Cao tính tự chủ, tính sáng tạo và nghị lực cá nhân

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 115)

Theo đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh, giá trị cuộc sống không phải là cái gì khác ngoài ý nghĩa mà mỗi người muốn tạo dựng cho nó. Việc coi con người là nạn nhân của số phận, của hoàn cảnh, của các thế lực khách quan, của tính di truyền… là một sự tự lừa dối, tự biến mình thành kẻ hèn nhát, thiếu lòng dũng cảm và nghị lực cá nhân. Bởi lẽ, con người có sự tự do đối với thế giới, nên thế giới không thể ảnh hưởng một cách máy móc đối với ý thức cũng như sự lựa chọn của con người. Đạo đức học hiện sinh cho rằng, chúng ta không thể trông chờ, bám víu vào một sự thiện, ác, tốt, xấu vốn đã được thiết lập trước; trái lại, chúng ta phải đối diện với sự kiện quan trọng và đầy trách nhiệm rằng, chính chúng ta đem lại cho sự vật giá trị và tự làm nên giá trị cho mình. Nhận thức được điều này một cách đúng đắn và sâu sắc sẽ góp phần giúp con người, đặc biệt là thế hệ trẻ có thêm ý chí, nghị lực để hành động vượt lên trên mọi hoàn cảnh.

Có thể nói rằng, nếu quyết định tự do lựa chọn của mỗi cá nhân theo quan điểm đạo đức học hiện sinh phù hợp với tiêu chí đạo đức của xã hội, đáp ứng được lợi ích xã hội thì ta cần khích lệ con người tự do đưa ra được sự lựa chọn đúng đắn. Điều này sẽ góp phần tạo thêm những giá trị đạo đức phù hợp với chuẩn mực, truyền thống đạo đức dân tộc và mỗi cá nhân sẽ phát huy được tính độc lập, tự chủ, quyết đoán, can đảm trong mọi tình huống,

hoàn cảnh; sẽ có ý nghĩa nhất định đối với việc giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy và luôn đánh giá rất cao vai trò hết sức quan trọng của thanh niên đối với sự phát triển xã hội. Người từng nói: Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ; tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội [67, tr.167]. Như đã biết, ở đâu và vào thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn được xem là tương lai của quốc gia, rường cột của nước nhà, tinh hoa của dân tộc. Bởi lẽ, trong một xã hội, những thế hệ trẻ luôn là sức mạnh nội sinh, là ngày mai của cả dân tộc; họ sẽ là lực lượng tiếp tục sự nghiệp của ông cha, trực tiếp đảm nhận trách nhiệm chèo lái, dẫn dắt con thuyền dân tộc tiến vào tương lai, hòa với dòng chảy phát triển và tiến bộ của nhân loại. Ý thức được những trách nhiệm thiêng liêng và cao cả ấy, giới trẻ phải có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả trí lực, thể lực lẫn tâm lực để sẵn sàng đóng góp công sức và trí tuệ của mình vì sự phát triển bền vững của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”… xứng đáng với sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; hay như ông cha thường nói - “làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên”.

Có thể nói, giới trẻ ngày nay đang được hưởng trực tiếp những thành quả của công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước. So với nhiều thế hệ đi trước, họ đã có một cuộc sống khá đầy đủ về mọi phương diện nhưng ở một bộ phận đáng kể trong số họ lại đang thiếu vắng lý tưởng cao đẹp và những chuẩn mực giá trị – điều mà trước đây từng là phẩm chất, lẽ sống được đặt lên hàng đầu của ông cha. Trong xã hội ta có một bộ phận không nhỏ thanh niên sống thiếu lý tưởng, mơ hồ về mục đích sống. Lẽ ra với sức trẻ tràn đầy nhựa sống phải chủ động và tích cực phấn đấu vươn lên trong

mọi lĩnh vực, họ lại tỏ ra thụ động, thờ ơ, ỷ lại, lệ thuộc vào người khác, đánh mất sự tự chủ; sống thiếu ý chí, nghị lực vượt khó. Họ chỉ đòi hưởng thụ mà không nghĩ đến nghĩa vụ và trách nhiệm cống hiến, không tích cực rèn luyện, học tập, ý thức chuẩn bị để ngày mai lập nghiệp chưa cao, lối sống tẻ nhạt không lý tưởng, không hoài bão… Nguy hiểm hơn, thay vì là niềm tự hào của gia đình và xã hội, không ít bạn trẻ đã rơi vào tình trạng mất niềm tin, thiếu bản lĩnh… dẫn đến dao động, ngả nghiêng trước những khó khăn, thử thách. Họ trở thành đối tượng dễ bị lôi kéo, rơi vào lối sống lệch lạc, dễ nao núng trước khó khăn và gian khổ, không có ý chí vươn lên,… Sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm đến người khác, dửng dưng với cuộc sống đang diễn ra xung quanh... là hệ quả dễ thấy của lối sống mờ nhạt, thiếu lý tưởng.

