Nghĩa cuộc sống

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 108)

Đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ mọi sự ràng buộc của những khuôn mẫu, những tập tục ngàn đời có sẵn, vì con người phải bằng tự do sáng tạo nên chính bản thân mình, tự tạo nên ý nghĩa cuộc sống của mình

thông qua những hành vi lựa chọn. Bằng sự tự do lựa chọn của mình, con người làm nên chính mình. Con người sáng tạo ra bản thân mình không phải từ hư vô, mà từ một chuỗi các chọn lựa. Các chọn lựa này được con người quyết định trên cơ sở đúng với mong muốn, nguyện vọng cũng như lương tâm của chính mình.

Tuy nhiên, cuộc sống thường nhật với bao lo toan đã làm cho chúng ta quên đi chính bản thân mình, làm cho ta sống chưa đúng với chính mình. Vì cái chết, chúng ta phải thực hiện cuộc sống độc đáo, không đánh mất bản sắc của riêng mình. Chính cái chết đã khởi nguồn cho tầm quan trọng và tính bức xúc của tồn tại người, nó sẽ thức tỉnh chúng ta nhận thức về hiện sinh của mình, làm cho chúng ta phải kiên định về các quyết định của mình, phải gác những mưu sinh của cuộc sống thường nhật để trở về với con người, cuộc sống đích thực của mình, trở về với tự do và trách nhiệm của bản thân mình trước tồn tại người của mình. Bởi, nếu cuộc đời là vô hạn thì không có gì đáng nói ở đây, nhưng cuộc sống con người là hữu hạn, con người sẽ phải tiến đến cái chết [xem: 36, tr.166 - 167]. Nhờ ý thức được điều này, con người sẽ bừng tỉnh và thoát ra khỏi sự trói buộc của các giá trị đã được xếp đặt sẵn để sống theo đúng nghĩa người hiện sinh, để làm cho chính cuộc đời mình có giá trị và ý nghĩa hơn.

Theo Jaspers, cái chết có thể là khởi nguồn của nỗi sợ hãi và lo lắng nhưng nó cũng có thể nhấn mạnh sự hối hả của việc sống không có điểm dừng và tự lừa dối mình. Chúng ta có thể thâu tóm những thái độ đạo đức mà Jaspers chỉ ra cho con người khi đối diện với cái chết theo các cách sau: lòng can đảm không tự lừa dối mình; sự thanh thản dù nỗi đau không thể tiêu tan; thấy yên bình khi đối diện với cái chết bằng lòng can đảm; sự phơi bày, sự kiên nhẫn và phẫn nộ [xem: 100, tr. 319 - 320].

Heidegger phê phán quan niệm tuỳ ý, tuỳ tiện thay thế nhân cách này bằng nhân cách khác, đặt một người vào chỗ của bất cứ một người nào khác. Đó là hiện tượng bình quân hoá: Con người không có bản sắc riêng và con người bị gọt tròn trĩnh, không có chút sắc cạnh, không có cái độc đáo của mình. Từ đó, xuất hiện những kẻ bán rẻ lương tâm, nhân phẩm của mình, phải sống trái với lòng mình, sống vô trách nhiệm... Theo Heidegger, con người phải vượt lên trên cuộc sống thường ngày để cảm nhận được “nỗi lo sợ” hiện sinh. Muốn thoát khỏi lĩnh vực đời thường và hướng tới cái đích thực của bản thân mình, con người phải nhìn thẳng vào cái chết. Trong trạng thái này, con người sẽ ý thức được hiện sinh của mình, cảm nhận được nỗi sợ hiện sinh [xem: 36, tr.171].

Theo Heidegger, con người lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng lo âu, bất ổn vì bị ném vào trong một thế giới xa lạ, hiểm nguy, thiếu sự an toàn, vì phải đối mặt với cái chết. Cái chết không chừa bất cứ ai vào bất cứ thời điểm nào. Tôi sẽ có bản tính chân thực của chính mình nếu như, dưới tiếng gọi của lương tâm, tôi quăng mình về phía cái chết, với sự quyết tâm và quyết đoán, như là về phía chính khả năng đặc biệt của tôi. Vào lúc này, tôi tự thể hiện bản thân mình với chính mình trong sự chân thực, và tôi cùng vực những người khác dậy, hướng về tính chân thực với tôi. Con người luôn luôn sống trong tâm trạng kinh hoàng, lo âu, sợ hãi là vì lúc nào cũng phải đối mặt với cái chết, dù cho con người cố tìm đủ mọi cách trốn chạy để xa lánh cái chết. Cái chết có thể đến với con người với bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào. Nhưng chính do cái chết là một khả năng hiện hữu luôn luôn đe dọa con người, nên con người càng thấy trách nhiệm nặng nề, lớn lao của mình trong lúc sống. Và cũng vì sống, tức là đang đi về với cái chết, mà theo cách nói của Heidegger là “đi trước vào trong cái chết”, nên con người càng phải nhận thức rõ cảnh ngộ đó của mình để có những sự lựa chọn đúng đắn và có ý nghĩa cho những hành động ở đời.

