm làm đàn ông đã tranh thủ đua xe lạng lách trên đường phố nhỏ hẹp và xuất chúng trở thành một chuyên gia có hạng trong việc sưu tầm quần lót phụ nữ với con số 101 chiếc đủ loại, đủ màu sắc và kích cỡ. Cái giễu nhại là ở chỗ, ba gã trai này lại bị chết bởi chính những điều mà chúng thành thạo. Cốc đột tử ở biển với “con gà trống tạp ăn luôn rình đạp mái giờ rũ xuống như một mẩu dây thừng ngâm nước” [60, tr. 34]. Bóp thì ra đi trong tư thế “đung đưa như một hình nộm giữa phòng tắm khá rộng” với “chiếc quần soóc quả là ướt đẫm và tỏa mùi hạt dẻ” [60, tr. 56, 57]. Còn Phũ thì từ biệt thế gian với thân hình vắt nửa miệng cống, “cả phần hộp sọ phía sau, ở trên gáy một chút, biến đi đâu mất, giống như một cái gáo dừa rỗng không” và “quanh cái gáo dừa ấy là một vành khăn trắng”, “giống hệt cái chết của một gã đua xe chết bỏ” [60, tr. 94, 95]. Rõ ràng khi con người không làm chủ được mình, không chế ngự được những đòi hỏi riết róng của bản năng, thậm chí đã để cho bản năng tung hoành thì điều sẽ đến tất phải đến, như cái quả đắng tất yếu của phần nhân đã gieo mầm, là cơn bão tất phải có của kẻ gieo gió vậy.

Một nét hồn nhiên khác ở con người mà Châu Diên hướng ngòi bút giễu nhại của mình vào đó, chính là sự vô tư, nhưng lại là sự vô tư của những người lớn, những người đang chuẩn bị già, và khi già mà vẫn sống thật vô tư. Sự vô tư ở đây nên được hiểu là một điều đáng tiếc trong tính cách một cá

71

nhân trưởng thành. Với bố của Hoa chẳng hạn. Ông tuy là một thầy giáo luôn được học sinh yêu mến vì tình thương vô tư mà ông dành cho họ. Ông cưu mang những sinh viên nghèo luôn đói bụng, dù nhà không dư giả gì. Ông là người chồng, người cha của bốn đứa con, là trụ cột trong gia đình, lẽ ra trách nhiệm ấy đòi hỏi ở ông sự cương trực, cứng rắn, quyết đoán để trở thành chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho vợ con. Nhưng hình ảnh của ông hiện lên qua ngòi bút Châu Diên thật khác lạ với cái lẽ ra ấy. Bố Hoa lúc nào cũng thích làm thơ, thích sưu tập thơ tình, thích đọc thư tình, dùng thơ để thể hiện tình yêu của mình với vợ mà theo cách nhìn của Hoa, đó là “đã yêu rồi lại còn nói oang oang ra là yêu ấy nhé”. Và thơ thì được ông tận dụng vào mọi dịp, mọi hoàn cảnh: “Thơ hôm sinh nhật nàng. Thơ kỷ niệm ngày cưới. Thơ kỷ niệm sinh con đầu lòng năm thứ nhất năm thứ nhì năm thứ bốn... Thơ kỷ niệm sinh nhật con thứ hai sinh nhật con thứ ba...” đến nỗi Hoa cũng phải phục ông vì “cụ đẻ ra nhiều thơ thật. Đẻ thơ nhiều hơn nhà thơ chính tông ấy” [17, tr. 110, 111]. Nét ngây thơ hồn nhiên ở ông đậm đặc tới nỗi vợ ông cũng không thể chịu đựng được nữa phải tìm tới cái chết. Nhưng may mắn thay, vì cái xà nhà yếu gãy mà vợ ông không chết. Mừng sự kiện này, ông lại làm thơ! Ông giáo cứ nghĩ dùng thơ nói oang oang lên tình yêu của mình thế là đủ, song ông chẳng biết điều đó không còn có tác dụng gì với bà giáo nữa. Cái vô tư của ông giáo thể hiện ở tính hay quên. Sáng nào ông cũng hỏi cô con gái chiếc bút máy Hồng Hà của ông ở đâu. Ông quên luôn cả cô con gái đã đến tuổi đi học, nên lẽ ra đã được lên đến lớp bốn cô vẫn ở nhà chăm em cho ba mẹ. Ông ngây ngô và hay quên đến nỗi nghe chuyện nhà mình qua miệng kẻ khác mà cứ vô tư bình luận, mắng mỏ vì ông không biết đó là chuyện nhà mình. Chuyện vợ ông tự tử hụt vốn bị đồn là do ông bày trò để xin công đoàn nhà trường trợ cấp nhưng ông vô tư không nghĩ ngợi gì. Tới khi ngồi quán nước, ông “được nghe chuyện chính nhà mình nhưng không phải là chuyện

