Định hướng chống thuyết định mệnh và thuyết bản chất tiền định

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 75)

Thuyết định mệnh là học thuyết triết học cho rằng, mỗi người đều có số phận đã được định sẵn; rằng, con người phải an bài với số phận của mình, mọi cố gắng thay đổi số phận của mình sẽ không mang lại kết quả. Thuyết bản chất tiền định thì cho rằng, bản chất con người được ấn định từ trước, hay con người bẩm sinh vốn đã là thiện hoặc vốn đã là ác.

Ngược lại, chủ nghĩa hiện sinh quan niệm rằng, hiện sinh có trước bản chất, bản chất của con người bắt nguồn từ sáng tạo và tự do, nó không phải là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội. Các triết gia hiện sinh phê phán quan điểm của những nhà triết học nào coi bản chất con người có trước, sau đó con người mới tồn tại; phê phán quan điểm cho rằng, có bản chất chung cho tất cả mọi người gọi là bản chất con người, vì theo họ, con người tự do lựa chọn và thiết kế bản chất của chính mình. Con người bắt đầu cuộc sống mà không có trước một bản chất có sẵn, bản chất của con người chỉ có được khi con người dấn thân vào những hoàn cảnh của đời sống để sáng tạo ra bản thân mình và bản chất của mình.

J.P.Sartre đưa ra luận điểm “tồn tại có trước bản chất” để phân biệt con người với đồ vật và các sinh vật. Các đồ vật và các sinh vật là tồn tại không có tự do, không thể tự sáng tạo ra mình. Chúng không có khát khao, chúng không thể cố gắng, hy vọng, ước mơ hay mong muốn trở thành một thứ khác so với chúng ở hiện tại. Theo ông, bản chất con người là do con người tự tạo nên, tự sáng tạo nên nhờ tự do lựa chọn của mình, bằng hoạt động sáng tạo của mình trong hoàn cảnh sống của mình. Bản chất con người không phải do

hoàn cảnh xã hội hay các quan hệ xã hội tạo nên. Con người phải tồn tại đã rồi sau đó mới có thể tạo ra bản chất của mình. Không có cái gọi là bản chất con người, bản chất nhân loại nói chung. Ông nêu ví dụ về con dao rọc giấy: Trước khi người thợ chế tạo ra con dao rọc giấy, họ đã có một ý tưởng nó phải như thế nào, phải có các tính chất nào. Do vậy, bản chất của con dao rọc giấy phải có trước trong trí khôn người thợ trước khi nó hiện hữu [xem: 36, tr.186].

Theo Sartre, thế giới thực vật phức tạp hơn thế giới đồ vật, nhưng về căn bản, chúng cũng giống thế giới đồ vật ở chỗ, bản chất của chúng có trước tồn tại. Nhìn vào thế giới thực vật, ta thấy rằng tất cả các loài thực vật đều được xác định trước, trong hạt cây đã chứa đựng những khả năng, tiềm năng để trong những điều kiện nhất định về đất đai, khí hậu sẽ trở thành một loại cây nào đó: Xanh tươi hay xơ xác héo tàn, nhưng vẫn là thứ cây của hạt mầm đó, chứ không phải là cây của loài khác. Nói khác đi, bản chất của các loại cây là có trước tồn tại hiện thực trong quá trình phát triển. Quá trình trưởng thành, phát triển của chúng đều diễn ra theo một cơ chế nhất định, dù cho những điều kiện, hoàn cảnh đất đai, khí hậu có thể khác nhau. Không thể có trường hợp gieo cùng một loại hạt giống, ở những điều kiện đất đai, khí hậu khác nhau lại nảy ra những loại cây hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, điều này không như vậy đối với con người. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng, trong một hoàn cảnh, con người có thể tạo ra hoặc lựa chọn một trong những dự án. Chính việc tạo ra hay lựa chọn ấy quy định bản chất của con người. Theo Sartre, con người bắt đầu cuộc sống mà không có trước một bản chất có sẵn, không bị quy định trước bởi bất cứ một bản chất nào, nghĩa là con người hoàn toàn tự do. Tự do là cái mà con người tất nhiên vốn phải có. Tự do là điều con người không thể tránh khỏi, tự do là cái được phán quyết cho con người; do đó, con người không phải là được tự do mà bị tự do. Con người sống nghĩa là hành động không ngừng.

