Đánh giá đúng vai trò của lý tính khoa học

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 151)

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển con người một cách toàn diện. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những tác động tiêu cực không thể coi thường đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống tinh thần. Với việc tuyệt đối hóa vai trò của khoa học - công nghệ, con người dường như có nguy cơ đánh mất bản sắc riêng và tính độc đáo của chính mình như một nhân cách có một không hai. Khi đó, vai trò của những giá trị tâm linh, tinh thần và đạo đức không được chú ý hay đánh giá đúng mức, trong xã hội sẽ xuất hiện xu hướng bàng quan trước nỗi đau của đồng loại, chai lỳ trước những những cảm xúc của mình và tệ hại hơn là trở nên khập khiễng trong các quan hệ người, đánh mất tính nhân văn cao cả, thiêng liêng của tồn tại người.

Sự phát triển của kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã góp phần nâng cao mức sống cũng như chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, mặt trái của nó là đã gạt con người ra ngoài lề của mục tiêu phát triển xã hội chân chính. Kỹ thuật, công nghệ được coi là sức mạnh chi phối và quyết định toàn bộ đời sống. Sự tuyệt đối hóa vật chất của xã hội tiêu thụ, trên thực tế, đã tạo ra xu hướng xem nhẹ và hạ thấp các giá trị nhân văn, làm nghèo nàn đời sống tình cảm, và tồi tệ hơn là đưa đến tình trạng suy thoái đạo đức. Phát triển xã hội theo nghĩa chân chính của nó chính là thực hiện lý tưởng nhân văn mà loài người hướng tới. Song, dường như mục tiêu ấy lại đang bị cản trở bởi những sai lầm mắc phải trong quá trình nỗ lực thực hiện sự phát triển.

Ý nghĩa của triết học hiện sinh là ở chỗ, nó đã cảnh báo những mối nguy cơ luôn rình rập đối với con người trong xã hội hiện đại và sự tuyệt đối hóa vai trò của tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng các giá trị vật chất của nền văn minh công nghiệp. Chính các nhà triết học hiện sinh đã cảnh tỉnh rằng, mặc dù sức mạnh kỹ thuật có thể mở ra những khả năng to lớn cho sự phát triển tinh thần theo các xu hướng khác nhau, song nền kỹ thuật tự nó không kéo theo sự tiến bộ trong lĩnh vực văn hóa và tinh thần - đạo đức. Trên thực tế, khoa học - kỹ thuật có những mặt trái của nó và đã tác động không nhỏ đến lối sống của con người cũng như đời sống tinh thần xã hội. Quyền lực của kỹ thuật đặt ra vô số vấn đề gay gắt, đòi hỏi phải được giải quyết. Tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng chứa đựng những nguy cơ đe doạ sự tồn tại và phát triển của nền văn minh nhân loại. Ở phương diện này, cần quán triệt quan điểm mang tính nhân văn cho rằng, việc con người có nguy cơ đánh mất bản sắc của riêng mình khi đối mặt với sức mạnh của kỹ thuật là một trong số những vấn đề nghiêm trọng mà tiến bộ khoa học – công nghệ có thể gây ra.

Nói cách khác, nếu tin tưởng thái quá vào sức mạnh “toàn năng” của những thành tựu kỹ thuật, con người có thể vô tình đánh mất những giá trị nhân văn, như năng lực thấu hiểu và đồng cảm với người thân và đồng loại, cũng như phải đối mặt với những nguy cơ hủy hoại môi trường sống, suy thoái đạo đức, sự nghèo nàn của thế giới nội tâm con người, sự giao cảm hời hợt giữa cá nhân với thế giới bên ngoài...

Đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh là sự khẩn cầu giành lại giá trị nhân sinh vốn thuộc về con người, là tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội phương Tây về tình trạng thân phận con người đang dần bị lãng quên, đang trở thành những kẻ cô đơn, bơ vơ và lẻ loi. Đây là sự cảnh tỉnh đối với quan điểm quá đề cao vai trò của tư duy duy lý, cũng như sự lạm dụng một cách quá mức vai trò của kỹ thuật và công nghệ dẫn tới chỗ coi thường, hạ thấp sức mạnh nội

sinh của con người, lãng quên đời sống tâm hồn, nội tâm của mỗi cá nhân con người. Có thể nói, xét trên góc độ này, đạo đức học hiện sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó là bài học cần thiết không chỉ cho những nước đã phát triển, mà còn cho cả những quốc gia đang phát triển, đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa – nơi mà con người đang ngưỡng mộ đến mức sùng bái sức mạnh lớn lao của khoa học, kỹ thuật.

