Thức tỉnh trách nhiệm cá nhân

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 119)

Một bộ phận người trong xã hội ta hiện nay thường có xu hướng né tránh trách nhiệm cá nhân. Vì vậy, nhiều khi họ chưa thực sự tích cực và năng động dẫn đến hiệu quả công việc không cao, lãng phí thời gian. Thêm vào đó, với tư duy ít sáng tạo, trông chờ, phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, vào người khác nên nhiều người không dám chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng như không dám khẳng định mình. Con người dường như không còn là mình nữa, không dám tự quyết, tự do lựa chọn hành vi của mình. Chẳng hạn, khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm của cán bộ đảng viên, trong Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta đã chỉ rõ: Nguyên tắc ““tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết,

dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân” [20, tr.22 - 23]. Có thể nói, ở nước ta hiện nay, trách nhiệm cá nhân của con người đối với xã hội đang là một trong những vấn đề nổi cộm và rất đáng được quan tâm. Nhiều biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng và xã hội đã, đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong khi quan tâm đến việc thực hiện dân chủ, tức quan tâm bảo đảm quyền tự do của con người, cũng đồng thời chú trọng đến nghĩa vụ của con người với tư cách công dân và đòi hỏi cao ở họ trách nhiệm cá nhân đối với xã hội.

Vậy, chủ nghĩa hiện sinh quan niệm như thế nào về vấn đề trách nhiệm của cá nhân? Theo Sartre, chủ nghĩa hiện sinh khuyến khích con người hành động, bởi số phận của mỗi con người nằm trong tay của chính mình và con người không thể tồn tại bằng cách nào khác hơn là phải hành động. Do đó, con người phải tự quyết định, lựa chọn cho chính bản thân mình một cách sống nhất định; đồng thời, qua đó tự đưa ra bản thiết kế cho cuộc đời của mình và tạo ra chính bản thân mình. Khi đưa ra các quyết định và dấn thân vào cuộc sống xã hội, con người có xu hướng thực thi những dự định và khát vọng của bản thân để xứng đáng với chính mình theo sự lựa chọn của mình, mà không phải phụ thuộc vào bất cứ một áp lực bên ngoài nào. Con người không thể rập khuôn hay tuân theo một cách máy móc những giá trị định sẵn và cũng không thể dựa vào người khác; bởi lẽ, con người được tự do lựa chọn, tự do hành động theo sự lựa chọn của mình và do vậy, con người phải tự chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn cũng như hành động của bản thân mình. Con người không là gì khác ngoài cái mà tự bản thân làm thành chính mình. Con người sẽ là cái mà nó dự định trở thành.

Tự do hoàn toàn thuộc về con người. Nhờ có tự do, con người có khả năng tự chọn lựa các tình huống và đưa ra các quyết định phù hợp. Theo đó,

một khi đã tự quyết định, con người không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho môi trường sống hay cho bất kỳ ai. Họ phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, cho dù các quyết định ấy có đưa đến những kết quả như thế nào đi chăng nữa.

Với quan niệm cho rằng “không trung thực là sự xuyên tạc tình hình thực tế và định hướng chống lại các lý tưởng về tự do. Hèn nhát, không có ý chí vượt lên hoàn cảnh là sự che giấu tự do nhờ dựa vào hoàn cảnh” [Trích theo: 45, tr.52], đạo đức học hiện sinh phê phán những người né tránh trách nhiệm cá nhân của mình bằng cách đổ lỗi do hoàn cảnh khách quan và điều kiện sống, do sự thúc ép của gia đình, nhà trường hay những ảnh hưởng của bạn bè và xã hội.

Theo chúng tôi, quan niệm như trên của chủ nghĩa hiện sinh về trách nhiệm cá nhân có ý nghĩa nhất định đối với việc giáo dục ý thức trách nhiệm cho con người ở nước ta hiện nay. Nếu sự lựa chọn của mỗi cá nhân phù hợp với các giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội, đáp ứng được lợi ích xã hội, thì đạo đức học hiện sinh cũng có vai trò tích cực, vì nó khích lệ con người tự do lựa chọn, tự do sáng tạo những giá trị đạo đức nếu phù hợp với các giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội; trong đó, có các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và phát huy được tính độc lập, tự chủ, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân trong mọi tình huống, tránh được thói vô trách nhiệm, hoặc thói dựa dẫm, trông chờ vào người khác.

Việc giáo dục quần chúng nhân dân nhận thức rõ, đúng đắn trách nhiệm và dám nhận trách nhiệm cá nhân về quyết định, về hành động của mình, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, cho người khác… là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc quan tâm thực hiện quyền tự do dân chủ của con người trong xã hội không thể tách rời việc chú trọng thực hiện trách nhiệm cá nhân của mỗi người. Chỉ có như vậy, con người mới

dám làm, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, nhận thức cũng như hành động thực tiễn của bản thân mình, nhờ đó sẽ phát huy mạnh mẽ tính tích cực của nhân tố chủ quan, nâng cao hiệu quả công việc. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay nhằm xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Như chúng ta biết, sinh viên, thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước. Song, hiện nay, một bộ phận trong số họ không chăm chỉ, cần cù học tập nhằm trang bị cho mình những hành trang cần thiết – cả trí lực lẫn tâm lực – để bước vào đời; trái lại, họ chạy theo lối sống hưởng thụ, “sống gấp”, đua đòi, lười biếng trong việc học tập và tu dưỡng. Nhiều thanh niên lười lao động, sống buông thả, thiếu trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Họ có thể ngồi hàng ngày trên mạng nhưng không phải để học hỏi thông tin bổ ích, mà để chat, chơi game,… Thậm chí, ngay tại các công sở cũng xuất hiện một bộ phận lao động trẻ tỏ ra thiếu tinh thần cống hiến. Thay vì coi thời gian là vàng ngọc, họ lại túm tụm quanh bàn cờ, ngồi quán cà phê nói chuyện vô bổ…. Không ít thanh niên, sinh viên đã nhiễm tư tưởng thực dụng và lối sống gấp; họ quan niệm cuộc đời thật ngắn ngủi nên phải tranh thủ hưởng thụ, không tích cực phấn đấu trong học tập và lao động. Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động; nó không chỉ làm xáo trộn sự bình yên của gia đình, mà còn trở thành mối lo ngại đối với sự phát triển đất nước.

Vì vậy, trong việc giáo dục đạo đức cho con người nói chung và cho thanh niên, sinh viên nói riêng, chúng ta cần giúp đỡ họ nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân của họ đối với chính bản thân mình và xã hội, tránh rơi vào cuộc sống ảo… Theo tinh thần của đạo đức học hiện sinh, thanh niên, sinh viên cần ý thức được rằng, họ chính là những người làm chủ cuộc đời mình,

quyết định cuộc sống tương lai của bản thân mình; rằng, họ không những phải tự chịu trách nhiệm với chính mình, mà quan trọng hơn – còn phải có trách nhiệm đối với những người khác, với mọi người, với xã hội và với tương lai của dân tộc, của đất nước. Tinh thần ấy của đạo đức học hiện sinh, có ý nghĩa tích cực, phù hợp với xã hội Việt Nam đương đại trong quá trình đổi mới và hội nhập.

Một phần của tài liệu Quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh và một số bài học của nó đối với việc giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (Trang 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)