- Chi ngân sách cấp quận,
3.2. QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC PHÂN CẤP THU, CHI NSNN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘ
NSNN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thứ nhất: Phân cấp thu, chi NSNN phải thực hiện đồng bộ, phù hợp và gắn với phân cấp quản lý hành chính về kinh tế - xã hội.
Đây là quan điểm có tính chất mở đầu, đặt nền móng cho việc hình thành công tác phân cấp thu, chi NSNN. Vì phân cấp thu, chi NSNN nói chung hay phân cấp thu, chi NSNN nói riêng chính là hệ quả của việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, cho nên phải phù hợp và gắn chặt với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội. Liều lượng phân cấp thu, chi NSNN phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội; phải dựa trên cơ sở các chức năng và nhiệm vụ quản lý hành chính về kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền. Từ đó, hình thành các nguồn kinh phí đủ đảm bảo cho việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của các cấp chính quyền.
Chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương nói riêng và Nhà nước nói chung trong nền kinh tế thị trường không phải là can thiệp trực tiếp vào mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội, mà cần trở lại chức năng vốn có của mình là quản lý hành chính; còn chức năng quản lý sản xuất kinh doanh do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cấp chính quyền được cụ thể hóa trong các luật cơ bản của Nhà nước, phải triệt để tôn trọng những quy định của Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Hơn nữa, kinh tế thị trường không có sự chia cắt giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương mà chỉ có một nền kinh tế thống nhất. Do vậy, hệ thống NSNN phải thống nhất đòi hỏi công tác phân cấp phải thông suốt, đồng bộ. Phân cấp thu, chi NSNN của các cấp chính quyền địa phương, một mặt phải phù hợp với phân cấp quản lý hành chính về kinh tế - xã hội, mặt khác phải bảo đảm tính thống nhất của nền tài chính quốc gia.
Thứ hai: Phân cấp thu, chi NSNN phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp trên và tính chủ động, sáng tạo của ngân sách cấp dưới.
Công tác phân cấp phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung, thống nhất với phân cấp, phân quyền. Phân cấp quá mức ngân sách sẽ dẫn đến phân tán, manh mún, làm yếu vai trò chỉ đạo của ngân sách cấp trên; ngược lại, tập trung quá mức sẽ dẫn đến tệ quan liêu, độc đoán của cấp trên và làm cho cấp dưới bị động, ỷ lại.
Để bảo đảm tính tập trung, thống nhất thì ngân sách Thành phố phải tập trung các nguồn lực chiếm tỷ trọng lớn, giữ vai trò chủ đạo, vừa đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chi trọng yếu, những chính sách xã hội lớn, thực thi các nhiệm vụ chung, vừa có điều kiện chi viện, chi phối, điều hòa sự mất cân đối trong phát triển giữa các quận, huyện với nhau.
Xu hướng ngày nay là phân cấp nhiều hơn và rộng rãi hơn cho chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Những công việc trực tiếp phục vụ nhu cầu chung của cộng đồng dân cư trên địa bàn cần được giao cho cấp cơ sở. Như vậy, ngân sách địa phương nói chung về ngân sách cấp quận, huyện nói riêng, một mặt vẫn mang tính phụ thuộc, nhưng mặt khác cần được phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo trong việc khai thác nguồn thu và phân bổ chi tiêu.
Thứ ba: Phân cấp phải đảm bảo ổn định cả nguồn thu và nhiệm vụ chi tương đối lâu dài, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và có tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Như đã nêu trên, sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội là cơ sở của phân cấp thu, chi NSNN. Vì vậy, trên cơ sở phân định rõ ràng nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền các cấp quận huyện, cấp xã phường sẽ tương ứng có các nhiệm vụ chi và nguồn thu ổn định lâu dài.
