II. Phân theo đố
2.3.1. Tình hình phát triển của dịch vụ Mobile Banking tại Việt Nam hiện nay
Ra đời năm 2010, sau Internet Banking khoảng 6 năm, Mobile Banking đang được 32 ngân hàng triển khai với nhiều tiện ích mới, đơn giản và thuận tiện cho khách hàng giao dịch. Theo số liệu của Công ty Dịch vụ Thẻ Smartlink, toàn thị trường hiện có hơn 3 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking với 14-15 triệu giao dịch được thực hiện hàng tháng, tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.
(Nguồn: Lệ Chi (16/09/2014), “Ngân hàng chạy đua Mobile Banking”,
http://kinhdoanh.vnexpress.net).
Sự phổ biến của ĐTDĐ cùng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ viễn thông trong những năm gần đây cho thấy việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng qua Mobile Banking là một hướng đi mới để các NHTM phát triển chiến lược dài hạn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 148,5 triệu thuê bao điện thoại trong đó thuê bao di động chiếm tới 93.3%, tương đương 138,5 triệu thuê bao. Số thuê bao 3G là hơn 20 triệu thuê bao và Việt Nam hiện nằm trong top 10 các quốc gia trên toàn cầu tiêu thụ smartphone và đúng thứ ba vùng Nam Á về tỷ lệ người mới sắm smartphone. Các số liệu về tăng trưởng thuê bao 3G và smartphone cho thấy xu hướng phát triển các dịch vụ trên thiết bị di động là rất rõ ràng trong đó có dịch vụ Mobile Banking. (Nguồn: NT (26/11/2014), “Ông Trương Gia Bình: Tương lai ngân hàng ở trên điện thoại di động”, http://m.ictnews.vn).
Thế nhưng, dịch vụ Mobile Banking đang cung cấp trên thị trường Việt Nam thường được coi là phiên bản thu nhỏ của Internet Banking. Các tính năng của dịch vụ Mobile Banking thường hết sức đơn giản và hầu như chỉ có các dịch vụ cơ bản nhất như chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, truy vấn số dư. Tuy nhiên, dù phát triển sau nhưng Mobile Banking lại có tốc độ tăng trưởng rất đáng ghi nhận.
Cũng theo trang web chuyên về công nghệ thông tin của Báo điện tử Infonet (m.ictnews.vn), tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ sau khi đăng ký trên Mobile Banking cao hơn trên Internet banking. Tỷ lệ khách hàng có giao dịch của dịch vụ Mobile Banking trên 50%, cao gần gấp 2 lần Internet Banking. Giá trị giao dịch và số lượng giao dịch tính trong 6 tháng đầu năm 2014 thực hiện qua Internet Banking đạt 24 triệu giao dịch, tương ứng giá trị 311.000 tỷ đồng và Mobile Banking đạt 7 triệu giao dịch, tương ứng 50.000 tỷ đồng. Với 20% dân số Việt Nam hiện đang sử dụng smartphone, Mobile Banking sẽ trở thành kênh giao dịch ngân hàng điện tử tất yếu trong thời gian tới.
Trước xu hướng Mobile Banking sẽ lên ngôi, nhiều NHTM đã đầu tư phát triển mảng dịch vụ này để có thể mang đến những tiện ích mới nhất và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cho khách hàng.
Có thể kể đến Ngân hàng OceanBank - một trong những ngân hàng đi tiên phong về Mobile Banking dạng ứng dụng (application). Dịch vụ của OceanBank cung cấp nhiều ứng dụng tương thích với các loại điện thoại và thiết bị di động phổ biến hiện nay, giúp khách hàng thuận tiện và dễ dàng cài đặt khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Trước đây, dịch vụ này của OceanBank cung cấp các tiện ích như chuyển khoản trong ngoài hệ thống bằng tài khoản; mở tiết kiệm trực tuyến; nạp tiền điện thoại, thanh toán các loại hóa đơn dịch vụ, truy vấn thông tin, mua hàng trực tuyến… Hiện ngân hàng đã triển khai thêm các tiện ích mới như có thể chuyển khoản nội mạng thông qua số điện thoại hoặc qua số thẻ, chuyển khoản siêu nhanh liên ngân hàng qua số thẻ, số tài khoản và tiền đến ngay lập tức sau khi thực hiện lệnh, đăng ký sử dụng dịch vụ đơn giản chỉ qua tin nhắn điện thoại. Với những tiện ích trên, ông Anthony Berger, cố vấn sáng tạo của OceanBank cho biết, số người sử dụng dịch vụ của ngân hàng tăng trưởng 120% qua từng năm và dự kiến đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng đó lên 200 - 300% mỗi năm. (Nguồn: Theo VnExpress (17/09/2014), “Mobile Banking mang về khoản lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng”, http://kinhdoanhnet.vn).
