Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả huyđộng vốn của NHTM

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp: Nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (Trang 30)

- Nguồn vốn bổ sung trong quá trình hoạt động: Trong quá trình hoạt động, ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu theo nhiều phương thức khách nhau

1.3.2. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả huyđộng vốn của NHTM

Hiệu quả hoạt động huy động vốn của NHTM được đánh giá bởi các chỉ tiêu cơ bản sau:

1.3.2.1. Qui mô và tốc độ tăng trưởng

NHTM là loại doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, hoạt động của NHTM nhằm mục đích cuối cùng là tìm kiếm lợi nhuận. Do vậy, để tối đa hoá lợi nhuận thì NHTM đòi hỏi phải luôn mở rộng kinh doanh, huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn có hiệu quả. Một NHTM hoạt động hiệu quả không thể là một ngân hàng có qui mô nguồn vốn huy động và sử dụng vốn thấp mà qui mô nguồn vốn phải đủ lớn và tốc độ tăng trưởng nguồn vốn tốt, phù hợp với năng lực quản lý vốn và nhu cầu sử dụng vốn có hiệu quả. Quy mô và tốc độ tăng trưởng vốn là một trong các thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả kinh doanh của ngân hàng cũng như hiệu quả của công tác huy động vốn. Lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào yếu tố qui mô nguồn vốn và sử dụng vốn, chênh lệch giữa lợi tức thu được và chi phí bỏ ra bình quân trên một đồng vốn. Vì vậy, một trong những điều kiện để NHTM hoạt động hiệu quả và phát triển thì nguồn vốn huy động của ngân hàng phải lớn và không ngừng phát triển với tốc độ phù hợp với khả năng quản lý nguồn vốn, nhu cầu sử dụng vốn và thực trạng nguồn vốn của ngân hàng.

1.3.2.2. Cơ cấu vốn huy động

Nguồn vốn huy động của NHTM lớn và tốc độ tăng trưởng cao chưa đủ để đánh giá hiệu quả của hoạt động huy động vốn. Danh mục đầu tư của NHTM khá đa dạng mà mỗi loại đầu tư lại có những đặc điểm riêng, trong đó, kì hạn đầu tư hay loại tiền là những đặc điểm quan trọng nhất gắn chặt với cơ cấu nguồn vốn.

Nguồn vốn của NHTM có xuất xứ từ nhiều nguồn gốc với các kì hạn khác nhau như vốn huy động từ nghiệp vụ nhận tiền gửi, vốn đi vay…Nguồn

vốn có nhiều xuất xứ và các kì hạn khác nhau là cơ sở về tính đa dạng của nguồn vốn. Song nhìn chung tính tự chủ của NHTM đối với mỗi nguồn vốn lại có quan hệ tỷ lệ thuận với chi phí trả lãi để có được quyền sử dụng vốn đó. Để có lợi nhuận cao, NHTM luôn mong muốn dùng nguồn vốn có chi phí thấp để đầu tư hay cho vay đối với các lĩnh vực có lợi tức cao; như dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, NHTM không thể vì mục tiêu lợi nhuận mà làm như vậy, bởi điều đó sẽ đưa ngân hàng vào rủi ro khi thanh toán cho khách hàng. Những nguồn vốn với chi phí thấp ngân hàng thường ít được chủ động bởi tính lỏng của nó đối với khách hàng lớn; khách hàng chủ động trong việc rút tiền. Trong khi đó, những khoản đầu tư hay cho vay có lợi tức cao của NHTM thường là những tài sản có tính lỏng thấp – NHTM sẽ khó khăn trong việc chuyển những tài sản đó thành tiền mặt. Hơn nữa, khi cấu trúc kì hạn của nguồn vốn không phù hợp với cấu trúc kì hạn của danh mục đầu tư hay cho vay, ngân hàng cũng có thể gặp rủi ro khi thay đổi lãi suất. Chẳng hạn khi NHTM dùng nguồn ngắn hạn là tài sản nợ nhạy cảm với lãi suất để cho vay trung và dài hạn là những tài sản ít nhạy cảm với lãi suất. Khi lãi suất tăng làm chi phí huy động vốn của tài sản nợ nhạy cảm với lãi suất tăng, trong khi đó lợi tức thu được từ những tài sản Có ít nhạy cảm với lãi suất không thay đổi đáng kể làm lợi nhuận của ngân hàng giảm, thậm chí có thể bị thua lỗ do chi phí huy động vốn lớn hơn lợi tức thu được từ cho vay hay đầu tư. Chính vì những lí do đó mà NHTM luôn phải duy trì một cơ cấu vốn phù hợp với danh mục đầu tư hay cho vay của mình về kì hạn. NHTM chỉ được sử dụng một tỷ lệ nhất định nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, để hạn chế rủi ro thanh toán có thể gặp phải. Nguồn vốn của NHTM cũng cần được đa dạng để tránh rủi ro thanh khoản.

Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động của một ngân hàng phải đảm bảo tính ổn định. Một ngân hàng có thể huy động vốn với nhiều hình thức khác nhau

nhưng nguồn huy động ổn định nhất vẫn là nguồn huy động từ dân cư. Vì vậy, một NHTM được coi là có nguồn vốn ổn định khi nguồn vốn từ dân cư chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, nguồn tiền gửi giao dịch của các tổ chức kinh tế cũng có những lợi thế nhất định. Đó là chi phí huy động rẻ, nên nếu ngân hàng có thể tính toán hợp lý chu kì thu chi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì ngân hàng sẽ chủ động hơn trong tính ổn định của nguồn vốn này. 1.3.2.3. Chi phí huy động vốn

Chi phí huy động vốn bao gồm chi phí trả lãi, chi phí quản lí vốn và các chi phí khác có liên quan, trong đó chi phí trả lãi là thành phần quan trọng nhất.

Chi phí huy động vốn là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá tính hiệu quả của hoạt động huy động vốn. NHTM là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ nên hoạt động huy động vốn được coi như hoạt động mua sắm các yếu tố đầu vào, và giảm chi phí huy động vốn là một trong những mục tiêu nhà quản lí ngân hàng đặt ra. Nếu chi phí huy động vốn thấp sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng có khả năng tăng được lợi nhuận hay mở rộng qui mô đầu tư, cho vay. Tuy nhiên, chi phí huy động vốn còn phụ thuộc vào lãi suất trong từng thời kì, nên khi đánh giá hiệu quả huy động vốn của NHTM về mặt chi phí huy động chúng ta không so sánh chi phí huy động vốn giữa các thời kì mà chúng ta chúng ta nên đánh giá qua các chỉ tiêu sau:

- Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân.

Chỉ tiêu này cho biết nếu mức chênh lệch lãi suất cao hơn so với thị trường thì nguồn vốn huy động có hiệu quả cao và ngược lại.

- Lãi suất huy động vốn bình quân = Chi phí huy động vốn/Tổng vốn huy động

Nếu lãi suất huy động vốn bình quân của ngân hàng càng nhỏ so với thị trường thì nguồn vốn huy động càng có hiệu quả cao và ngược lại nếu cao

hơn so với thị trường thì hiệu quả huy động là không cao. Vì vậy, như ở trên đã nói chi phí trả lãi là thành phần quan trọng nhất của chi phí huy động vốn nên hoạt động huy động vốn chỉ đạt được hiệu quả về chi phí khi lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động bình quân trên thị trường.

Như vậy, để hoạt động huy động vốn đạt hiệu quả thì qui mô huy động vốn phải lớn và tăng trưởng đều đặn qua các năm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn có hiệu quả, qui mô và cơ cấu huy động phải phù hợp với qui mô sử dụng vốn, chi phí huy động vốn thấp.

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp: Nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (Trang 30)

w