Thiện ác và tiêu chuẩn đạo đức

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 80)

Theo đạo đức học hiện sinh, bản chất con người không phải có sẵn; bởi vậy, không có cái tốt, xấu, thiện, ác định sẵn, mà chúng đều là công trình của chính tôi, là sự sáng tạo nhờ tự do của tôi, “chỉ có mình tôi, tôi tự quyết định cái xấu, tôi tự phát minh ra cái tốt‟‟. Trong đạo đức học hiện sinh, “thiện được thể hiện với tư cách các phương diện hiện sinh của tự do và trách nhiệm về tự do, “ác” là sự từ bỏ thiện” [xem: 45, tr.52]. Như vậy, thiện hay ác, theo quan niệm đạo đức học hiện sinh, phụ thuộc vào những nguyên tắc đạo đức do mỗi cá nhân tự tạo ra thông qua hành vi lựa chọn của mình.

Giá trị thiện thể hiện ở hành động phù hợp, đúng với ý chí và những nguyên tắc của cá nhân: Nếu cá nhân nào hành động trái với nguyên tắc của mình, thì hành động đó được coi là ác. Hành động thiện đích thực không phải là những hành động theo các tiêu chuẩn của các giá trị cố hữu đã được định sẵn của những tập tục và công thức đúng với mọi trường hợp. Nghĩa là, theo đạo đức học hiện sinh, không có một thứ thiện, ác chung chung cho mọi tình huống, chính hành vi chọn lựa của chúng ta có phù hợp với nguyên tắc của mình hay không sẽ tạo ra cái tốt hay cái xấu, cái thiện hay cái ác.

Tự do, theo đạo đức học hiện sinh, không bị giới hạn bởi điều kiện và hoàn cảnh sống của con người. Tự do là sự tự lựa chọn sự tồn tại của mình, biểu hiện ở khả năng lựa chọn quan hệ của mình với một tình thế nhất định. Theo quan niệm này, hoàn cảnh khách quan tự nó không hạn chế tự do của chúng ta mà chỉ có chúng ta cảm nhận chúng như là một vật cản, một trở ngại đối với tự do của chúng ta. Tự do được coi là nền tảng căn bản, là giá trị đạo đức cao nhất trong triết học hiện sinh. Một hành động được đánh giá là tốt không phải vì nó tuân theo một chuẩn mực nào, mà tiêu chí để đánh giá hành động đó là nó có phù hợp với sự sáng tạo, cá tính độc đáo của con người hay không.

Theo Sartre, người có tự do là người làm bất cứ điều gì và hành động theo những nguyên tắc của riêng mình. Con người không bị ràng buộc bởi những điều kiện và hoàn cảnh sống, trừ việc phải đối diện với chính bản thân mình để tự đưa ra quyết định lựa chọn theo cách riêng của mình. Tự do của con người không theo khuôn mẫu có sẵn nào; tự do của con người chỉ có thể đạt được trong sự tìm kiếm một thái độ sống ở đời bằng cách không bao giờ chấp nhận bất cứ một giá trị định sẵn nào. Những giá trị cố hữu đã được tập tục và công thức định sẵn cũng như quan niệm thiện, ác là những thứ tuyệt đối đều bị Sartre không chấp nhận. Bởi lẽ, theo ông, thiện, ác gắn liền với một hoàn cảnh đặc biệt, hành động của con người phải hướng về thiện, diệt ác, và trong hoàn cảnh hiện thời, trong tình thế con người đang sống, hành

động đích thực của con người tự do đứng ngoài mọi ý niệm tuyệt đối về thiện, ác.

Lời khuyên của các nhà đạo đức học hiện sinh là không nên chấp nhận các giá trị được định sẵn bởi những người khác; bởi lẽ, chúng ta được tự do, chúng ta cần nhận ra mình là ai, và không thoái thác tự do của mình. Bổn phận duy nhất là đối mặt với tình huống của mình, bất kể tình huống đó như thế nào đi chăng nữa. Con người có đạo đức là con người thành thật với chính mình, con người không có đạo đức là người giả tạo, đánh mất chính mình.

