Dưới góc độ kinh tế, nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh, theo đó bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của mình trong một thời gian, dưới nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh, kế hoạch kinh doanh của bên nhượng quyền. Bên nhận quyền là bên sử dụng toàn bộ các yếu tố được bên nhượng quyền chuyển giao để tiến hành kinh doanh sản phẩm, dịch vụ theo phương thức của bên nhượng quyền. Trong hoạt động này, bên nhượng quyền và bên nhận quyền vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong suốt quá trình có hiệu lực của hợp đồng. Việc hợp tác trong hệ thống được thiết lập nhằm mục đích hướng người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền như là một phần của hệ thống mà không giống như người bán lẻ độc lập. Bằng cách này, bên nhượng quyền có thể mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm, sự phát triển thương hiệu của mình thông qua chủ thể đầu tư khác. Về phía bên nhận quyền, thông qua việc kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại sẽ hạn chế được rủi ro bởi có sự trợ giúp kỹ thuật và trợ giúp về cách thức quản lý của bên nhượng quyền.
Ở Việt Nam, những nền tảng ban đầu của hoạt động nhượng quyền thương mại được ghi nhận lần đầu tiên năm 1999 tại Thông tư 1254/1999/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn Nghị
định 45/1998/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ. Tại Mục 4.1.1(a) đoạn 5 của Thông tư này đã đề cập đến cụm từ “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh” với giải thích tiếng Anh là “franchise”. Hàm ý của cụm từ này theo Thông tư này là việc chuyển giao độc quyền khai thác quyền sở hữu trí tuệ, theo đó, loại hợp đồng này được hiểu là hợp đồng với nội dung cấp li xăng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá kèm theo các bí quyết sản xuất, kinh doanh được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt nam có giá trị thanh toán cho một hợp đồng trên 30.000 USD (Mục 4.1.1(a), đoạn 5 Thông tư 1254/1999/TT-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành về việc hướng dẫn Nghị định số 45/1998/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ). Thông tư này không coi “nhượng quyền thương mại” là một hoạt động kinh doanh và cũng không đưa ra một khái niệm rõ ràng cụ thể về hoạt động nhượng quyền thương mại. Tiếp đó, năm 2005, Chính phủ đã thay thế Nghị định số 45/1998/NĐ-CP bằng việc ban hành Nghị định 11/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ và Thông tư số 30/2005/TT-BKHCN hướng dẫn một số điều của Nghị định 11/2005/NĐ- CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ đã quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ, theo đó, hoạt động cấp phép đặc quyền kinh doanh chỉ được coi là một hoạt động chuyển giao công nghệ. Điều này cho thấy hoạt động nhượng quyền thương mại đã có ở Việt Nam trên thực tế, nhưng hoạt động này được tiếp cận dưới góc độ của chuyển giao công nghệ, chưa phản ánh được bản chất thực sự của hoạt động thương mại đặc thù này. Cho đến năm 2005, hoạt động nhượng quyền thương mại mới được pháp luật Việt Nam ghi nhận như là một hoạt động thương mại độc lập trong Luật Thương mại năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 từ Điều 284 đến Điều 291. Điều 284, Luật Thương mại 2005 đã quy định: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán
hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Một hoạt động thương mại được coi là nhượng quyền thương mại nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
(2) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Như vậy, với cách định nghĩa này, nhượng quyền thương mại không phải là hoạt động chuyển giao công nghệ đơn thuần như trước đây. Đây là phương thức nhân rộng mô hình kinh doanh của một chủ thể kinh doanh đã thành công trước đó, bằng việc chuyển giao quyền được kinh doanh theo chính mô hình, cách thức, các dấu hiệu nhận biết thương nhân (nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo) cho một thương nhân khác. Hoạt động này có một số điểm tương đồng với một số hoạt động thương mại khác như đại lý thương mại, li xăng, chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, chúng ta có thể phân biệt được hoạt động nhượng quyền thương mại dưới các đặc trưng sau đây:
