Có thể nói, hành vi áp đặt giá bán gây thiệt hại cho bên nhận quyền là hành vi có tác động ngay lập tức và trực tiếp xâm phạm đến quyền lợi
của bên nhận quyền, đặc biệt là trong hình thức nhượng quyền phân phối sản phẩm khi mà bên nhận quyền mua hàng hóa từ bên nhượng quyền để bán lại dưới cách thức kinh doanh của bên nhượng quyền. Trong trường hợp này, bên nhận quyền hầu như không có sự lựa chọn nhà phân phối nào khác ngoài bên nhượng quyền. Đối với các hình thức nhượng quyền thương mại khác như nhượng quyền sản xuất, hành vi áp đặt giá bán cũng có thể gây thiệt hại cho bên nhận quyền, đặc biệt nếu kết hợp với các «ràng buộc bán kèm», theo đó, bên nhượng quyền yêu cầu bên nhận quyền phải mua hàng hóa hoặc dịch vụ do chính bên nhượng quyền cung cấp. Chính vì vậy, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền gần như giữ vị thế «độc quyền» trong quan hệ với bên nhận quyền, do vậy, khả năng áp đặt giá bán hàng hóa cao hơn một cách bất hợp lý của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền là rất lớn. Để hạn chế hành vi này một cách hiệu quả, pháp luật cạnh tranh cần quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với bên nhượng quyền trong việc thực hiện hành vi này so với quy định hiện nay tại Luật Cạnh tranh 2004. Cụ thể, pháp luật cạnh tranh cần phải bổ sung thêm ngoại lệ theo hướng, cấm hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ của bên nhượng quyền gây thiệt hại cho bên nhận quyền nếu chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu quy định hiện nay tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP mà không phụ thuộc vào thị phần của bên nhượng quyền có đạt đến 30% trên thị trường liên quan hay không. Nghĩa là, trong trường hợp này, điều kiện về thị phần của bên nhượng quyền nên được loại bỏ khi xác định hành vi áp đặt giá bán gây thiệt hại cho bên nhận quyền.