Hay với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhằm cung ứng dịch vụ Mobile Banking tới các phân đoạn khách hàng khác nhau nên ngân hàng hiện đang triển khai dịch vụ Mobile Banking theo hai mô hình: mô hình Ngân hàng làm chủ đạo – Dịch vụ VCB-Mobile B@nking (triển khai từ tháng 12/2012) và mô hình hợp tác giữa ngân hàng và nhà mạng viễn thông – Mobile BankPlus (triển khai từ tháng 01/2012, hợp tác với nhà mạng Viettel). Dịch vụ này của Vietcombank đã thu hút được đông đảo khách hàng sử dụng. Điều này được thể hiện qua số liệu ghi nhận về tăng trưởng khách hàng mới và tăng trưởng giá trị giao dịch của năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 tương ứng là 150% và 300%. Việc mở rộng cung cấp dịch vụ qua các kênh giao dịch ngân hàng điện tử đã chuyển dịch đáng kể một số lượng lớn các giao dịch cung ứng tại quầy sang kênh giao dịch ngân hàng điện tử, giảm thiểu chi phí cho cả ngân hàng và khách hàng.
Trong quý 4/2014, Vietcombank sẽ chính thức cho ra mắt kênh Mobile Wap và phiên bản thứ hai của ứng dụng VCB – Mobile B@nking và hứa hẹn sẽ mang đến cho khách hàng các tính năng nổi trội hơn các dịch vụ đã triển khai từ trước đến nay với giao diện hoàn toàn mới và tăng cường khả năng tương tác giữa người dùng và ngân hàng. (Nguồn: PV (09/10/2014), “Vietcombank chuẩn bị ra mắt dịch vụ Mobile Wap cùng phiên bản thứ 2 của ứng dụng VCB-MobileB@nking”, http://dantri.com.vn).
Gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Bản Việt với ứng dụng VietCapital Mobile Banking, cung cấp các giao dịch tài chính cơ bản như kiểm tra số dư; thanh toán hóa đơn điện, nước, mạng Internet; nạp tiền điện thoại; mở tài khoản tiền gửi online; chuyển khoản trong hệ thống, chuyển khoản ngoài hệ thống … Với ứng dụng này, khách hàng được miễn phí hoàn toàn khi chuyển khoản trong cùng hệ thống và mức phí cho các giao dịch chuyển khoản khác đang khá ưu đãi, tối thiểu chỉ 5000 đồng/lần.
(Nguồn: Phương Thảo (09/09/2014), “Mobile Banking và hướng đi mới của các ngân hàng”, http://cafef.vn).
Mới đây, lễ trao giải Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam – MyEbank 2014 do báo điện tử VnExpress tổ chức với sự bảo trợ của NHNN Việt Nam và Công ty cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/11/2014. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một giải thưởng uy tín, tôn vinh các ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Trên cơ sở xem xét tổng hòa các tiêu chí đặt ra như tính năng của dịch vụ, hệ thống bảo mật thông tin, chăm sóc khách hàng, tăng trưởng dịch vụ và chất lương dịch vụ, Ban tổ chức và Hội đồng Chuyên môn đã thống nhất bình chọn và vinh danh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) là ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam năm 2014.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã nhận 3 giải thưởng thứ hạng cao nhất của cuộc thi: Giải Top 5 Mobile Banking, Top 5 Internet Banking, đặc biệt tại kết quả chung cuộc, vượt qua rất nhiều ngân hàng lớn, TPBank đã xuất sắc đạt vị trí số 2 trong số 29 ngân hàng tham gia giải Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam và trở thành ngân hàng có số điểm cao nhất, giữ vị trí số 1 về Mobile Banking.
(Nguồn: Thông cáo báo chí “Vinh danh Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam My Ebank 2014”, (2014), http://myebank.vnexpress.net).
Sở dĩ, TPBank lại giành được ví trí quán quân, vì thoát khỏi format cũ kỹ mà hầu hết các phiên bản Mobile Banking tại Việt Nam đang áp dụng, dịch vụ Mobile Banking của TPBank hoàn toàn “lột xác” với cách tiếp cận khách hàng theo phong cách quốc tế hiện đại, mang lại trải nghiệm mới mẻ nhưng vẫn thân thuộc như cách mà khách hàng lướt mạng hàng ngày. Ngân hàng đã tạo ấn tượng mạnh cho hội đồng giám khảo khi tập trung nguồn lực để ứng dụng HTML5 - thứ ngôn ngữ siêu văn bản giúp đồng bộ hóa các chức năng trên Internet Banking vào Mobile Banking trên cả bản Wap và Application, giúp mang lại nhiều dịch vụ và sự thuận tiện cho khách hang. TPBank còn tiên phong đi đầu cung cấp thêm nhiều tính năng tiện ích cao hơn như: tiết kiệm online, hỗ trợ webchat trực tuyến, hộp thư thoại để khách hàng được tương tác trực tiếp với ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.