Đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của con người đối với việc làm, với sự lựa chọn cũng như với quyết định của chính mình trên cơ sở tự do lựa chọn và sáng tạo. Như đã biết, nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa hiện sinh là con người không là gì khác ngoài cái mà tự nó làm thành chính mình, nhờ có tự do mà con người tạo ra
chính mình, “con người trước hết là một hiện hữu ném mình tới một tương lai và là hiện hữu ý thức về việc hình dung mình là hiện hữu trong tương lai. Con người là khởi điểm của một kế hoạch tự ý thức về mình, hơn là một mảng rêu, một mớ rác, hay một cây cải; không có gì tồn tại trước kế hoạch này; không có gì ở trên đời cả; con người sẽ là cái mà nó dự định trở thành” [78, tr.634].
Chính sự tự do của con người là hành vi tự tạo ra giá trị, con người sẽ phải tự quyết trong việc lựa chọn hành vi của mình, không thể rập khuôn theo những giá trị định sẵn và cũng không thể dựa vào người khác để đưa ra quyết định cho mình vì con người phải tự tạo ra chính mình và phải tự chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn của mình. Trật tự định sẵn, những chuẩn mực cổ hủ, những công thức xã hội không ngừng trói buộc hạng người yếu đuối, bạc nhược. Trong cái vũ trụ tự thân vô nghĩa và phi lý này, con người vốn hoàn toàn tự do, nhưng tự do ấy của con người chỉ có thể nảy nở trong một bầu không khí cởi mở, phản kháng và nổi loạn vì nó luôn bị đe dọa bởi cả một hệ thống thần tượng, giả thiết... đã được định sẵn từ trước. Các thần tượng này, các lực lượng này đều có mục đích và ban hành trật tự nắm giữ quyền lực, định đặt luật lệ và họ cho rằng đó là lẽ phải, buộc con người phải răm rắp nghe và thực hiện theo.
Do vậy, đối với đạo đức học hiện sinh, trách nhiệm là việc phục tùng những giá trị mà bản thân mình lựa chọn, chứ không phải phục tùng những giá trị của xã hội hay của những người khác đã lựa chọn, sắp xếp trước theo lợi ích của họ.
Nhân vật Oreste đã nói với chị của mình: Em đã thực hiện hành động của em và hành động đó là một hành động thích ứng. Em sẽ gánh nó trên vai như lái đò đưa khách, em sẽ chở nó sang sông và chịu trách nhiệm về nó. Và nó càng nặng vai khó gánh bao nhiêu thì em càng vui sướng bấy nhiêu, vì tự
do của em là nó đó, chị. Chỉ mới hôm qua đây, em còn bước đi không chí hướng trên mặt đất và hàng vạn nẻo đường sụt hổng dưới bước chân em, vì tất thảy chúng đều thuộc vào tay kẻ khác. Em đã giẫm chân lên hết mọi nẻo đường ấy, lối mòn của phường kéo ghe, chạy dọc theo sông ngòi, hẻm vắng của kẻ dắt ngựa thồ và con lộ nhỏ của người dắt la và con đường lát đá của người đánh xe; mà chẳng nẻo đường nào thuộc của riêng em. Còn nay thì chỉ có mỗi nẻo đường duy nhất, nào ai biết được nó dẫn đi đâu: nhưng đó là nẻo đường thuộc về riêng em [xem: 21, tr.85].
Theo Jaspers, chúng ta là những người có trách nhiệm. Người nào phủ nhận điều đó thì cũng tất yếu phủ nhận rằng mình không có trách nhiệm gì với ai cả. “Ngày kia, một bị cáo muốn tự biện hộ trước tòa án, họ đã thưa với quan tòa rằng, sinh ra họ đã mang những tập quán hướng về điều ác, thành ra họ không thể làm khác được. Nên họ tự coi là không có lỗi. Quan tòa trả lời họ một cách tinh anh rằng, về phía ông là quan tòa cũng chỉ vì đã sinh ra với những tập quán quan tòa, thành ra bó buộc ông phải theo luật pháp sẵn có mà tuyên án bị can” [57, tr.125].