- Về chi, đó là những nhiệm vụ gắn với thực tế quản lý trên địa bàn từng cấp chính quyền như bảo vệ trật tự công cộng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh công cộng, dịch vụ điện nước, cống rãnh, xây dựng và quản lý đường giao thông ở địa phương, xây dựng nhà ở, bảo vệ môi trường, giáo dục phổ thông mầm non và trung học), y tế cơ sở, văn hóa xã hội… Những nhiệm vụ chi của từng cấp chính quyền địa phương cần được gắn với các nhiệm vụ quản lý kinh tế, xã hội với tư cách là điều kiện, cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cấp chính quyền đó. Khi đó, về phương diện kế hoạch hóa và điều hành ngân sách, chính quyền địa phương sẽ được tự chủ hơn, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp ở địa phương, xóa bỏ sự bao cấp từ ngân sách nhà nước quá mức đối với hoạt động về y tế, giáo dục, phúc lợi công cộng…
- Về thu, đó là những khoản thu để các cấp chính quyền địa phương bảo đảm đáp ứng các nhu cầu chi đã được phân cấp. Việc hình thành nguồn thu ở địa phương có nhiều cách khác nhau. Có thể toàn bộ số thu trên địa bàn Thành phố được tập trung về ngân sách Thành phố sau đó chuyển về cấp phát cho mọi nhu cầu chi của địa phương - phương pháp này không thích hợp do quy mô ngân sách của Thành phố Hà Nội lớn, tổ chức bộ máy cồng kềnh và đặc biệt là không khuyến khích địa phương khai thác triệt để các nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Có thể phân định nguồn thu của địa phương thành 3 nguồn chính: Các khoản thu ổn định (hay còn gọi là thu 100%); các khoản thu phân chia và các khoản được nhận trợ cấp từ ngân sách cấp trên - cách này hiện nay đang được áp dụng ở nước ta.
Thứ tư: Phân cấp thu, chi NSNN phải bảo đảm tính công bằng, hợp lý, bao quát đầy đủ các hoạt động thu và chi của ngân sách nhà nước.
Quan điểm này đòi hỏi khi thực hiện phân cấp cần tránh tình trạng do kết quả phân cấp thu, chi mà một số địa phương được lợi (chi nhiều, thu ít), một số địa phương khác lại bị thiệt thòi (thu nhiều, chi ít). Do sự khác nhau giữa các địa phương về trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố còn rất lớn về nhiều mặt (thị trường, dân số, khả năng nguồn thu…). Vì thế, đòi hỏi việc phân cấp phải căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, không thể áp dụng một mô hình phân cấp chung cho tất cả các khu vực hành chính, vì điều kiện đó sẽ làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý, làm giảm ý nghĩa của phân cấp.
Để đảm bảo tính công bằng, hợp lý giữa các địa phương, cần tăng cường sức mạnh của ngân sách Thành phố, ngân sách cấp trên trong việc chi viện, chi phối cho các địa phương có điều kiện khó khăn, nguồn thu không đủ đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhưng cần tránh khuynh hướng cân đối thay cho các địa phương sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, ngại vượt khó, không phát huy
được tính năng động, sáng tạo. Thông qua cơ chế bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới sẽ góp phần bảo đảm tính công bằng, hợp lý giữa các địa phương của Thành phố Hà Nội.
Bảo đảm tính đầy đủ và toàn vẹn của ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố cũng là quan điểm cần phải được quán triệt trong quá trình thực hiện phân cấp. Quan điểm này có mối liên hệ với tính thống nhất của ngân sách nhà nước. Nghĩa là toàn bộ các khoản thu, chi của ngân sách trong tài khóa đã giao cho các cấp chính quyền từ Thành phố đến quận huyện, xã phường phải phản ánh toàn bộ vào ngân sách nhà nước, không bỏ sót, không lẫn lộn giữa các tài khóa trước sau, không lập quỹ riêng, không chia cắt ngân sách thành những khoản rời rạc mà phải bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ một cách tập trung thống nhất.
Thứ năm: Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của công tác phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi NSNN trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 - 2010.
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phân cấp ngân sách giai đoạn 2007 - 2010 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Phân cấp nguồn thu phù hợp với phân cấp quản lý, từ đó tác động tích cực đến công tác khai thác nguồn thu ngân sách; phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách các cấp phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Do vậy trong quá trình xây dựng công tác phân cấp ngân sách cho các giai đoạn sau của Thành phố Hà Nội cần tiếp thu, kế thừa những ưu điểm của công tác phân cấp giai đoạn (2007 - 2010); làm cơ sở vận dụng phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng địa bàn hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới.