Những quy định pháp luật liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Mỹ

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 80)

cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Mỹ

Ở Mỹ, «lập luận hợp lý» (Rule of Reason) là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật cạnh tranh trong việc xác định một hành vi hạn chế cạnh tranh có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không. Theo đó,

một hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ bị cấm khi hành vi đó hạn chế thương mại một cách bất hợp lý trong một bối cảnh kinh tế cụ thể [14], [33], [34]. Chính vì vậy, khi xác định một hành vi hạn chế cạnh tranh có bị cấm hay không cần phải xem xét trên cả hai khía cạnh tác động của hành vi: (i) tác động khuyến khích cạnh tranh và (ii) tác động ngăn cản cạnh tranh. Hai khía cạnh này phải được phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng nhằm xác định bản chất của hành vi hạn chế cạnh tranh đó có tác dụng khuyến khích cạnh tranh hay thực sự ngăn cản cạnh tranh. Trường hợp mức độ khuyến khích cạnh tranh lớn hơn mức độ ngăn cản cạnh tranh, hành vi hạn chế cạnh tranh đó sẽ được phép hoặc cho hưởng miễn trừ.

Để hiện thực hóa quan điểm này, Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra hai dấu hiệu để xác định một hành vi hạn chế cạnh tranh đương nhiên vi phạm pháp luật cạnh tranh, đó là: (i) hành vi hạn chế cạnh tranh đó có các ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh, và (ii) hành vi hạn chế cạnh tranh đó không có các tác dụng thúc đẩy cạnh tranh để bù lại, tức không có sự biện minh hợp lý về tính hiệu quả của hành vi, khi rơi vào trường hợp này, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đang xem xét mặc nhiên bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh [27].

Quan điểm về điều tiết hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại được thể hiện rõ nét trong án lệ Sylvania [18]. Ở án lệ này, Tòa án tối cao Mỹ đã xem xét một thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại cấm bên nhận quyền bán sản phẩm của bên nhượng quyền ngoài khu vực đã thống nhất trước có phải là một hạn chế thương mại bất hợp lý vi phạm pháp luật cạnh tranh (Điều 1 Đạo luật Sherman) hay không. Tòa án này cho rằng, những hạn chế cạnh tranh như vậy làm giảm cạnh tranh đối với một thương hiệu nhất định của một loại sản phẩm trong nội bộ một hệ thống nhượng quyền nhất định (giữa bên nhượng quyền với các bên nhận quyền và giữa các bên nhận quyền với

nhau), nhưng trên thực tế có thể thúc đẩy cạnh tranh giữa các thương hiệu khác nhau của cùng một loại sản phẩm giữa các hệ thống nhượng quyền khác nhau (cạnh tranh giữa hệ thống nhượng quyền thương hiệu Sylvania và các đối thủ của hệ thống).

Dựa trên quan điểm cho rằng, với bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại là việc chuyển giao toàn bộ phương thức kinh doanh gắn liền với nhãn hiệu và bí quyết kỹ thuật của bên nhượng quyền, hoạt động nhượng quyền thương mại có thể khiến cho bên nhượng quyền đứng trước rủi ro có khả năng bị mất uy tín thương hiệu nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với bên nhận quyền. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cũng như nhằm tăng mức độ thành công của phương thức kinh doanh nhượng quyền, bên nhượng quyền thường buộc bên nhận quyền phải chấp nhận những hạn chế cạnh tranh nhất định như giới hạn về địa điểm kinh doanh, hạn chế về giá, buộc bên nhận quyền phải mua các nguyên vật liệu đầu vào từ bên nhượng quyền hay bên thứ ba được chỉ định… Bên cạnh đó, để cân bằng lại vị thế của mình và như một sự bù đắp với những ràng buộc của bên nhượng quyền, bên nhận quyền thường yêu cầu bên nhượng quyền phải chuyển giao quyền thương mại độc quyền cho mình trong một khu vực địa lý nhất định. Xem xét ở khía cạnh thực tế, nếu không thực hiện những hành vi hạn chế cạnh tranh này, hoạt động nhượng quyền thương mại khó mà tồn tại và phát triển. Nhìn nhận một cách rộng hơn, việc ghi nhận những hành vi hạn chế cạnh tranh này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển, và do vậy, cạnh tranh giữa các hệ thống nhượng quyền cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, có thể nói, mặc dù bị hạn chế cạnh tranh trong nội bộ hệ thống nhưng xét về mặt tổng thể, nếu giá trị khuyến khích cạnh tranh lớn hơn ảnh hưởng hạn chế cạnh tranh giữa các bên trong cùng hệ thống nhượng quyền thì pháp luật cạnh tranh Mỹ vẫn cho phép hoặc cho hưởng miễn trừ [23], [29].

Thông qua một loạt các Án lệ như: Sylvania [18], Siegel [32], Kentuckey Fried Chicken [25], Subsolutions [35], Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra quan điểm trong việc điều tiết hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền như giới hạn về khu vực địa lý, nghĩa vụ không cạnh tranh hay quyền độc quyền kinh doanh trong phạm vi địa lý nhất định của bên nhận quyền phải được thực hiện theo nguyên tắc lập luận hợp lý, có tính đến bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại và tác động của hành vi hạn chế cạnh tranh đối với môi trường thương mại [34].

Như vậy, có thể kết luận, pháp luật Mỹ và Liên minh Châu Âu đều có những sự tương đồng trong điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Thể hiện cụ thể ở các điểm sau:

Một là, bên cạnh những quy định mang tính nguyên tắc ở luật thực định, án lệ là một nguồn luật quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại.

Hai là, cả hai hệ thống pháp luật này đều xây dựng quan điểm điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại trên cơ sở «nguyên tắc lập luận hợp lý», có tính đến bản chất đặc thù của hoạt động nhượng quyền thương mại.

Ba là, cả hai hệ thống pháp luật đều ghi nhận những ngoại lệ hợp lý trong việc áp dụng pháp luật cạnh tranh để điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 80)