Sartre cho rằng, sự thật quan trọng đầu tiên về tự do của con người đó là điều không thể chịu đựng được. Chúng ta có thể làm hay là bất cứ thứ gì mà chúng ta chọn, là một điều gì mà hầu như tất cả chúng ta đều thấy khó mà chịu đựng được; chúng ta không còn trong vị thế để nói: Tôi không thể không làm điều này hay điều kia. Chúng ta thậm chí còn không nói được câu: Tôi không thể không cảm thấy thế này hay thế kia nữa. Chúng ta có thể giúp và nếu chúng ta làm bất cứ điều gì hay trở thành bất cứ cái gì, thì về cơ bản, nó không phải vì chúng ta phải như thế, mà là chúng ta muốn như thế. Đây là một suy nghĩ khắc nghiệt, và khi đối mặt với nó, chúng ta phải chịu sự khổ não. Đó là sự tức giận khi biết rằng mọi thứ đều là tùy ý chúng ta. Sẽ không có ai để chúng ta thoái thác trách nhiệm. Sartre coi sự khổ não này ngang bằng với cái mà Kierkegaard mô tả là “sự khổ não của Abraham”. Khi mà
Abraham nghe thấy tiếng nói của thiên thần rằng ông phải hy sinh con trai Isaac của mình, ông đã tuân theo; nhưng ông có thể nhận ra sau đó rằng, trên thực tế, chính sự lựa chọn của ông ta đã biến giọng nói đó thành thông điệp thành thật từ Chúa. Chẳng hề có bằng chứng nào chứng minh rằng giọng nói đó là thật cả. Do đó, tin rằng giọng nói là giọng nói của thiên thần chính là hành động của chính bản thân Abraham, và vì vậy hy sinh người con trai để tuân theo giọng nói đó cũng là hành động của chính ông nốt. Không ai ngoài ông phải chịu trách nhiệm về điều này.
Sartre cho rằng, con người là dự tính của mình, mình tự tạo ra mình thì tất yếu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và có trách nhiệm với người khác vì lúc con người hành động, con người hoàn toàn tự do, buộc phải tự do. Ông đưa ra ví dụ: “Trong thời kỳ bị quân Đức chiếm đóng, một người học trò của Sartre đến xin ông một lời khuyên rằng nên ở lại nước Pháp để làm việc và nuôi dưỡng mẹ già đang không có nguồn sống hay sang Anh quốc để tiếp tục cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Sartre trả lời chàng trai trẻ như sau: Bạn hãy tự lựa chọn lấy con đường của bạn và tự quyết lấy giá trị của sự tự do lựa chọn đó. Sự sáng tạo ra những giá trị là một hành vi riêng tư và không một ai có thể làm thay cho mình được” [trích theo: 77, tr.333]
Con người trong thuyết hiện sinh là con người hành động, là sự dấn thân và trải nghiệm. Sartre cho rằng, ông muốn có một học thuyết được dựa trên chân lý, chứ không phải là một tập hợp các lý thuyết đẹp đẽ, tràn đầy hy vọng nhưng không có những cơ sở hiện thực. Theo ông, chủ nghĩa hiện sinh là một triết lý, về cơ bản, mang tính lạc quan. Bởi vì, như ông nói, nó khuyến khích con người hành động thông qua việc dạy cho con người biết rằng số phận của họ nằm trong tay của chính họ, và rằng, không có khả năng tồn tại nào ngoại trừ hành động. Không có sự tuyệt vọng, chúng ta phải tự quyết định cho chính bản thân mình cách sống, và chúng ta tự tạo ra bản thân mình, trở thành bất cứ điều gì mà chúng ta là, thông qua việc đưa ra quyết định.