72

nhà mình mà lại đúng là chuyện nhà mình... Về nhà bố chửi ầm lên cái thằng vô lại nghèo thì nghèo chứ đâu đã đến nỗi nào hai vợ chồng bác sĩ hẳn hoi mà phải giở cái trò thô bỉ cho vợ uống thuốc độc rổm giả vờ tự tử để được Công Đoàn trợ cấp kia chứ!” [17, tr. 118, 119]. Đến tận lúc tuổi đã cao, ông vô tư đi tập thể dục dưỡng sinh và không hề biết hai đứa con trai mình đã bỏ nhà đi trước đó hai tuần rồi. Trong con mắt Hoa, ông giáo là người “luôn ném sự kiện ra bên ngoài”, ruột để ngoài da, vô tư, trong sáng. Ông chính là sản phẩm của một thời bao cấp, khi mà “lái xe là ghê lắm, thủ kho to hơn thủ trưởng, lái xe đè giám đốc, lái xe không những to hơn không những là chỉ huy của ông thủ trưởng, lái xe còn có thể cắt đặt cơ đấy, bộ trưởng mà lơ mơ có khi bị lái xe cho mất chức như thường”. Thời đại kêu gọi những con người sống vì tập thể, ông nghe theo tiếng gọi ấy, chẳng tơ màng quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình, nhưng ông lại không nghĩ có nhiều kẻ không nghe theo như ông, do vậy mà “một người thông minh và đầy nhựa sống” như ông “phải tự mình kéo mình lùi lại dăm ba chục thập niên” [17, tr. 113]. Châu Diên giễu cái vô tư, vô tâm, vô trách nhiệm của ông giáo bằng giọng văn hóm hỉnh nhưng chất chứa đằng sau những câu chữ ấy là sự thâm thúy của một tấm lòng thương xót thân phận nhỏ bé của con người trước thời cuộc.

Chiền Chiện cũng là một nhân vật được Châu Diên khắc họa với nét vô tư, không suy tính. Anh liên tục được cử đi làm những nhiệm vụ mới do cách mạng giao cho. Nhưng đến khi về già, một mảnh đất làm nhà cũng không có, người vợ thứ ba phải vào tận các bác trên tỉnh, nói khó với người ta, người ta mới cấp cho một mảnh đất méo mó bên sông. Chiền Chiện sống vô tư đến độ, tự anh nghĩ tội cho mình rằng không biết đến khi chết, người ta sẽ ghi lên bia mộ anh chức danh, vị trí gì. Những tâm hồn không hề vẩn đục như Chiền Chiện hay ông giáo thực ra lại là một kiểu ích kỉ nhưng không hề biết mình ích kỉ. Họ sống ngây thơ và cả tin một cách ngây thơ tất cả mọi người nhưng

73

vô tình đến nỗi chính bản thân mình đã làm tổn thương những người thương yêu mình mà không hay biết. Nói vừa đáng thương vừa đáng trách đối với những tâm hồn ngây thơ ấy là như vậy.

Nhìn lại những gì đã trình bày ở trên, rõ ràng các tác giả đã thành công khi chọn giễu nhại làm giọng điệu chủ đạo trong những sáng tác của mình. Bằng giọng điệu ấy, những vấn đề của đời sống xã hội và con người với những mặt trái, những góc tối, những xấu xa, tiêu cực hiện lên có phần dễ dàng hơn với người tiếp nhận. Cười đấy, nhưng đằng sau cái cười ấy là cả một tấm lòng đau đáu với số phận con người trong cuộc sống nhiều bon chen, phức tạp, cuộc sống mà các thang giá trị đang thay đổi, thật giả, trắng đen lẫn lộn. Giọng điệu giễu nhại phần nào đã giúp các nhà văn chuyển tới độc giả sức khơi gợi, kích thích tâm lý và nhận thức của họ, tạo ra một tâm thế mới trong việc tiếp nhận văn học. Giọng điệu giễu nhại đã thực sự là sự lựa chọn đúng đắn để thể hiện những vấn đề gai góc và có vẻ không hề dễ tiếp nhận. Và chính giọng điệu ấy cũng chi phối nhiều tới việc chọn lọc và sử dụng các phương tiện nghệ thuật bổ trợ cho chính nó, mà chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu ở chương sau.

74

Chương 3

GIỌNG ĐIỆU GIỄU NHẠI

VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ NGHỆ THUẬT LIÊN QUAN 3.1. Điểm nhìn trần thuật và giọng điệu giễu nhại

Giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [28, tr. 112]. Thái độ, tình cảm hay lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn lại được quy định bởi điểm nhìn của nhà văn đó. Họ có vị trí đứng để quan sát hiện tượng, có thể từ trong hay ngoài, gần hay xa với đối tượng. Từ khoảng cách ấy, họ có những cái nhìn khác so với ở những vị trí khác. Điểm khác biệt đó, một phần được thể hiện qua giọng điệu trong những câu từ mà họ viết ra.

Một phần của tài liệu Giọng điệu giễu nhại trong một số tác phẩm gần đây của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diễn (Trang 71)