Đối với Jaspers, điều ác là cuộc đời con người sống phóng túng, vật vờ như sinh vật, lúc thất bại, lúc thành công, không bao giờ dám quyết định điều gì, tức là mất tự do. Thiện là sống và tận hưởng hạnh phúc ở đời, nhưng vẫn theo quy luật luân lý. Tóm lại, con người luôn phải lựa chọn và đưa ra quyết định nhưng nhiều lúc con người lại lẩn trốn, không quyết định – chối bỏ tự do. Thay vì quyết định, họ lại buông thả trôi theo dòng chảy cuộc sống. Đây là thái độ do dự, vật vờ, và như vậy cũng là một điều xấu. Con người chỉ thực sự ý thức khi họ biết phân biệt thiện, ác. Họ chỉ có bản lĩnh khi họ hành động, họ biết quyết định đi về đâu. Tất cả chúng ta cần phải luôn luôn chiến thắng do dự.

Có thể nói, những việc làm không theo khuôn mẫu, giá trị định sẵn mà theo nguyên tắc của của mỗi cá nhân theo quan niệm đạo đức học hiện sinh, sẽ mang giá trị thiện; còn khi hành động của con người bị ràng buộc, trói chặt vào những thói quen, những công thức xã hội, những tập tục ngàn đời có sẵn thì con người sẽ mất tự do; mất tự do bởi vì con người hèn nhát, an phận, chịu giam hãm trong nhà tù của những chuẩn mực, khuôn mẫu đúc sẵn, của những quy tắc, tập tục hèn nhát. Điều này có nghĩa là con người an phận theo những chuẩn tắc của xã hội mà quên rằng mình phải sáng tạo, phải độc đáo, phải thể hiện sự tự do của mình qua những hành động được dẫn dắt bằng nguyên tắc của mình để tạo ra chính mình. Những suy nghĩ và việc làm này chính là sự biểu hiện của cái ác.

Đối với Sartre, nhà đạo đức không phải là người dạy luân lý, mà là người bằng những suy luận trầm tư của mình để đi tìm kinh nghiệm, một nghệ thuật sống, một lẽ sống ở đời trước hết là cho chính mình, sau là cho người khác. Đạo đức học của Sartre trước hết nhằm giải phóng con người, một sự giải phóng toàn diện.

Sartre giới hạn con người trong khuôn khổ, trong thân phận làm người của chúng ta, ông đặt con người vào trong các vấn đề thuộc về con người. Một khi đã bị giới hạn trong thân phận làm người của mình, con người bị ràng buộc bởi những quy ước xã hội, thói quen, tập tục ngàn đời có sẵn; con người bị mất tự do là bởi sự hèn nhát và an phận trong các “nhà tù” nói trên. Tự do của con người chỉ có thể có bằng cách không bao giờ chịu chấp nhận bất cứ giá trị nào, hệ tư tưởng nào đã được định sẵn.

Người có đạo đức, theo chủ nghĩa hiện sinh, là người dám nói đến cùng, không giấu diếm bất cứ chi tiết nào, không sợ bất cứ lời dị nghị xã hội nào và dám hành động theo lương tâm của mình. Người có đạo đức, làm điều thiện là người phải giành lấy tự do từ những tập tục truyền thống, những quy ước xã hội và khi đã giành được tự do thì con người không nên giữ nó trong tháp ngà, mà phải dùng tự do để dấn thân vào xã hội, vào cõi đời này, phải dựa vào tự do để thực hiện những hành động có ý nghĩa. Nói tóm lại, con người dám là chính mình sẽ trở thành người có đạo đức theo quan niệm đạo đức học của chủ nghĩa hiện sinh. Đạo đức không phải là vấn đề chọn các giá trị “đúng”, bởi vì ngoại trừ tự do, không có giá trị nào khác tồn tại độc lập với các chọn lựa của chúng ta.