Jaspers cho rằng, không thể kiến giải con người giống như đối với các vật thể khác: Nếu vật thể có bản chất có thể xác định được, thì con người không có bản chất xác định như vậy, mà đang phải tìm kiếm bản chất của mình, đang phải tìm về mình để hiểu mình.

Heidegger cũng quan niệm rằng, con người trước hết phải tồn tại rồi sau đó mới có bản chất. Điều đó có nghĩa con người là một hiện hữu, và luôn luôn phải quan tâm tới sự hiện hữu, sự dự phóng của mình, hay nói khác đi, sau khi hiện diện, con người phải tự làm cho mình thành người trong những hoàn cảnh khác nhau. Và với tư cách là một hiện hữu, trước hết phải hiện thực hóa và thể hiện mình, hiện hữu của một con người mới chỉ là một phác họa hay một dự án mà thôi. Heidegger viết: “Hiện hữu người là một phác đồ người được ném vào thế giới, nghĩa là một con người cụ thể nào đó mới chỉ là một sự hiện diện thật sự nào đó trong thế giới, nhưng sự hiện diện là thế này hay thế kia sẽ do chính con người tạo nên. Phác đồ người trở thành thực thể người với bản chất tập hợp những thuộc tính nhất định” [37, tr.9].

Hình ảnh nhân vật Roquentin trong tác phẩm Buồn nôn của Sartre khi đứng trước gương trong đoạn trích dưới đây cũng phản ánh luận điểm của chủ nghĩa hiện sinh cho rằng bản chất con người không có sẵn, mà do chính mỗi cá nhân tự sáng tạo ra bản chất của mình: „„Gương mặt tôi được phản chiếu trong đó. Thông thường trong những ngày không ra gì này, tôi đứng lại ngắm nó. Tôi không hiểu gì hết ở cái gương mặt ấy. Gương mặt những người khác đều có ý nghĩa. Riêng gương mặt tôi thì không. Thậm chí tôi không thể cả quyết được là nó đẹp hay xấu. Tôi nghĩ là nó xấu, vì người ta bảo tôi như vậy. Nhưng cái đó chẳng làm tôi xúc động. Thực ra, tôi thậm chí còn khó chịu vì sao người ta lại ấn định cho nó những tính chất như vậy, như thế người ta bảo một hòn đất hay một tảng đá là đẹp hay xấu‟‟[76, tr.38].

Beauvoir phê phán quan điểm cho rằng, trong gia đình, ngoài xã hội hay ở thế giới các đồ vật, mọi thứ đều được sắp đặt sẵn. Do đó, bà đã phản

kháng một trật tự gia đình định sẵn. Beauvoir viết: “Họ lại nhốt tôi vào cái thế giới mà tôi đã phải mất nhiều năm trời để thoát khỏi nó, ở cái thế giới mà mỗi vật có một cái tên, cái chỗ, cái chức năng của nó không chút lập lờ, trong đó hận thù và tình yêu, cái xấu, cái tốt thật rành mạch như đen với trắng, trong đó tất cả đều được sắp xếp thành danh mục, được hiểu biết sẵn từ trước và không thể xét đoán theo một cách nào khác” [trích theo: 86, tr.51].

Tuy nhiên, theo chủ nghĩa hiện sinh, bản chất con người không phải là bất biến, bởi vì trong cuộc đời con người có rất nhiều lựa chọn, họ không chỉ lựa chọn duy nhất một lần mà lựa chọn nhiều lần vì con người phải sống trong nhiều hoàn cảnh, nhiều điều kiện khác nhau, phải đối mặt với rất nhiều cảnh ngộ và mỗi một lần lựa chọn, lại làm biến đổi bản chất của con người. Trong cuộc đời con người không có gì gọi là đích cuối cùng, là dự định cuối cùng. Sartre nói : “Con người luôn luôn là trong thời kỳ đang hoàn thành”. Đối với chủ nghĩa hiện sinh, “con người sẽ không là gì khác ngoài một chuỗi những ý định, một tổng số, một tập hợp những mối dây liên hợp của những dự định” [trích theo: 30, tr.145].