Như vậy, việc trở thành người như thế nào là do con người tự do lựa chọn, con người tự sáng tạo nên chính mình, giá trị cuộc đời của mỗi người là do người đó tự lựa chọn, vun đắp và xây dựng. Con người lên kế hoạch cho những hành vi của mình để hành vi đó tạo ra các giá trị, kiến tạo bản chất cho chính mình. Tự do hoàn toàn thuộc về con người, là của con người, nhờ sự tự do này mà con người phải tự quyết định chọn lựa các tình huống và khi con người đã tự quyết các hành vi của mình thì con người không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho môi trường sống; con người không thể hèn nhát trốn tránh trách nhiệm, mà con người phải có bổn phận, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình dù quyết định đó cho kết quả như thế nào. Sartre viết: “Con người chịu trách nhiệm về thế giới và về chính mình… Trách nhiệm của vị ngã rất nặng nề, vì nó là kẻ làm cho có thế giới; và vì nó chính là kẻ tự làm cho mình có, bất cứ trong hoàn cảnh nào nó cũng phải hoàn toàn nhận lấy hoàn cảnh đó, dầu là nghịch cảnh mấy đi nữa, và khó chấp nhận mấy đi nữa; nó phải chấp nhận với ý thức kiêu căng rằng, mình là tác giả của hoàn cảnh, vì rằng những trớ trêu nguy khốn nhất hoặc những hăm doạ tai ác nhất, có thể phương hại đến bản thân tôi, nếu có được một ý nghĩa nào, đều nhờ dự phóng của tôi; và nhờ số kiếp dấn thân của tôi mới có những trớ trêu hoặc hăm doạ ấy” [trích theo: 88, tr.304].
Những người tìm cách trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi do hoàn cảnh, môi trường tác động, do ảnh hưởng của bạn bè hay gia đình đều bị thuyết hiện sinh phê phán là những người không trung thực, thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, nói đến trách nhiệm, đạo đức học hiện sinh không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người trước bản thân mình mà còn trước tha nhân, trước mọi người. Vấn đề ở chỗ, liệu tôi có phải chịu trách nhiệm về mọi người hay không khi mọi người cũng như tôi, cũng có tự do để tự quyết định hành động của mình và qua đó, tự tạo ra chính mình?
Theo Beauvoir, trong quan hệ con người, mỗi cá nhân cần nhìn nhận tha nhân như một người bình đẳng để trao giá trị cho hành động của mình. Mọi hành động của con người sẽ trở nên vô nghĩa nếu không đặt trong sự bình đẳng về tự do với người khác. Mọi mục đích của cá nhân đều được thể hiện trong thế giới con người và có tác động đến người khác. Dự phóng của cá nhân sẽ không có ý nghĩa nếu không có những dự phóng khác. Chính dự phóng này sẽ có tác dụng đưa hành động của con người vượt lên trong không gian và thời gian.
Theo Sartre, mặc dù tự do là hoàn toàn, song nó không phải là tuyệt đối. Trước hết, như một tồn tại tự do, tôi gặp các tồn tại tự do khác. „„Thế giới tôi bị cắt ngang khi người khác ném cái nhìn vào tôi. Khi nhìn vào tôi, người khác biến tôi thành một đối tượng, làm tôi thành một phần thế giới của họ: như thế, được nhìn khiến tôi trở thành một hữu thể không có sự bảo vệ cho tự do vốn không phải là tự do của tôi. Nhưng tôi có thể lấy lại tự do của tôi bằng cách nhìn lại và bằng một hành vi ý chí biến đổi người khác thành một đối tượng cho tôi‟‟[trích theo 3, tr.644].
Ý thức về việc được người khác nhìn nhận như thế nào, là một phần cơ bản trong ý thức của chúng ta về thế giới và về chính bản thân chúng ta. Theo Sartre, chúng ta cảm thấy sự tồn tại của người khác, chúng ta không thể phủ nhận điều đó giống như không thể phủ nhận bản thân sự tồn tại của chính chúng ta. Vậy, đâu là mối quan hệ của chúng ta với những người khác trong thế giới? Theo Sartre, nếu con người sống cô độc, nếu ý thức của chúng ta hoàn toàn cô lập thì cũng không thương hại cho cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta luôn sống dưới sự dòm ngó của kẻ khác, dưới lời dị nghị của người ngoài, thái độ ngụy tín của chúng ta không ngừng bị ý thức tha nhân tố cáo một cách triệt để và không buông tha. Bởi thế, “địa ngục chính là kẻ khác” và “chỉ có hành động mới quyết định ý hướng của chúng ta”. Địa ngục
trần gian không phải là những dụng cụ tra tấn mà chính là kẻ khác, chính là những con mắt soi mói vào những điều bí mật, nhục nhã của chúng ta. Và không ai thoát khỏi gian phòng kín đó được, dù cho cánh cửa mở thênh thang mời mọc: Không ai thoát khỏi cuộc đời này cả, con người phải sống ở đây và phải gánh trách nhiệm với hành động của mình.