Đầu tiên, con người có thể cho rằng, con người không có quyền lựa chọn ngoại trừ việc “ném mình” về phía cái chết, trong bất kỳ trường hợp nào cũng vậy. Điều này muốn nhắc nhở mỗi người trong chúng ta rằng, cuộc đời là riêng của chính chúng ta và chúng ta chỉ sống duy nhất một lần. Cuộc sống của con người luôn là hữu hạn, song cái làm cho chúng ta trở thành con người đó là do chúng ta ý thức được thân phận của mọi người đều phải chết.

Heidegger muốn con người trải nghiệm cái chết không phải như một khả năng khách quan được đoán trước hay một sự thật không thể tránh khỏi. Thay vào đó, ông muốn con người nhận thức về cái chết như một khả năng vì nó khiến con người hiểu rõ về tính hữu hạn của mình, khiến sự lựa chọn của con người trở nên quan trọng hơn. Heidegger chỉ rõ rằng, trong khi những người khác có thể thay thế cho nhiều vai trò xã hội của một người, ví dụ như nhiệm vụ chuyên nghiệp, vai trò trong gia đình, tình bạn bè và vai trò xã hội của một người…, nhưng không ai có thể thay thế họ đối diện với cái chết của chính mình. Bởi lẽ, cái chết của một người có liên quan chặt chẽ đến chính bản thân họ, những người khác không thể thay anh ta đối diện với nó, hay từ chối nó. Khả năng xảy ra cái chết nhắc nhở mọi người phải quyết định cuộc sống của chính mình. Do đó, hướng về cái chết là cá nhân hóa, nó thúc đẩy con người đến với các lựa chọn đích thực của họ.

Theo Sartre, tôi chỉ hiện hữu khi tôi sẽ không hiện hữu nữa, con người luôn phải đối diện với cái chết, cũng như con người từ hư vô trở về hư vô, nên cuộc đời con người như một đường hầm không lối thoát. Vì ý thức được điều đó cũng như nhận ra con người là một tồn tại cô đơn, nên con người lo âu bởi họ phải mang trách nhiệm với bản thân. Cuộc sinh tồn là quá trình làm nên mình nên lo âu là bạn đồng hành của con người. Và, khi lo âu kéo dài không có đường giải thoát thì con người rơi vào tuyệt vọng vì con đường

trước mắt là hư vô. Tuy nhiên, tuyệt vọng không phải là buông xuôi, khuất phục mà con người bắt buộc phải nhập cuộc. Chính vì con người bị sinh ra để đi đến cõi chết và trong cuộc hành trình về với hư vô lại quá trĩu nặng trách nhiệm cũng như sợ hãi nên cuộc đời thật phi lý biết bao. Song, trong cái vòng bắt buộc của phận người, ta có quyền lựa chọn để làm nên ta. Do vậy, cuộc đời là những lựa chọn, những lựa chọn ấy sẽ giúp ta trở thành con người. Chỉ khi hiện sinh, đối mặt với mọi tình huống ta mới biết bản chất của mình. Tóm lại, theo Sartre, tồn tại người là một thảm kịch, là phi lý, là hư vô; con người luôn cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Nhưng con người biết bất chấp cái chết để nhập cuộc tự do làm nên lịch sử của mình bằng những dự phóng. Hiện sinh từ thân phận và hoàn cảnh con người trong thế giới, một thế giới mà trong đó ta bị đẩy vào và chờ đợi ở ta một ý nghĩa.

