5. Cấu trúc luận văn
1.1.3. Giọng điệu giễu nhại
Trước hết cần khẳng định, giọng điệu giễu nhại là một sắc thái của giọng điệu trần thuật. Bên cạnh giễu nhại, chúng ta còn được chứng kiến những sắc thái giọng điệu khác đóng vai trò chủ đạo trong các tác phẩm. Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) với giọng điệu trào phúng; các sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám thấm đẫm giọng điệu khách quan, lạnh lùng bên ngoài nhưng đầy thương xót bên trong; hay giọng điệu giễu cợt, châm biếm chiếm ưu thế trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan...
Do vậy, giọng điệu giễu nhại cũng là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [28; tr. 112]. Song vì giọng điệu mang tính chất giễu nhại nên sẽ nó sẽ bao chứa những đặc điểm riêng, giúp người đọc nhận biết và phân biệt nó với những sắc thái giọng điệu khác trong cùng tác phẩm hoặc trong tác phẩm khác.
Giọng điệu trước hết là để thể hiện thái độ, tình cảm, lập trường của nhà văn. Do vậy, sử dụng giọng điệu giễu nhại, điều tác giả muốn truyền tải tới người đọc đầu tiên là thái độ vui cười, châm biếm đối với đối tượng được giễu nhại, sau đó là những lớp lang hiện ra sau khi ta tắt nụ cười và nghiền ngẫm, suy tư về những đối tượng ấy. Đó có thể là đơn thuần giải trí nhưng cũng có thể là những ưu tư của một con người giàu tâm sự, âu lo cho con người, cho quê hương, đất nước. Thái độ được biểu hiện ra qua giọng điệu giễu nhại ấy tùy thuộc vào đối tượng được phản ánh. Nói cách khác, giọng điệu giễu nhại chi phối tới cách chọn đề tài, vấn đề tạo nên nội dung tác phẩm. Đối tượng để giễu nhại chắc chắn sẽ không trùng khớp với những vấn đề mà giọng điệu trữ tình hay hài hước chọn lựa. Đó phần lớn sẽ là những mảng hiện thực khác thường ở phía cực kia của đời sống: khía cạnh xấu
25
(hình thức hoặc nội dung), cái ác (con người), những tiêu cực, tệ nạn (xã hội)... Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn khi tiến hành khảo sát vấn đề thái độ, quan điểm các tác giả sử dụng giọng điệu giễu nhại trong chương 2 của luận văn này.
Do giọng điệu thể hiện thái độ của người cầm bút thông qua cách xưng hô, cách cảm thụ xa gần, nhằm ý nghĩa ngợi ca hoặc so sánh, nên thêm sắc thái giễu nhại, cần đến cách xưng hô không quá nghiêm túc hoặc đôi chút suồng sã, cách đặt tên nhân vật gây cười hoặc mang ý châm biếm, mỉa mai,... Bên cạnh đó giọng điệu còn có mối quan hệ mật thiết với những yếu tố nghệ thuật như điểm nhìn trần thuật, tình huống trần thuật, kết cấu tác phẩm và lời văn, ngôn ngữ của tác phẩm. Những mối quan hệ này sẽ được chúng tôi xem xét cụ thể trong chương 3 của luận văn.