Tiêu chuẩn của đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh nói chung và của Sartre nói riêng không giống với tiêu chuẩn xã hội hàng ngày của chúng ta, do đó lấy luân lý thông thường để phán xét là một điều sai lầm. Chính

hành vi chọn lựa của chúng ta tạo cho nó giá trị, làm cho nó thành tốt. Nhiệm vụ đạo đức của chúng ta là nhìn nhận tự do hoàn toàn của mình và sử dụng nó để tạo ra chính mình. Sartre đã giành lấy tự do của mình và khi đã được tự do, ông không ôm giữ nó trong tháp ngà mà dùng nó để dấn thân vào trong xã hội con người, vào trong cõi đời này.

Dù trong hoàn cảnh tù túng, con người vẫn hoàn toàn tự do vì con người sống là con người hành động và lựa chọn. Khi con người nhận thức rõ tự do của mình thì tất yếu sẽ có hành động đích thực. Tuy nhiên, không phải bất cứ con người nào cũng có những hành động đích thực. Những kẻ mà tinh thần yếu đuối, ý chí bạc nhược sẽ không có được hành động đích thực, vì họ sợ trách nhiệm, không dám gánh vác trách nhiệm trên vai; họ luôn tìm cách ngụy biện để sống theo, tuân theo những công thức định sẵn mà không phải đưa ra quyết định. Như vậy, họ không còn tự do nữa, không còn tồn tại với tư cách đích thực của con người nữa, đó chỉ là sự giả tạo. Con người tự do là con người hành động một cách đích thực. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi Sartre cho rằng mỗi người chúng ta phải tự phát minh ra các chuẩn mực đạo đức cho riêng mình và tự đưa ra quyết định mà không có sự can thiệp của các quy tắc xã hội. Có thể nói, khẳng định tự do, “vận dụng” tự do của mình để dấn thân vào đời sống xã hội, tự đưa ra quyết định, tự lựa chọn và dám chịu trách nhiệm về chính quyết định của mình, dám là chính mình, là những yêu cầu có tính nguyên tắc của đạo đức học hiện sinh.

Trong vở kịch “Ruồi” của Sartre có đoạn văn minh họa: Electre lung lay không đảm nhiệm nổi chính điều mà lòng nàng mong muốn từ 15 năm qua, nàng bùi tai lắng nghe những lời dịu ngọt của thần Jupiter để rồi cuối cùng đoạn tình nghĩa với em. Còn Oreste thì tin chắc ở tính chất đích thực trong hành động của mình, không ngại đương đầu với thần Jupiter; chàng sẽ phải cô độc một mình, sẽ phải chịu sự nguyền rủa của dân chúng thành

Argos, sẽ phải chịu sự quấy rối của bầy ruồi thần. Nhưng chàng đã thắng cuộc, chàng đã đảm nhiệm hành động nọ và dạy cho dân chúng thành Argos con người bản chất tự do là như vậy [xem: 21, tr.75].

Sartre cho rằng, thông thường chúng ta tìm cách che đậy tự do của chúng ta khỏi chính mình. Chúng ta giả vờ rằng chúng ta không tự do, chúng ta bằng cách này hay cách khác đã quyết tâm, và rằng chúng ta không thể không thực hiện điều mà chúng ta làm, hay là đóng vai trò mà chúng ta có. Sự cố ý hoàn thành một vai trò, toàn tâm chịu sự định đoạt bởi vai trò nào đó khiến cho dường như với người đó, không còn sự lựa chọn nào khác - đây chính là một cách phủ định tự do của con người. Như vậy, sự tự lừa dối bản thân, có hành vi không thực về chính mình, sự giả vờ, tính tự phụ, sự ngu dốt ngoan cố và sự trung thành mù quáng với truyền thống, tất cả những điều này, theo đạo đức học hiện sinh, là sai trái, bởi chúng cản trở sự tự do chọn lựa của con người [xem: 101, tr.33].

