Kiến nghị với địa phương và các ngành liên quan

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác phân cấp thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 96)

- Chi ngân sách cấp quận,

3.3.2.Kiến nghị với địa phương và các ngành liên quan

Thứ nhất: Cùng với chính sách phân cấp thu, chi NSNN, thành phố cần rà soát lại chính sách phân cấp, phân quyền quản lý kinh tế - xã hội cho các cấp quận, huyện, thị xã mạnh hơn theo hướng giao thẩm quyền quyết định cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cao hơn. Bên cạnh đó cũng cần phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cấp, người đứng đầu các cơ quan trong việc thu, chi ngân sách nhà nước, phê duyệt, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước. Điều này góp phần làm tăng tính chủ động cho các địa phương trong việc tạo nguồn và sử dụng ngân sách nhà nước, tránh tình trạng ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo... làm mất thời gian, giảm tiến độ thực hiện dự án và giải ngân ngân sách.

Thứ hai: Thành phố cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển, đảm bảo việc giải ngân NSNN đúng tiến độ, kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ ba: Đề nghị Bộ Tài chính cho phép Thành phố Hà Nội được sử dụng nguồn kinh phí còn dư khi thực hiện cải cách tiền lương cho đầu tư phát triển. Hiện nay, số kinh phí dư nguồn cải cách tiền lương của Thành phố và các quận, huyện và xã, phường khá lớn. Hàng năm, phải thực hiện chuyển nguồn khoảng trên 3.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng lên do số thu từ các nguồn dành để thực hiện cải cách tiền lương tăng hàng năm đều cao hơn nhu cầu, trong khi đó vốn đầu tư phát triển còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thành phố Hà Nội tự đảm bảo nguồn kinh phí cải cách tiền lương, số dư nguồn hàng năm nên được sử dụng cho đầu tư phát triển để tăng trưởng kinh tế - xã hội, sử dụng có hiệu quả đồng vốn ngân sách.

Thứ tư: Hiện nay Chính phủ đã báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc Hội về xây dựng luật Thủ đô, vì vậy công tác quản lý ngân sách của thành phố cũng cần phải có những cơ chế đặc thù thể hiện trong Luật Thủ đô nhằm đảm bảo xây dựng một Thủ đô xứng tầm với quy mô dân số và bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá 1000 năm. Thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước...) phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế tài chính đặc thù báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định

KẾT LUẬN

Phân cấp thu, chi là nội dung quan trọng trong công tác phân cấp quản lý NSNN, là giải pháp quan trọng vừa động viên được các nguồn thu tiềm năng, vừa tạo cơ chế để các nguồn tài chính được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ của Nhà nước, vừa tạo quyền tự chủ cho các cấp chính quyền địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Do vậy, việc phân cấp phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, phù hợp với phân cấp kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mục tiêu của luận văn là nghiên cứu để hoàn thiện về mặt nhận thức lý luận, thực tiễn cũng như tìm ra những giải pháp để góp phần hoàn thiện công tác phân cấp thu, chi NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội. Luận văn đã giải quyết được một số nội dung cơ bản sau:

- Về mặt lý luận, luận văn đã hệ thống hoá một số vấn đề cơ bản về khái niệm, nội dung, vai trò và những nguyên tắc cơ bản của phân cấp thu, chi NSNN, làm rõ công tác phân cấp thu, chi giữa các cấp ngân sách...

- Về thực tiễn, luận văn đã nêu khái quát thực trạng công tác phân cấp thu, chi NSNN trên địa bàn thành phố Hà Nội ở cả hai thời kỳ ổn định ngân sách (giai đoạn 2004 - 2006 và giai đoạn 2007 - 2010), những tác động tích cực và những tồn tại cùng những căn nguyên của những tồn tại, vướng mắc.

- Xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Luận văn đã đưa ra một số vấn đề chung về quan điểm, mục tiêu hoàn thiện công tác phân cấp thu, chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương trong giai đoạn tới. Đó là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm quản lý thống nhất hệ thống NSNN bằng việc phân công trách nhiệm gắn với quyền hạn, phân cấp quản lý giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện thu, chi NSNN, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng tại chỗ,

phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Luận văn cũng khẳng định quan điểm phân cấp thu, chi NSNN phải phù hợp với phân cấp kinh tế - xã hội ở địa phương, nó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ngân sách cấp trên phải giữ vai trò chủ đạo, chi phối, điều hoà, ngân sách cấp dưới phát huy được tính chủ động, sáng tạo.

- Luận văn đưa ra các giải pháp cụ thể; các kiến nghị, đề xuất với Trung ương. Những kiến nghị và giải pháp nhằm tạo ra sự chủ động cho ngân sách các cấp, tăng cường nguồn lực tối đa cho ngân sách cấp dưới, phân định rõ ràng nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách, đảm bảo tỷ trọng và cơ cấu chi hợp lý giữa ngân sách các cấp: Thành phố, quận huyện, xã phường; đảm bảo chủ động trong cân đối thu, chi ngân sách các cấp và hạn chế được việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

Trong quá trình nghiên cứu, mặc dù có nhiều nỗ lực cố gắng, song do Luận văn đề cập đến nhiều nội dung mới mẻ, khá phức tạp, nhất là Hà Nội mới thực hiện mở rộng địa giới hành chính, nên không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Tác giả mong nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh./.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác phân cấp thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 96)