nghĩa hiện sinh đến Việt Nam
Trong cuốn sách Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa [38], Đỗ Đức Hiểu (1978) đã phê phán triết học hiện sinh là triết học tinh thần hóa con người và tự nhiên, tách con người khỏi thế giới vật chất khách quan. Tác giả đã phê phán quan niệm về con người trong chủ nghĩa hiện sinh và văn học hiện sinh chủ nghĩa là không tích cực, thụ động, không có hành vi tác động vào thế giới, chứ chưa nói gì đến việc cải tạo thế giới. Tuy nhiên, triết học hiện sinh lại xem con người chỉ là một hữu thể sợ hãi và run rẩy, cô đơn và bất lực, hữu hạn và phi lý, do vậy cũng rất cần phải đánh giá các tư tưởng hiện sinh chủ nghĩa từ cái nhìn bên trong, của chính họ, nhất là phải thấy được hoàn cảnh lịch sử xã hội cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Cũng quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể thì rất cần đồng tình với kết luận mà tác giả đưa ra trên mặt trận văn học thời kỳ đó (sau giải phóng Miền Nam, 35 năm trước) là: “một trong những di hại “cần phê phán nghiêm khắc” của văn nghệ thực dân mới ở những vùng bị Mỹ, ngụy tam chiếm đóng trước ngày 30/4/1975, là cái gọi là “văn học hiện sinh chủ nghĩa Sài Gòn”” [38, tr. 233].
Trong luận án tiến sĩ với đề tài Chủ nghĩa hiện sinh và một vài ảnh hưởng của nó ở Miền Nam Việt Nam [7], tác giả Lê Kim Châu đã đề cập đến những chủ đề chính của chủ nghĩa hiện sinh như sự ngẫu nhiên và mong manh của cuộc sống con người; sự bất lực của lý trí; sự tha hóa; cái chết hay tính hữu hạn của con người; tính độc đáo và tự do của con người… Tác giả cũng đã chỉ ra sự thuận lợi của hoàn cảnh kinh tế - xã hội của miền Nam dưới chế độ cũ đã tạo điều kiện cho sự du nhập chủ nghĩa hiện sinh. “Sống trong một xã hội đen tối và xáo trộn như vậy con người bị tha hóa toàn diện, người ta không thể không hoang mang, mất tin tưởng, bi quan và chán nản. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện sinh lại đề cập đến những vấn đề hợp với tâm trạng của những người đang bị kẹt trong những mâu thuẫn không thể điều hòa được của xã hội. Chủ nghĩa hiện sinh đã đến đúng lúc. Người ta đón tiếp nó nồng nhiệt như một vị khách mà người ta nóng lòng chờ đợi từ lâu” [7, tr. 83]. Tác giả cũng đề cập đến năm nguồn du nhập của chủ nghĩa hiện sinh vào Việt Nam: “nguồn thứ nhất là các giáo sư công giáo và những linh mục; nguồn thứ hai là các giáo sư theo đạo Phật và những tu sĩ Phật giáo; nguồn thứ ba là các tạp chí văn nghệ, các văn nghệ sỹ, các tiểu thuyết gia; nguồn thứ tư là chương trình triết học ở trung học và đại học; nguồn thứ năm là những nguyên bản tiếng ngoại quốc, cùng những biên khảo đủ mọi hình thức, mọi trình độ giới thiệu các triết gia, các tư tưởng hiện sinh” [7, tr. 84]. Cuối cùng tác giả phân tích một số biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh trong đời sống tinh thần của xã hội miền Nam dưới chế độ Mỹ - ngụy, trong đó đề cập đến các hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo ở miền Nam, lập trường chính trị của một số trí thức miền Nam và lĩnh vực đời sống văn học nghệ thuật miền Nam trước đây.