Đối với đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh, thường thì cái tốt, theo nghĩa là đem lại kết quả tốt, sẽ bắt nguồn từ việc một người nào đó tự thấy mình là một nhân vật nào đó và diễn rất đạt về tính cách, hành động trong vai diễn của mình. Và, gần như bao giờ cũng vậy, cái tốt đó luôn có nhu cầu từ phía công chúng và họ luôn mong muốn điều này xảy ra. Nhưng cái tốt đến từ điều đó sẽ hoàn toàn không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của cá nhân.

Tiêu chuẩn của đạo đức, theo Sartre, là sự phù hợp của ý thức và hành động của con người với nguyên tắc của chính mình, với lương tâm mình theo phương châm: “Hãy là chính mình!”; đồng thời, “hãy làm cho mình khác đi”. Một hành vi được coi là có đạo đức nếu nó phù hợp với nguyên tắc của chính mình, với lương tâm, với lòng mình. Ngược lại, một hành vi bị coi là vô đạo đức nếu nó trái với lương tâm, với nguyên tắc, với lòng mình [xem: 36, tr.185]

Đối với Sartre, không có loại mệnh lệnh đạo đức bắt buộc phải thi hành. Ông phủ nhận quan niệm cho rằng, việc chọn theo các quy tắc phổ quát sẽ đem lại giá trị đạo đức cho một con người. Bởi lẽ, theo ông, đó chỉ là niềm tin mù quáng vào những quy tắc như vậy. Những người quá sa đà vào niềm tin mù quáng – phủ nhận tự do đã xuất hiện như một con người không đáng ngưỡng mộ và kém hấp dẫn, sống trong cuộc đời ảo mộng, diễn vai của một doanh nhân, người bạn tốt, học giả hay bất cứ thứ gì có thể là không có đạo đức [xem: 101, tr.37].

Beauvoir đưa ra đạo đức về sự lo âu, đó là đạo đức được xây dựng trên cơ sở duy trì các quan hệ cá nhân. Chỉ có dựa trên cơ sở duy trì các quan hệ cá nhân thì lo âu của người hiện sinh mới nảy sinh trước nguy cơ con người bị mất đi tự do của mình. Theo Beauvoir, không phải các nguyên lý trừu tượng có sẵn, mà chính hoàn cảnh và quan hệ giữa các cá nhân mới là yếu tố trung tâm để xem xét đưa ra quyết định đạo đức. Để đưa ra quyết định đạo đức phải dựa vào bối cảnh của các tình huống cụ thể chứ không phải dựa vào các nguyên tắc trừu tượng. Theo bà, mỗi người cần phải tạo ra bản chất riêng của mình. Không hoàn toàn gạt bỏ các nguyên tắc, nhưng các nguyên tắc phải xuất phát từ những tình huống cụ thể và không tách rời hoàn cảnh.

Như vậy, sử dụng tự do của mình để dấn thân vào đời sống xã hội, tự đưa ra quyết định, tự lựa chọn và dám chịu trách nhiệm về chính quyết định của mình, dám là chính mình trở thành thước đo tiêu chuẩn đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh.

Sự tự lừa dối bản thân, có hành vi không thực về chính mình, sự giả vờ, tính tự phụ, sự ngu dốt, ngoan cố và sự trung thành mù quáng với truyền thống, tất cả những điều này, theo đạo đức học hiện sinh, là sai trái, bởi chúng cản trở sự tự do chọn lựa. Đây không phải là tiêu chuẩn đạo đức theo quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh. Hệ quả của việc nhóm tất cả các kế hoạch của con người với nhau theo cách này là tập trung sự chú ý chủ yếu vào cá

nhân và sự đánh giá mang tính cá nhân của anh ta về thái độ của bản thân đối với thế giới.

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 80)