Nhân lực KH&CN trong một số ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các giải pháp đổi mới chính sách đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa (Trang 53)

- Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống

Công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống là ngành có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh (năm 2010 GTSX ngành công nhiệp thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 12% tổng GTSX ngành công nghiệp). Các doanh nghiệp chủ lực trong ngành này của tỉnh là các nhà máy bia, nhà máy đường. Tổng số lao động làm việc trong ngành này cuối năm 2010 là 2.516 người, trong đó: nữ là 739 người chiếm 29,4%; nam là 1.777 người chiếm 70,6%. Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật 586 người có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 23,3%; 20 người có trình độ cao đẳng nghề chiếm 0,8%; 321 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm 12,8%; 1.451 người có trình độ trung cấp và sơ cấp nghề, chiếm 57,6%; 138 người chưa qua đào tạo chiếm 5,5%.

- Ngành xi măng

Xi măng là ngành công nghiệp sản xuất phát triển khá sớm ở Thanh Hoá; nhà máy xi măng Bỉm Sơn được xây dựng vào những năm 80 và khi đó là một trong những nhà máy có công suất lớn nhất và hiện đại nhất của cả

nước. Đến nay, toàn tỉnh có 03 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất là 9 triệu tấn/năm. Tổng số lao động trong ngành là 3.074 người, trong đó nữ là 527 người chiếm 17,1%. Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật 753 người có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 24,5%; 37 người có trình độ cao đẳng nghề, chiếm 1,2%; 216 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm 7%; 1.625 người có trình độ trung cấp nghề và sơ cấp nghề chiếm 52,8%; chưa qua đào tạo là 443 người chiếm 14,4%.

- Ngành tài chính, ngân hàng

Ngành Tài chính – Ngân hàng có đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao nhất trong các ngành kinh tế; số lượng lao động liên tục tăng cao qua các năm. Tổng số lao động trong toàn ngành khoảng 21.750 người, tăng gần gấp 1,3 lần so với năm 2006. Số lao động có trình độ đại học, trên đại học là 12.727 người, chiếm 62,7%; tăng 28,1%; trình độ cao đẳng giảm 4,7%; trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 31%, giảm 18,9% so với năm 2006.

Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của lực lượng lao động trong ngành Tài chính – Ngân hàng còn chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị ngân hàng, tư vấn, phân tích tín dụng; quản lý rủi ro; marketing và tiếp cận các dịch vụ tài chính mới.

- Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

KKT Nghi Sơn và các KCN thời gian qua có nhiều đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng số lao động trong KKT và các KCN là 24.375 người. Lực lượng lao động tương đối trẻ và có sức khỏe tốt; số lao động trong độ tuổi từ 18 – 45 chiếm 85%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 955 người chiếm 3,9%; trung cấp chuyên nghiệp là 1.731 người chiếm 7%; cao đẳng nghề là 1.584 người chiếm 6,5%; trung cấp nghề là 2535 người chiếm 10,4%; sơ cấp nghề là 9.823 người chiếm 40,2%; chưa qua đào tạo là 7.747 người chiếm 32%.

Lao động trong KKT Nghi Sơn và các KCN chủ yếu thuộc các ngành dệt may, da giầy, sản xuất vật liệu xây dựng; các ngành nghề có hàm lượng

KH&CN cao còn thấp. Do đó, năng suất và thu nhập của người lao động chưa cao; thu nhập bình quân của lao động trong KKT Nghi Sơn và các KCN khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Nhân lực KH&CN của tỉnh tuy đông về số lượng, đa dạng về ngành nghề đào tạo, có đầy đủ cấp bậc trình độ, nhưng cũng còn nhiều hạn chế và bất cập đó là: chủ yếu làm việc ở các ngành dịch vụ như: giáo dục, y tế và tài chính, ngân hàng nhưng chưa có Giáo sư, Phó giáo sư và bác sĩ chuyên khoa đầu ngành; năng lực đội ngũ cán bộ KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh, thiếu cán bộ đầu đàn có trình độ cao về KH&CN, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở các ngành sản xuất công nghiệp cơ khí, xây dựng, điện tử, tin học, công nghệ chế biến, thương mại quốc tế. Việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Phân bố đội ngũ nhân lực KH&CN còn bất cập, chủ yếu tập trung ở đô thị; địa bàn nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; phân bố không đồng đều ở các ngành kinh tế... Đây là một trong những thách thức lớn của tỉnh trong thời gian tới, nhất là khi các dự án lớn như lọc hoá dầu, nhiệt điện, sản xuất thép... ở khu kinh tế Nghi Sơn hoàn thành và đi vào sản xuất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các giải pháp đổi mới chính sách đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa (Trang 53)