Trong quyển Chủ nghĩa hiện sinh, lịch sử, sự hiện diện của nó ở Việt Nam [15] tác giả Nguyễn Tiến Dũng (2006) đã chỉ ra điều kiện kiện kinh
tế - xã hội thuận lợi cho chủ hiện sinh hiện diện ở Việt Nam: “chúng ta đã nâng cao một phần đời sống của con người, mở rộng thị trường, nhưng chưa đủ sức để hiện đại hóa điều kiện lao động của con người, chưa khắc phục có hiệu quả những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng tệ quan liêu, nạn tham nhũng đang trở nên một quốc nạn, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và mặt trái của cơ chế thị trường đang đè nặng lên tâm trí của cá nhân. Đó là miếng đất thuận lợi cho chủ nghĩa hiện sinh nảy nở” [15, tr. 165]. Tác giả đã khẳng định vấn đề trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh chính là con người. Con người như một nhân vị. Hiện sinh chính là một mặt cơ bản của tồn tại người, hiện sinh chỉ có ở con người, không có ở bất cứ vật nào, bởi chỉ có con người mới tự do lựa chọn cách thức, thái độ sống để thành hiện sinh. Con người hiện sinh có hai đặc tính: một là chủ thể tính, hai là tự do. Tác giả cũng đề cập đến các phạm trù xoay quanh vấn đề con người của chủ nghĩa hiện sinh, như: phạm trù tồn tại, hư vô, lựa chọn tự do, buồn nôn, lo âu, nhập cuộc, tha nhân...
Sự hiện diện của trào lưu tư tưởng này ở miền Nam Việt Nam trong những năm 60 – 70 cũng như trong văn học Việt Nam cũng được Nguyễn Tiến Dũng trình bày khái lược. Theo tác giả, đó là sự xâm nhập của một ý thức hệ hoàn toàn xa lạ mà trong quá trình thâm nhập nó đã được dần cấu trúc lại bằng những yếu tố bản địa. Tác giả cũng chỉ ra sự xuất hiện rộng rãi của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam. Ông viết: “có thể nói rằng, chưa một triết học nào ở nước ta trong một thời gian ngắn mà xuất hiện ồ ạt như chủ nghĩa hiện sinh. Ngay từ năm 1955, chủ nghĩa hiện sinh đã có mặt trong chương trình của hệ thống giáo dục tiếng Pháp, tiếng Việt ở bộ môn siêu hình học, hoặc đạo đức học ở các trường đại học như Văn khoa Sài Gòn, Văn khoa Huế, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt... Nhiều tổ chức văn hóa xã hội đã tổ chức diễn thuyết về chủ nghĩa hiện sinh...” [15, tr.134].
Có thể nói, cho đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, những công trình trên là đóng góp đáng ghi nhận. Các tác giả của các công trình trên đã cố gắng làm sáng tỏ một số phạm trù xoay quanh quan niệm về con người trong chủ nghĩa hiện sinh và những ảnh hưởng của nó tới Việt Nam. Họ đã chỉ ra sự ảnh hưởng cũng như sức lan tỏa rộng lớn của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam. Tuy thế, các công trình này chủ yếu nghiên cứu những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh tới các lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôn giáo, chính trị chứ chưa đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của nó tới lĩnh vực đạo đức. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình chỉ nghiêng về phê phán chủ nghĩa hiện sinh mà chưa nhìn thấy những ảnh hưởng tích cực của nó.
Kết luận chƣơng 1
Như vậy, đề tài chủ nghĩa hiện sinh và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam đã được khá nhiều tác giả đề cập đến. Các công trình cũng đã khái quát về sự ra đời chủ nghĩa hiện sinh, nội dung cơ bản của triết học hiện sinh nhưng chủ yếu ở mức độ khái quát hoặc đi sâu vào tư tưởng của từng triết gia hiện sinh. Việc nghiên cứu quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh có thể nói vẫn còn ở tình trạng rất khiêm tốn, chỉ có một số công trình nghiên cứu về đạo đức học hiện sinh như đã đề cập ở trên. Tóm lại, cho đến nay, ở Việt Nam, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và có tính hệ thống về đạo đức học hiện sinh cũng như nhận xét đánh giá một cách khách quan cả về hạn chế và giá trị của nó.
Qua các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, chúng tôi càng thấy rõ, việc trình bày một cách có hệ thống quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và rút ra một số bài học đối với việc giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay vẫn là vấn đề mới và cần được quan tâm tiếp tục nghiên cứu. Đó cũng là vấn đề và nhiệm vụ cơ bản đặt ra cho luận án này phải giải quyết.
Chƣơng 2
BỐI CẢNH VÀ NHỮNG TIỀN ĐỀ TƢ TƢỞNG HÌNH THÀNH QUAN NIỆM ĐẠO ĐỨC HỌC TRONG CHỦ NGHĨA HIỆN SINH