Beauvoir nhất trí với quan điểm của Sartre, về bản chất, tồn tại người không chỉ là một tồn tại mà trong đó cảm xúc là hoàn toàn vô nghĩa, “hơn hết, đó là yếu tố sớm thất bại trong cuộc phiêu lưu của con người” [97, tr.11]. Tuy nhiên, bà cũng gợi ý rằng, mặc dù là vô lý, nhưng Sartre đã tự mình để mở một khả năng tích cực cho cuộc sống để được sống một cuộc sống “không vô nghĩa” [97, tr.12]. Đối với bà, tự do cũng được ưu tiên hàng đầu vì nó tạo điều kiện cho mọi người tạo lập ý nghĩa riêng của cuộc đời mình. Chẳng hạn, đối với phụ nữ, họ phải được tự do lựa chọn chứ không phải để bố mẹ hoặc người khác lựa chọn thay mình. Mọi người cần phải được trao công cụ cần thiết cho mọi suy nghĩ cá nhân. Giống như mối quan hệ giữa chủ nô và người nô lệ, người nô lệ thường bị chủ nô thuyết phục rằng, chế độ nô lệ là nhằm phục vụ lợi ích của chính họ và họ tin vào điều đó. Còn đối với phụ nữ, họ bị đàn ông ngăn cản, họ bị lệ thuộc, không được tạo ý nghĩa riêng cho mình trong cuộc sống.

Như vậy, ý nghĩa cuộc sống của con người là do mỗi cá nhân tự tạo ra thông qua hành vi tự do lựa chọn. Nhìn chung, các triết gia hiện sinh không nhìn cái chết với ý nghĩa tiêu cực; trái lại, họ coi đó là nguồn gốc của

mọi sự bận rộn, mọi sự cố gắng, nhiệt tình, thiết tha với cuộc sống và đồng thời là những động cơ để thúc đẩy, khích lệ mọi hoạt động, mọi sự dồn bước của con người trong những tháng năm sống trong cuộc đời, động viên con người tự tạo lập cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn, sống có trách nhiệm hơn: “Tôi ăn vì sợ rằng tôi sẽ không còn được ăn, tôi yêu vì sẽ không còn được yêu, tôi đam mê vì biết rằng đam mê sẽ chấm dứt. Tử thần là động cơ duy nhất và sau cùng khiến cho người sống và ham sống” [88, tr.392].

Kết luận chƣơng 3

Đạo đức học hiện sinh là một trong những bộ phận cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh, một học thuyết về con người và đời người. Tuy nhiên, để tách bạch rạch ròi quan niệm đạo đức học hiện sinh là không dễ, bởi nó được thể hiện trong chính sự đan xen giữa nhiều bộ phận khác nhau của triết học hiện sinh.

Thoạt nhìn, người ta có lúc tưởng rằng, các nhà hiện sinh chỉ tuyên truyền thói quen phi đạo đức. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn bề ngoài. Chủ nghĩa hiện sinh không hoàn toàn như vậy. Các nhà hiện sinh chỉ bác bỏ những giá trị đặt sẵn do các thế lực quyền uy gán ghép cho con người. Bởi lẽ, theo họ, đó không phải là kết quả hoạt động của con người và do vậy không thể hợp nhất các giá trị ấy với tự do, sáng tạo như là các thuộc tính của tồn tại người.

Sartre khuyên con người hãy sáng tạo ra những giá trị mới, đừng bằng lòng với những giá trị cũ. Theo ông, trước hết cần đề cao những giá trị thúc đẩy sự tự do của con người phát triển; đồng thời, không nên phủ nhận hoàn toàn những giá trị cũ mà phải lý giải chúng từ góc độ trách nhiệm về tự do. Sartre viết: “Chúng tôi cũng muốn xây dựng một vương quốc của con người với tư cách tổng thể những giá trị khác với vương quốc vật chất” [trích theo: 45, tr.51]. Đạo đức học hiện sinh cũng giải thích những vấn đề về đạo đức học như bản chất con người bắt nguồn từ sự sáng tạo và tự do. Tự do của con người là điều bất khả xâm phạm; tuy nhiên, tự do phải gắn với trách nhiệm. Thiện, ác được xem xét ở khía cạnh hành động, sự lựa chọn của mỗi cá nhân có phù hợp, đúng với ý chí và nguyện vọng của chính họ hay không? Ý nghĩa cuộc sống là do mỗi con người tự tạo lập. Con người phải dám là chính mình thì cuộc đời mình mới có ý nghĩa, sự tồn tại đó mới là tồn tại thực. Cái chết không được nhìn nhận với ý nghĩa tiêu cực mà chính nó được xem như là động lực thúc đẩy con người trở về với cuộc đời của chính mình. Thông qua việc tìm hiểu một số nội dung cơ bản của đạo đức học hiện sinh như đã trình bày ở chương 3, tác giả muốn rút ra một số bài học đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay trong chương 4.

Chƣơng 4

MỘT SỐ BÀI HỌC TỪ ĐẠO ĐỨC HỌC TRONG CHỦ NGHĨA HIỆN SINH ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

4.1. Những bài học về ý nghĩa nhân văn của đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)