Như vậy, theo chủ nghĩa hiện sinh, con người không thể coi khoa học - kỹ thuật là chìa khóa vạn năng có thể giải đáp được tất cả mọi vấn đề của cuộc sống và thế giới, đặc biệt những vấn đề liên quan đến đời sống tình cảm, thế giới nội tâm của con người. Trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử nhân loại, con người luôn cần có đời sống tinh thần riêng tư và luôn là một tồn tại người với tính đặc thù, độc đáo của nó. Bởi vậy, trong thời đại khoa học - công nghệ, con người cũng cần được giải phóng về đời sống tinh thần, nội tâm. Con người cần phải vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên trên chính mình để sống cuộc đời có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn. Thực tế cho thấy, đối với những vấn đề liên quan đến đời sống nội tâm, tình cảm nằm trong miền sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người, thì khoa học - công nghệ dù phát triển mạnh mẽ đến đâu, cũng khó có thể trở thành phương tiện tiếp cận và lý giải. Đúng như Pascal đã nhận định: Con tim có những lý lẽ của nó mà nhiều khi lý trí không thể hiểu nổi.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng khoa học - công nghệ đã mang lại nhiều sự biến đổi trực tiếp trong đời sống xã hội mà các nhà hiện sinh không thể không biết. Mặc dù vậy, họ vẫn có cái nhìn kỳ thị về việc đề cao một cách thái quá vai trò của lý tính. Sartre cho rằng, thế giới là cái gì đó xô bồ, hỗn độn, không có quy luật, không có nhân quả, nó hiển hiện như một trái núi khổng lồ, sừng sững, đông đặc, đáng sợ và lý trí của con người bất lực trước thế giới ấy.

Triết học hiện sinh quá thiên về đời sống tinh thần, đời sống nội tâm phi lý tính. Trong khi đó, dưới góc độ giá trị học, lao động được coi là giá trị

nền tảng tạo nên các giá trị khác, kể cả giá trị bản thân; bởi vậy, cũng cần đề cao các giá trị chung và hoạt động lao động của con người trong cộng đồng xã hội. Triết học hiện sinh đã không thấy hết được sự cần thiết trước hết phải thay đổi những điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần chung của xã hội.

Triết học Mác cho rằng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nghĩa là đời sống vật chất như thế nào thì đời sống tinh thần sẽ hình thành như thế ấy. Do vậy, sự ra đời, tồn tại và phát triển của con người cũng như tư tưởng của họ, hay quan niệm một hành vi nào đó là tốt hay xấu, thiện hay ác... cũng đều chịu sự chi phối, quy định trực tiếp của điều kiện kinh tế - xã hội ở những mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho con người nói chung và cho các thế hệ trẻ nói riêng cần phải giúp họ hiểu rằng, ý nghĩa cuộc đời không chỉ dừng lại những thành công về mặt vật chất, mà còn ở những giá trị của đời sống tinh thần. Bởi lẽ, thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng đề cao vai trò của kinh tế, của kỹ thuật hơn là vai trò của đời sống tinh thần. Họ đã vô tình quên rằng, có những bế tắc về tinh thần, những uẩn khúc trong sâu thẳm tâm hồn con người mà chúng ta không thể tiếp cận và giải quyết được nếu chỉ dựa vào khoa học - kỹ thuật... Ngay một hiện tượng phổ biến diễn ra trong thời gian gần đây - việc các thí sinh đua nhau nộp hồ sơ thi vào các trường đại học, ngành học về khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, kinh tế, thương mại… mà không mặn mà với các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng là điều đáng phải quan tâm.

Mặt khác, giáo dục đạo đức cần hướng cho con người hiểu rõ rằng, con người không chỉ nhận thức, mà còn phải hành động để thay đổi hoàn cảnh. Lý trí của con người góp phần không nhỏ đối với việc giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong xã hội. Như chúng ta biết, sức mạnh của tri thức là không thể phủ nhận, khoa học - công nghệ đã mang lại

nhiều thay đổi trực tiếp trong đời sống của con người. Khoa học và công nghệ đã thực sự thúc đẩy sự gia tăng của cải vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của con người. Nó đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, giảm nhẹ cường độ lao động, giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất, giảm tỷ lệ tiêu hao vật chất, tăng tỷ lệ chất xám trong cấu tạo sản phẩm. Tri thức khoa học được vật thể hoá thành các công cụ, máy móc hiện đại, mang lại hiệu quả và năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt. Mặt khác, sự phát triển của khoa học – công nghệ hiện đại đã tạo ra nhiều loại vật liệu mới không có sẵn trong tự nhiên, giảm thời gian lao động xã hội cần thiết. Thêm nữa, khoa học – công nghệ cùng với quá trình giáo dục và đào tạo đã tạo ra những người lao động mới có năng lực sáng tạo cao, vừa có tri thức chuyên sâu một ngành nghề, vừa có hiểu biết rộng, tầm nhìn xa, bao quát, nhạy bén, vững vàng trong nghề nghiệp. Tri thức của con người trở thành nguồn năng lượng vô tận của mọi sự biến đổi khoa học - công nghệ và sản xuất. Việc khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là một đặc trưng cơ bản của nền sản xuất hiện đại, đồng thời cũng chứng tỏ rằng khoa học - công nghệ ngày càng gắn bó và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội.

