trong chủ nghĩa hiện sinh
Một câu hỏi đã từng được đặt ra là: Có phải cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai chính là nguồn gốc hình thành chủ nghĩa hiện sinh nên nó thấm đượm mầu sắc bi quan, thất vọng...? Hoặc, nếu không có chiến tranh liệu chủ nghĩa hiện sinh có xuất hiện hay không? Thực ra, không thể nói rằng khi sống trong xã hội không còn nguy cơ chiến tranh thì con người sẽ hết bi quan, buồn phiền, lo âu, con người sẽ không phải trăn trở về đời sống, về thân phận của mình nữa.
Theo chúng tôi, hai cuộc đại chiến thế giới khốc liệt trong thế kỷ XX chỉ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến bối cảnh xã hội với tính cách điều kiện cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiện sinh. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và đặc biệt là sự tàn khốc, dã man của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bao phủ khắp châu Âu bởi sự chết chóc và sự bất an. Chủ nghĩa hiện sinh phản ánh khá rõ sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trong và sau những cuộc chiến, khi mà tâm trạng lo âu, bi quan, thất vọng... bao trùm lên xã hội. Chủ nghĩa hiện sinh ra đời vào thời điểm mà châu Âu đang đắm chìm trong tâm trạng tuyệt vọng. Mặc dù không phải không có hy vọng về việc tái thiết xã hội, nhưng tình trạng bi quan cũng đủ để chấp nhận quan điểm hiện sinh về tính vô mục đích của thế giới, sự “buồn nôn”, “vô nghĩa” và “phi lý” của cuộc đời.
Ngay sau ngày Đức quốc xã bại trận, cả một thế hệ thanh niên chợt nhận diện được bóng dáng và chân tướng của mình trong các tác phẩm của
Sartre. Việc chủ nghĩa hiện sinh được hoan nghênh và các tác phẩm của nó trở thành sách gối đầu giường của không ít người trong giới trẻ không phải là một sự ngẫu nhiên, mà chính là do hoàn cảnh lúc bấy giờ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa hiện sinh có thể bắt rễ, ăn sâu vào tâm hồn của một bộ phận người trong xã hội, nhất là lớp trẻ - những người đang trông ngóng một làn sóng tư tưởng mới. Bởi lẽ, với họ, những giá trị cũ, lỗi thời đã bị xói mòn và phá hủy bởi chiến tranh đã khiến cho trong tâm hồn họ chỉ còn lại những khoảng trống và sự thiếu hụt cần được lấp đầy.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học đã tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người một cách toàn diện. Chủ nghĩa tư bản, như C.Mác từng nói, nhờ sự giúp đỡ của máy móc đã làm ra khối lượng sản phẩm bằng tất cả các xã hội trước cộng lại. Những thành tựu vĩ đại do khoa học - kỹ thuật mang lại đã khiến cho không ít người phương Tây cảm nhận rằng khoa học như là chìa khóa vạn năng, có sức mạnh kỳ diệu vô biên. Với sức mạnh của khoa học, biển cả không còn mênh mông vô tận, vũ trụ dường như được thu nhỏ lại. Khoa học đã từng được nhìn nhận như một công cụ hữu hiệu, một phương thức có thể hóa giải mọi vấn đề của đời sống con người
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài mặt tích cực, khoa học - kỹ thuật cũng mang lại những tác động tiêu cực không thể coi thường đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống tinh thần. Với việc tuyệt đối hóa vai trò của khoa học và kỹ thuật, con người dường như có nguy cơ đánh mất bản sắc riêng và tính độc đáo của chính mình như một nhân cách có một không hai. Khi đó, vai trò của những giá trị tâm linh, tinh thần và đạo đức đã không được chú ý hay đánh giá đúng mức; xuất hiện xu hướng bàng quan trước nỗi đau của nhân loại. Trong một xã hội hối hả, sôi động với khoa học và kỹ thuật phát triển cao, con người cảm thấy mình bơ vơ, cô đơn và lạc lõng, đời sống tinh thần của họ trở nên đơn điệu, trống rỗng. Điều này cách
đó hơn một trăm năm, C.Mác cũng đã nhận ra theo cách riêng của mình: “Chúng ta thấy rằng những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần” [65, tr.10]
Rõ ràng, tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã đem lại một sức mạnh chưa từng thấy cho con người. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng và tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ, đe dọa chính con người và sự sống trên trái đất, như tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, nguy cơ chiến tranh hủy diệt, v.v... Như vậy, có thể khẳng định rằng, những hậu quả của cuộc cách mạng kỹ thuật là hết sức đa dạng. Sức mạnh kỹ thuật có thể mở ra những khả năng to lớn cho sự phát triển tinh thần theo các phương hướng khác nhau. Song, kỹ thuật tự nó không tự động kéo theo sự tiến bộ trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần, đạo đức, mà còn trở thành nhân tố làm phức tạp hóa bối cảnh tinh thần đang ngày càng trở nên phức tạp và rối rắm hơn rất nhiều so với trước kia. Niềm tin mù quáng vào sức mạnh toàn năng của kỹ thuật có thể khiến cho con người đánh mất những giá trị nhân văn, như năng lực thấu hiểu và đồng cảm với người thân, khả năng phân biệt giữa cái thiện và cái ác. Điều này có thể dẫn đến sự phi nhân hóa của các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ giữa các cá nhân với nhau.