J.P. Sartre không đồng tình với quan niệm cho rằng, nếu anh sinh ra đã là kẻ hèn nhát, anh sẽ hoàn toàn yên trí, anh không thể làm khác được, anh sẽ là kẻ hèn nhát suốt đời cho dù anh có làm gì đi nữa; ngược lại, nếu anh sinh ra đã là anh hùng, anh cũng sẽ yên tâm, anh sẽ là anh hùng suốt đời, anh uống như một người anh hùng, anh ăn như một người anh hùng. Theo Sartre, kẻ hèn nhát tự tạo mình thành kẻ hèn nhát, người anh hùng tự tạo mình thành người anh hùng. Kẻ hèn nhát chịu trách nhiệm về sự hèn nhát của mình. Anh ta hèn nhát không phải vì anh ta có một trái tim hay một bộ óc hèn nhát, cũng không phải do cấu tạo sinh lý, mà vì anh ta đã tự tạo mình như là kẻ hèn nhát qua những hành vi của mình. Kẻ hèn nhát được định nghĩa từ hành vi anh ta đã thực hiện. Tuy vậy, luôn có một khả năng để cho

kẻ hèn nhát không còn là hèn nhát nữa, và để cho người anh hùng thôi là người anh hùng.

Khẳng định „„tồn tại người có trước bản chất‟‟, chính là coi con người không phải là tồn tại hiện có, không phải là một loại tồn tại của “vật tự nó” ù lì, bất động đã được xác định. Tồn tại người không đứng im mà là tồn tại vượt trước hướng về tương lai. Tương lai đó phụ thuộc vào tự do lựa chọn những khả năng khác nhau cho hành động của mình và vào các dự án do mình đưa ra. Việc tôi trở thành người như thế nào, có bản chất ra sao là do khả năng lựa chọn, khả năng thiết kế và thực thi các dự án cuộc đời của tôi. Trước tiên, tôi phải tồn tại, xuất hiện trong thế giới đã, rồi sau đó mới tìm kiếm, xác định bản chất của tôi. Nói cách khác, theo quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh, nếu không thể được xác định, được định nghĩa chính vì trước hết con người chưa là gì cả, chưa có bản tính, bản chất, mà chỉ tồn tại rồi sau đó mới trở thành thế này hay thế khác. Con người phải tự thiết kế mình trong các kế hoạch cuộc đời, tự „„ném mình‟‟ vào một tương lai, phải là chủ thể ý thức về dự phóng của mình trong tương lai. Thay vì là một thứ đồ vật hay một thứ rêu, một thứ „„nấm mốc‟‟ hay một „„búp súp lơ‟‟ hay các con vật, con người chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, về dự án cuộc đời của mình với những gì nó đang tồn tại.

Những hành động cho phép nhân vật Oreste trong vở kịch „„Ruồi‟‟ của Sartre thể hiện chính mình, biểu thị tính cách đích thực của con người ấy, Oreste đã tự mình quyết định lấy, tự mình thi hành, đã tự mình gánh lấy trách nhiệm tức thời và mai sau; nó chính là hành động đích thực biểu hiện tự do của Oreste, của con người lọt vào trong vũ trụ vô nghĩa và phi lý này, và chính hành động đích thực của con người mới mang đến cho vũ trụ này một ý nghĩa nào đó.

Theo Sartre, ở con người này, bản chất không phải là có sẵn mà nó được tạo ra bởi tồn tại người, bởi hiện sinh. Hiện sinh có trước bản chất,

nghĩa là chúng ta không thể định nghĩa con người qua những ý niệm trừu tượng, mà phải bằng chính hành động của họ trong việc thực hiện các dự án cuộc đời của chính họ. Bản chất của con người chỉ có được khi dấn thân vào những hoàn cảnh của đời sống để sáng tạo ra mình. Thế giới này tự nó không có ý nghĩa gì hết, ý nghĩa của nó có được do chính con người gán cho. Do đó, theo Sartre, con người trong vũ trụ này không bị trói buộc bởi bất kỳ một luật lệ, luân lý hay bổn phận nào cả. Con người hoàn toàn tự do, buộc phải tự do.

Như vậy, bản chất của con người không phải sinh ra đã có sẵn, mà chính sự tự do lựa chọn của con người tạo thành bản chất cho mình. “Đầu tiên con người hiện hữu, lộ diện, xuất hiện rồi mới thuyết minh tự thân. Nếu nói con người theo quan điểm của triết gia hiện sinh là không thể định nghĩa được, đó là vì thoạt đầu con người không là gì cả, chỉ sau đó mới biến thành một cái gì đó, thành thử con người căn cứ ý chí mình mà tạo nên tự thân. Cho nên nói thế gian không hề có bản tính loài người, bởi vì thế gian không có Thượng đế thiết định bản tính loài người. Con người không chỉ là con người được tự mình thiết tưởng, mà còn là người sau khi đi vào hiện sinh, tạo nên tự thân theo ý mình” [trích theo: 24, tr.563].

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 75)