Có thể khẳng định rằng, nhờ những thành tựu khoa học và công nghệ mà đời sống vật chất của con người được nâng lên rõ rệt. Theo đó, thế hệ trẻ cần nhận thức đúng, cân đối vai trò của tư duy duy lý và tư duy phi duy lý. Muốn cải tạo đời sống con người, con người không thể chỉ thuần túy dựa vào tư duy duy lý, vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Bởi lẽ, có những bí ẩn nằm sâu trong đời sống nội tâm, tinh thần con người mà nhiều khi lý trí cũng khó tiếp cận và lý giải. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta phủ nhận vai trò của lý trí, kể cả trong lĩnh vực đạo đức. “Tri thức là sức mạnh”, do vậy, mỗi cá nhân, đặc biệt thế hệ thanh niên, sinh viên cần phải ý thức rõ về

điều đó. Họ cần phải không ngừng học tập, rèn luyện nhằm tiếp nhận, lĩnh hội tri thức khoa học và nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào sản xuất, vào cuộc sống nhằm ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, góp phần vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tóm lại, đời sống tinh thần, nội tâm của mỗi cá nhân con người là vấn đề cần quan tâm song song cùng với đời sống vật chất. Bởi vậy, sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa vai trò của lý trí, tư duy duy lý và tình cảm, tư duy phi duy lý là việc làm cần thiết cho sự phát triển đầy đủ, toàn diện của tồn tại người. Nhận thức được điều này, giáo dục đạo đức ở nước ta cần phải tránh được sự sai lầm mà đạo đức học hiện sinh đã mắc phải, đó là tuyệt đối hóa vai trò của tư duy phi duy lý, đánh giá chưa đúng vai trò của lý trí, đề cao việc giải phóng đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân con người trong khi không thấy rằng, cần phải nâng cao đời sống vật chất dựa trên sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Kết luận chƣơng 4

Đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh là sự phản ứng chống lại sự tha hóa tinh thần của của con người trong xã hội tư bản trong thế kỷ XX. Học thuyết này góp phần vào việc phê phán những giá trị cũ, lỗi thời, những nguyên tắc và tập quán xã hội lạc hậu trói chặt, kìm hãm con người, khiến cho con người không phát huy được tính năng động sáng tạo của mình. Tuy vậy, nó cũng có những hạn chế nhất định. Về phương diện này, điều dễ nhận thấy là đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh đã đề cao tự do cá nhân một cách thái quá và không chú ý đến những chuẩn mực đạo đức xã hội, những giá trị truyền thống và phong tục, tập quán của các dân tộc.

Đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh cũng đặt ra một số vấn đề đạo đức quan trọng như thiệnvà ác, lương tâm và trách nhiệm cá nhân, sự tự do lựa chọn, ý nghĩa cuộc sống và bản chất con người, v.v.. Tuy nhiên, đạo đức học hiện sinh chưa đánh giá đúng vai trò của điều kiện sinh hoạt vật chất, của môi trường xã hội... Những giá trị đạo đức mà các triết gia hiện sinh đề cập tới mới chỉ là giá trị do mỗi cá nhân tự tạo ra trên cơ sở tự do lựa chọn hành vi cho mình; do đó, nó mang tính chủ quan nhất định và có xu hướng tuyệt đối hoá các giá trị cá nhân.

Tuy nhiên, sẽ thực sự khó khăn nếu muốn phân biệt rạch ròi giữa đạo đức học hiện sinh và triết học hiện sinh. Nếu có tồn tại đạo đức học của bất kỳ nhà chủ nghĩa hiện sinh nào, nó chắc chắn được rút ra từ cái nhìn toàn cảnh về thế giới, trong đó mỗi con người tự quyết định niềm tin cho chính bản thân mình. Điều chúng ta có ở đây không phải là một hệ thống. Bởi lẽ, xây dựng một hệ thống triết lý, theo quan điểm của Kierkegaard, chính là điều vô nghĩa và lý thuyết suông, vì mỗi người phải tự tìm niềm tin ở bên trong nội tâm của chính mình.

Như vậy, về thực chất, chưa thể nói về đạo đức học hiện sinh như một hệ thống bài học đạo đức, còn bài học đạo đức mà luận án đề cập tới

là những tri thức do tác giả tự đúc kết khi nghiên cứu về đạo đức học hiện sinh. Trên cơ sở đánh giá những giá trị cũng như hạn chế của nó, tác giả đưa ra những nội dung của đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh mà việc kế thừa chọn lọc và việc vận dụng chúng sẽ có ý nghĩa nhất định đối với giáo dục tính tự chủ, tính sáng tạo và nghị lực của cá nhân; thức tỉnh trách nhiệm cá nhân và hướng con người sống cuộc đời có ý nghĩa hơn. Mặt khác, kêu gọi con người quán triệt nguyên tắc hài hòa giữa cá nhân – cộng đồng – xã hội; tránh đề cao thái quá chuẩn mực đạo đức cá nhân mà quên đi những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song song với việc quan tâm tới đời sống tinh thần, nội tâm thì con người cần nhận thức đúng vai trò của lý tính khoa học trong việc nâng cao, cải tạo đời sống vật chất.

KẾT LUẬN

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới cùng với sự phát triển của chủ nghĩa duy lý, xã hội phương Tây thế kỷ XX đã tạo ra mảnh đất màu mỡ để những

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 151)