Như vậy, hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ giải phóng con người khỏi sự áp bức bên ngoài, thực tiễn xã hội hiện đại còn đặt ra một cách gay gắt vấn đề tự do nội tâm của con người. Sự giải phóng con người khỏi áp bức xã hội chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề tự do nội tâm của con người. Sau khi
được giải phóng khỏi xiềng xích của chế độ áp bức, "con người nhỏ bé" lại bộc lộ khát vọng ngày càng lớn là được giải phóng về mặt tinh thần.
Nếu nhìn nhận mục đích sống của con người chỉ là khát vọng được giải phóng về phương diện xã hội, thì tư tưởng về các cội nguồn nào đó của lịch sử sẽ trở nên vô nghĩa. Không nên hiểu số phận của con người chỉ là số phận mang bản tính xã hội. Không thể hình dung nổi tương lai của nhân loại sẽ ra sao nếu không tính đến số phận của con người với tư cách một thực thể tinh thần, một nhân cách. Thực tế cho thấy, đối với những vấn đề liên quan đến đời sống nội tâm, tình cảm nằm trong tầng sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người, thì khoa học, công nghệ dù phát triển mạnh mẽ đến đâu cũng khó có thể trở thành phương tiện tiếp cận và lý giải.
Ngay từ thế kỷ XVII, khi chủ nghĩa duy lý đã trở thành một khuynh hướng rất mạnh, cũng đã xuất hiện khuynh hướng phản ứng ngược chiều. Pascal từng tuyên bố rằng, con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu nổi; Kant cũng đã nhận ra giới hạn của lý trí, lý tính và cho rằng, “lý trí cũng hạn hẹp, biết sao hết mọi nguyên lý của vũ trụ”.
Có thể nói, chủ nghĩa hiện sinh là sự phản ứng đối với chủ nghĩa duy lý thống trị trong xã hội phương Tây – một xã hội đầy biến động, trong đó con người bị đè nén bởi lực lượng máy móc đến mức quên lãng tình cảm đồng loại và bị thao túng bởi sức mạnh của đồng tiền. Ở một mức độ nhất định, chủ nghĩa hiện sinh còn được coi là sự phản kháng nhằm giành lại nhân vị độc đáo, tự do cho con người, kêu gọi con người quay trở về đời sống nội tâm cá nhân. Bởi lẽ, chủ nghĩa duy lý không thể đáp ứng, không thể giải đáp được những vấn đề nằm trong tầng sâu đời sống nội tâm của cá nhân con người. Chủ nghĩa duy lý cực đoan không những không mang lại hạnh phúc cho con người, mà còn làm cho con người trở nên bất hạnh và bị tha hóa. Chủ nghĩa duy lý cực đoan có thể không những cản trở sự phát triển các khả
năng và giá trị nhân đạo ở con người, mà còn có thể đưa đến nguy cơ thống trị và nô dịch con người. Nó đã biến tình cảm, tâm hồn con người trở nên lạnh giá, làm cho phẩm giá con người chỉ đơn thuần như một giá trị trao đổi khô cứng, mất đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Với chủ nghĩa duy lý, xã hội phương Tây đã đạt đến giai đoạn đỉnh cao của phồn vinh. Nhưng cũng chính từ đỉnh điểm này, xã hội duy lý hóa ở phương Tây đã rơi vào sự khủng hoảng sâu sắc vì nó phi nhân vị hóa con người, coi con người dường như chỉ là “một lực lượng vật chất đơn thuần” trong bộ máy kỹ thuật khổng lồ. Con người không còn là con người trong ý nghĩa đích thực, mà biến thành cái máy không tư duy, không tình cảm. Con người bị máy móc hóa, tự động hóa, trở thành một yếu tố đơn giản của khoa học - kỹ thuật, nên đánh mất hết mọi đức tính của riêng mình và không tồn tại như một nhân vị, một cá nhân nữa [xem: 15, tr.9]
Bên cạnh đó, tính duy lý của nhà nước cũng được thể hiện ở chỗ nó bị chi phối bởi những nhà kỹ trị. Quyền lực chính trị thâm nhập vào mọi mặt của đời sống cá nhân và xã hội, nó dường như trở thành nhân tố quan trọng của xã hội hiện đại. Con người bao giờ cũng sống trong cộng đồng, cũng cần phải được tổ chức theo những nguyên tắc, nguyên lý nhất định. Nhà nước là công cụ đảm bảo an ninh cá nhân, kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, những mối nguy hiểm lại bắt nguồn từ chính quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện ở chỗ: Nhà nước có xu hướng can thiệp, khống chế, chi phối mọi mặt riêng tư của con người vì nó nắm trong tay quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị, quân đội, cảnh sát, nhà tù, trại giam, luật pháp và các phương tiện truyền thông đại chúng để nhào nặn ý thức của con người theo hướng có lợi cho mình. Những hệ giá trị tuyệt đối được áp dụng trong xã hội một cách triệt để bởi nhà cầm quyền. Không gì dễ dàng hơn là điều khiển đám đông không nhân cách theo mẫu hình của con người đại chúng theo cách nói của Oterga y