Sartre cho rằng, sự tự ý thức tồn tại trong mỗi chúng ta, cùng với sự nhận thức của chúng ta về thế giới, đều bắt nguồn từ sự nhận thức của chúng ta về những người khác. Chúng ta không chỉ có thể nhận thức về thế giới mà không cần nhận thức về những cá nhân khác cũng đang tồn tại trong thế giới đó, nhưng quan trọng là chúng ta lại không thể tự nhận thức về chính mình. Những người khác đưa chúng ta đến sự tồn tại thực sự, họ hoàn thiện cho sự tồn tại mà chúng ta có. Tồn tại-vì-người khác là một khía cạnh cần thiết của sự tồn tại của tồn tại-vì-chính nó. Chính những người khác khiến chúng ta thấy những điều chúng ta đang thực hiện được mô tả như thế nào. Họ khiến chúng ta nghĩ về những điều cho hành động của chính mình; do đó, chúng ta gán những hành động này vào bản thân chúng ta và cảm thấy tự hào hay xấu hổ về chúng. Những người khác cũng gắn cho chúng ta cái mác: Họ nói chúng ta ngu dốt, thông minh, không thật thà hay cẩn thận… Dưới ánh sáng của những cái mác này, chúng ta sống cuộc đời của mình. Chúng ta bị bao vây từ mọi phía bằng các quan điểm của người khác nghĩ về chúng ta; đôi khi đó là sự cứu cánh nhưng đôi khi nó lại là sự cản trở, nhưng nếu như không có nó, chúng ta sẽ không thể nào nhận thức đầy đủ về bản thân mình trong thế giới.
Do đó, đối với đạo đức học hiện sinh, con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về chính cuộc đời của mình. Tuy nhiên, chúng ta đòi hỏi rằng, anh ta cũng phải có trách nhiệm với người khác nữa. Con người chọn bất cứ thứ gì mà anh ta muốn vì cho rằng nó tốt không chỉ cho bản thân, mà còn tốt cho
mọi người. Như thế, cái mà tôi chọn cũng là cái mà tôi chọn vì mọi người. Khi tôi chọn cuộc đời của mình thì cũng có nghĩa là tôi đang chọn một hình ảnh cụ thể cho con người của tôi, con người mà tôi cho là phải như vậy. Khi đó, tôi đang “lôi kéo” toàn thể nhân loại vào sự lựa chọn của mình, khi tôi nói với tất cả rằng, “đây chính là hình mẫu mà các bạn nên trở thành”. Tính chủ thể, nơi mà chủ nghĩa hiện sinh bắt đầu, đòi hỏi mỗi người tự chọn lựa bản thân cho chính mình; nhưng về bản chất điều này lại có nghĩa là anh ta đang chọn những người khác nữa.
Sartre nói rằng, khi chọn tự do cho bản thân tôi là tôi cũng đang chọn tự do cho những người khác nữa, nhưng không thực hiện bất cứ điều gì để tránh tự do của tôi xung đột với tự do của người khác, Hơn nữa, ông đã chỉ ra khi tôi chọn tự do cho chính bản thân tôi và sâu xa hơn, một cách rất logic, điều này yêu cầu tôi cũng phải chọn tự do cho những người khác nữa, bởi bất cứ điều gì tôi chọn cho tôi thì tôi cũng chọn cho người khác [xem: 101, tr.42].
Như vậy, chính việc chọn lựa của con người sẽ tạo ra giá trị, và giá trị do cá nhân tôi tạo ra có thể sẽ được mọi người noi theo. Do vậy, khi tôi quyết định chọn lựa một việc gì thì chọn lựa của tôi được xem như là một mẫu mực cho tất cả mọi người. “Khi tạo ra con người mà chúng ta muốn trở thành, không có một hành động duy nhất nào của chúng ta mà không đồng thời tạo ra hình ảnh về một con người mà chúng ta nghĩ phải trở thành”, Sartre nêu ví dụ, “khi tôi quyết định lập gia đình, tôi tuyên bố rằng hôn nhân là một giá