Vấn đề đặt ra là, khi bước chân vào cuộc sống, thế hệ trẻ cũng phải biết định hướng sống cho cuộc đời của chính mình. Họ cần phải có lý tưởng sống, cần xác định cho mình một hướng đi và một đích đến đúng đắn, phải biết phấn đấu vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục tiêu đã lựa chọn bằng chính khả năng và nghị lực của mình. Nguyễn Thái Học đã từng nói rằng, đường đi khó không phải vì ngăn sông, cách núi, mà chính là bởi lòng người ngại núi, e sông. Nỗ lực và tin tưởng ở tương lai, bạn trẻ sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Ivanốp, một nhà tâm lý học Nga, cũng từng nói rằng, lý tưởng là cái mà khi con người ta sống dưới ánh sáng của nó mới có thể thấy hết được ý nghĩa của cuộc đời. [trích theo: 93]. Như vậy, lý tưởng là mục tiêu cao đẹp nhất, mẫu mực và hoàn chỉnh nhất, có sức lôi cuốn con người vươn tới nó. Người sống có lý tưởng luôn nuôi dưỡng cho mình những ước mơ cao cả và khát vọng cháy bỏng. Chính điều này thôi thúc mỗi người không ngừng phấn đấu vươn lên với sức mạnh của ý chí và bản lĩnh, nghị lực cá nhân. Thực tế cho thấy, nếu cuộc sống thiếu lý tưởng, thì con người dù cố gắng đến đâu cũng sẽ là vô ích. Nếu sống không có mục đích, sống theo kiểu “nước chảy

bèo trôi”, an phận, khi tâm hồn trống rỗng không có một điều gì để mong muốn, hy vọng, thương yêu, không còn điều gì là thiêng liêng để hướng tới thì cuộc sống đó sẽ trở nên tẻ nhạt, vô vị, không khác gì đời sống của những sinh vật bình thường.

Như vậy, chúng ta thấy sự kế thừa có chọn lọc và vận dụng một cách sáng tạo những giá trị, “hạt nhân hợp lý” hay ưu điểm của đạo đức học hiện sinh vào việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay sẽ góp phần động viên họ tạo dựng cho mình một lối sống tự lập hơn.

Giáo dục đạo đức cần phải hướng con người, đặc biệt là thế hệ trẻ sống có ý chí, nghị lực, biết khắc phục mọi trở ngại và vượt lên trên hoàn cảnh; đồng thời, thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo trong hoạt động khoa học cũng như hoạt động thực tiễn của con người, không nên ỷ lại, chây lười, trông chờ hoặc dựa dẫm vào người khác, không cầu an, không ngại khó, không chùn bước trước những trở ngại. Mỗi cá nhân phải có năng lực tự lập, biết vượt qua khó khăn và thách thức, không nên rập khuôn máy móc, giáo điều. Với tư cách một nhân cách, một con người hiện hữu trong cuộc đời này, anh ta cần sống một cuộc sống với dấu ấn - dù nhỏ nhưng độc đáo và hoàn thiện của mình; không bằng lòng hoặc chấp nhận một kiểu sống mờ nhạt, không bản sắc, không sáng tạo, “vô thưởng, vô phạt”, chạy theo mốt thuần túy, có trên đời nhưng không đem lại ý nghĩa cho cuộc đời; đặc biệt, cần phải không ngừng phát huy tư duy năng động, sáng tạo. Vì tương lai của đất nước và của chính bản thân mình, thế hệ trẻ cần có sự tự lập, tự chủ trong học tập và lao động, tự do sáng tạo để vươn lên khẳng định mình, trở thành những nhân cách, những con người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thực tế cho thấy, nhờ tính tự lập, có ý chí vượt lên trên hoàn cảnh mà rất nhiều các bạn trẻ quyết tâm học tập để thay đổi hoàn cảnh của mình. Theo tác giả Hồ Sỹ Quý, khi điều tra khảo sát thái độ của người dân về mối tương

quan giữa nghèo đói và nhu cầu học hành, có tới 97,5% số người được hỏi tán thành quan niệm cho rằng dù có nghèo cũng phải cố gắng cho con được học hành. Thậm chí, có tới 66,6% số người được hỏi đồng ý với ý kiến đánh giá rằng con nhà nghèo thường hiếu học hơn [72, tr.13]. Đương nhiên, nghèo khổ thì rất khó có điều kiện tốt để học hành. Đó là một sự thực. Song, cũng có một sự thực khác không thể phủ nhận, đó là số học sinh con em các gia đình nông dân nghèo ở nông thôn thi đỗ điểm cao vào các trường đại học trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, nguyên nhân chủ yếu là do các em học sinh có ý chí và nghị lực trong học tập để thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy họ vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên trên số phận.

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 115)