Gasset: “Con người đại chúng là người không thể đánh giá mình từ mặt tốt cũng như từ mặt xấu, là người cảm thấy mình như tất cả mọi người và hoàn toàn không thấy đau khổ vì điều đó” [trích theo: 46, tr.31]. Họ là kiểu người bình quân chủ nghĩa, thích sống kiểu “nước chảy bèo trôi”. Con người đại chúng không muốn thừa nhận lẽ phải của người khác, song cũng không muốn bản thân mình là người có lý, nó đơn giản muốn gán ghép ý kiến của mình hoặc là hùa theo ý kiến chung, là con người không dám tách mình ra khỏi tập thể, là con người sống hời hợt, không nội tâm, rất dễ bị dao động bởi những thông tin. Họ có thái độ thờ ơ với những vấn đề quan trọng, chỉ tiếp nhận sở thích, nhận xét do người khác đưa lại và được các phương tiện truyền thông gán cho chứ không tự mình xây dựng; vì vậy, nó là nơi nhận các mỹ từ từ kẻ cầm quyền. Con người đại chúng quen với nếp sống theo những khuôn mẫu phổ biến và sợ hãi sự thay đổi do chính mình tạo ra. Điều này thể hiện tính không nhân văn của nhà nước phương Tây hiện đại, biến cá nhân con người trở thành nô lệ tinh thần cho nhà nước, con người biến thành chiếc đinh vít trong cỗ máy của nhà nước [xem 46, tr.31].
Mặc dù những con người phương Tây hiện đại dường như ở mức độ nào đó đã được giải phóng khỏi sự ngoại thuộc về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, nhưng họ lại bị nội thuộc về mặt tinh thần, tâm linh. Giờ đây, phải thừa nhận rằng, tồn tại của con người luôn ẩn chứa những điểm yếu, những nguy cơ bị tha hóa hoặc bị hủy hoại.
Do đó, vấn đề tự do tinh thần của con người cá nhân sống động, cụ thể sẽ trở thành chủ đề xuyên suốt của triết học phương Tây hiện đại nói chung và triết học hiện sinh nói riêng. Triết học hiện đại cần quan tâm tới vấn đề tinh túy nhất, tế nhị nhất là tự do tinh thần, tự do nội tâm của tồn tại người. Triết học hiện sinh là biểu tượng cho sự phản kháng, chống lại những tư tưởng và định chế, một mặt, đã kìm hãm tự do cá nhân; mặt khác, lại biến cá
nhân thành kẻ chối bỏ trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với chính bản thân mình.
Khi con người nhận ra rằng khoa học không phải là công cụ vạn năng, xã hội công nghiệp không phải là thiên đường, và thấy có nhiều vấn đề mà không thể giải thích một cách đơn thuần bằng các quy luật, không thể nhận thức hết mọi mặt của thế giới, thì niềm tin vào chủ nghĩa duy lý sụp đổ. Những thành tựu kỹ thuật không thể giải quyết được mọi vấn đề của con người. Việc tuyệt đối hóa chủ nghĩa duy lý có thể khiến con người vô tình đánh mất những giá trị nhân văn, như năng lực thấu hiểu và đồng cảm với người thân và đồng loại. Con người phải đối mặt với những nguy cơ, như hủy hoại môi trường, suy thoái đạo đức, nghèo nàn của thế giới nội tâm, giao cảm hời hợt giữa cá nhân và thế giới bên ngoài. Con người cảm thấy mình nhỏ bé và mong manh, họ muốn phá bỏ mọi thói quen, mọi khuôn mẫu ứng xử, mọi chuẩn tắc trước kia của con người vì chính chúng đã gây nên cho con người cuộc sống bế tắc, đau khổ, rơi vào khủng hoảng tinh thần.
Tóm lại, bối cảnh xã hội đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách là lý giải thực chất, nguyên nhân của sự khủng hoảng đời sống tinh thần của con người và chỉ ra con đường khắc phục nó. Sự ra đời của triết học hiện sinh cũng như đạo đức học hiện sinh ra đời đã góp phần giải quyết nhiệm vụ này. Trước và cùng với chủ nghĩa hiện sinh, đã xuất hiện nhiều sự phản kháng từ các phong trào xã hội nhằm chống lại xu hướng tuyệt đối hóa vai trò của lý tính. Nhưng chủ nghĩa hiện sinh đã tìm được lối đi riêng của nó: Không phải là đập phá các giá trị hiện tồn, mà là tương đối hóa các giá trị và tuyệt đối hóa sự tự do lựa chọn, trách nhiệm với những giá trị của cá nhân. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện sinh đã thể hiện một sự phản ứng mãnh liệt của những thân phận con người đang bị bỏ rơi, bị lãng quên trong xã hội
đang đi tìm lại chính mình, tìm lại cái tôi độc đáo của mình. Điều đó lý giải tại sao đạo đức học lại là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chủ nghĩa hiện sinh.