Tồn tại thực và tồn tại không thực

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 72)

Heidegger cho rằng, con người không phải là một sinh vật sống trong sự hoàn toàn tách biệt. Tồn tại người là “tồn tại trong thế giới”, gắn liền với “tình huống vật chất” mà con người tồn tại trong đó và với những con người khác trong thế giới. Tồn tại người là “tồn tại cùng với”. Tất cả mọi mối quan tâm và quan điểm của một cá nhân hay thuộc về riêng một tồn tại đều dựa trên nền tảng là các ý nghĩ và quan điểm chung cho tất cả mọi con người là thành viên của một nhóm xã hội. Nhóm người này ở diện rộng được gọi là “người ta”. Sự tồn tại của “người ta” là một phần không thể thiếu trong bất kỳ con người nào, sự phân biệt giữa tồn tại thực và tồn tại không thực được bắt nguồn từ đây.

Tồn tại người với việc chấp nhận vai trò áp đặt của kẻ khác, của tha nhân hoặc chạy theo “con người đại chúng”, đánh mất cái tôi, đánh mất nhân vị của mình chính là tồn tại không thực. Ngược lại, tồn tại người với việc tìm kiếm để công nhận khả năng của mình, của cái tôi với tính cách một cá nhân, độc đáo, duy nhất, chính là tồn tại thực. Cách đạt được điều này là coi cuộc

sống của con người là quá trình tiến dần tới cái chết, đó là sự kiện duy nhất trong đời con người mà, theo Heidegger, tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta, thực sự thấy cô đơn.

Tồn tại không thực, được Heidegger gọi là “cái người ta”, là khi con người tồn tại không thực, nghĩa là con người hòa tan vào tập thể vô danh, không màu sắc, không bản lĩnh, không trách nhiệm, lạnh nhạt, mơ hồ và trừu tượng. “Cái người ta” không nhiệt tình, không cụ thể, không sức sống. Con người sống trong dư luận, bị dư luận nhào nặn, tính chủ thể bị mất đi, cái độc đáo bị tiêu diệt, cái tôi bị cái người ta bao vây, lấn chiếm và biến thành cái người ta. Con người trở thành một hình bóng hư ảo trong cuộc sống. “Con người không có bản sắc riêng, con người bị gọt tròn trĩnh, không có chút sắc cạnh. Do cách nhìn đó, xuất hiện những kẻ sống trái với lòng mình, sống không thực, sống giả dối, sống vô trách nhiệm, những kẻ bán rẻ lương tâm, danh dự, nhân phẩm của mình, nịnh bợ, uốn cong ngòi bút… Cách nhìn bình quân hóa sẽ dẫn tới tình trạng không ai phải chịu trách nhiệm gì về các hành vi và hành động của mình cả” [36, tr.170 - 171].

Còn tồn tại thực, theo Heidegger, là phương thức tồn tại, trong đó con người ý thức được tính lịch sử, tính hữu hạn và tự do của mình, sống trung thành với lòng mình, với lương tâm của mình, nguyên tắc của mình, cái tôi của mình và tương lai của mình có vị thế ưu tiên [xem: 36, tr.171]. Tồn tại thực là tồn tại của cuộc sống chân thực, cuộc sống mà trong đó, chúng ta đều chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những việc mình làm. Chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng khi nói rằng, “đó là điều mà mọi người làm” hay “xã hội yêu cầu điều đó”. Việc tôi quyết định sẽ đưa con của tôi tới công viên, bởi đó là điều tôi thực sự muốn làm, như là một hành động có mục đích và như là sự thực hiện một khả năng duy nhất của chính tôi. Tôi không thực hiện điều đó chỉ vì tôi không thể nghĩ ra điều gì có thể làm với bọn trẻ, hay bởi vì tất cả

mọi người khác đều làm như thế. Điều quan trọng là lựa chọn đó thực sự xuất phát từ tôi, tôi đã đưa ra lựa chọn đó, và tôi hiểu rằng mình tự do.

Sartre cho rằng, trước hết, tất cả mọi con người đều tự do: Đối với thực tế của loài người, tồn tại là tự chọn và tạo ra bản thân mình. Mỗi người không thể chấp nhận tuân theo quan điểm của mọi người. Coi sự mô tả về thế giới phải là sự mô tả về thế giới qua lăng kính của một con người cụ thể, Sartre biện luận rằng, sự nhận thức của chúng ta về thế giới luôn kèm theo một loại nhận thức của chính bản thân chúng ta, và do đó, ý thức thuộc bất kỳ loại nào thực ra là một vấn đề cá nhân. Tôi ý thức về thế giới và về bản thân tôi – hai điều này hợp với nhau sẽ cấu thành thế giới của tôi; bạn ý thức về thế giới của bạn và bản thân bạn – đó là thế giới của bạn. Tồn tại không thực là tồn tại mà trong đó, các quan điểm và các quy định chung áp đặt, trái ngược với nguyên tắc của tôi. Tôi bị đánh mất mình khi buộc phải tuân theo. Các quan điểm và quy định chung này phù hợp với tồn tại không thực và có thể, về mặt nguyên tắc, sẽ làm kiệt quệ khả năng của tôi. Ngược lại, tồn tại thực là tồn tại giữ được cái tôi của mình, bởi vì tôi phải xác định mình và tự bản thân mình hiện hữu. Từ đó, tôi biết rõ mình mong muốn gì và bắt đầu khẳng định bản thân mình. Khi xác định được mình thì tồn tại người trở thành tồn tại thực [xem: 101, tr.19].

Những người khước từ tự do, tự bằng lòng với tình trạng mờ ảo của mình, sống yên phận với những trật tự sẵn có, không sáng suốt, không đủ dũng khí để thay đổi, để phá bỏ rào cản ấy. Những người này bị hòa lẫn vào thế giới khách quan, thế giới đồ vật, họ đánh mất bản sắc của riêng mình và theo Sartre, họ là người sống giả dối, cố tin vào cái mà họ biết là sai lầm, họ sống giả tạo, giả vờ vui vẻ, chuyện trò, giả vờ tranh luận mà sự thật thì tẻ ngắt, khuôn sáo. Cuộc sống ấy là cuộc sống không thực, nó “lầy nhầy”, khó chịu, không phải cái tự nó cũng không phải hiện sinh đích thực.

Có thể nói, con người dám là chính mình mới là tồn tại thực – người có đạo đức; ngược lại, sống hư ảo, đánh mất mình chỉ là tồn tại không thực – là kẻ phi đạo đức theo quan niệm của đạo đức học hiện sinh.

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 72)