Một là, trong mối quan hệ với đại lý thương mại, mặc dù có một số nét tương đồng (như cả hai đều là phương thức phân phối hàng hóa/dịch vụ, các bên trong quan hệ hợp đồng đều là các chủ thể độc lập nhau; bên giao/nhượng (bên giao đại lý/bên nhượng quyền) thường yêu cầu bên nhận (bên đại lý/bên nhận quyền) không được bày bán hoặc thực hiện những hành vi cạnh tranh với sản phẩm được phân phối theo hợp đồng. Tuy nhiên, giữa hai phương thức có sự khác biệt đáng kể về mặt bản chất, thể hiện ở các khía cạnh sau đây: (i) trong quan hệ đại lý, không có sự kiểm soát chặt chẽ cũng như sự trợ giúp đáng kể của bên giao đại lý đối
với bên đại lý, trong khi trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền được bên nhượng quyền trợ giúp đáng kể về mặt kỹ thuật trong suốt quá trình có hiệu lực của hợp đồng, cũng như chịu sự kiểm tra giám sát rất chặt chẽ từ phía bên nhượng quyền; (ii) trong quan hệ đại lý, bên đại lý không phải trả phí đại lý mà ngược lại, được hưởng tiền hoa hồng từ bên giao đại lý. Trong khi đó, trong quan hệ nhượng quyền thương mại bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền; (iii) về trách nhiệm đối với các rủi ro trong kinh doanh, trong quan hệ đại lý, bên giao đại lý chỉ thực hiện việc giao hàng cho bên đại lý mà không chuyển giao cho bên đại lý quyền sở hữu đối với hàng hoá đó, vì vậy, khi không bán được hàng hoá hoặc có rủi ro xảy ra với hàng hoá mà không do lỗi của bên đại lý, người phải gánh vác nghĩa vụ đối với rủi ro đó một cách đầu tiên và trực tiếp chính là bên giao đại lý - chủ sở hữu hàng hoá. Trong khi đó, trong quan hệ nhượng quyền thương mại, việc bên nhận quyền hoặc bên nhượng quyền kinh doanh thua lỗ, không có khách hàng hoặc có rủi ro xảy ra với hàng hoá của mỗi bên không liên quan trực tiếp tới bên kia nếu những sự kiện đó không bắt nguồn từ một sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nhượng quyền. Sở dĩ như vậy là do bên nhận quyền và bên nhượng quyền không những có sự độc lập về mặt chủ thể pháp lý mà còn có sự độc lập về tài chính trong hoạt động kinh doanh của các bên còn sự độc lập giữa các bên trong quan hệ đại lý chỉ là sự độc lập về tư cách chủ thể. Có thể khẳng định, bên đại lý chỉ là bên “bán hộ” cho bên giao đại lý. Còn đối với nhượng quyền thương mại, mỗi bên đều thực hiện hoạt động kinh doanh độc lập, không bên nào “bán hộ” hàng hoá, dịch vụ cho nhau. Về bản chất, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hai bên nhượng quyền và nhận quyền chỉ cùng nhau kinh doanh dưới một tên thương mại mà thôi.
Hai là, trong quan hệ với li xăng, hoạt động nhượng quyền thương mại cũng có một số điểm tương đồng như: đối tượng được chuyển giao quyền sử dụng là các yếu tố thuộc quyền sở hữu trí tuệ; chủ thể chuyển giao là bên có quyền sở hữu hoặc có quyền chuyển giao hợp pháp đối tượng được chuyển giao. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa li xăng và nhượng quyền thương mại là, (i) phạm vi sử dụng đối tượng chuyển giao: trong quan hệ nhượng quyền, bên nhận chuyển giao (bên nhận quyền) chỉ được sử dụng đối tượng chuyển giao gắn với hàng hóa, dịch vụ xác định, được cung ứng trong hệ thống nhượng quyền thì trong quan hệ li xăng, bên nhận chuyển giao có thể sử dụng đối tượng được li xăng gắn vào bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào mà các bên thỏa thuận, hoặc dùng kiểu dáng được thiết kế của đối tượng được li xăng để gắn vào sản phẩm do mình sản xuất; (ii) đối tượng được chuyển giao trong quan hệ li xăng được giới hạn trong phạm vi một số yếu tố mà pháp luật sở hữu trí tuệ cho phép, nhưng trong nhượng quyền, đối tượng được phép chuyển giao không giới hạn trong phạm vi các yếu tố mà pháp luật sở hữu trí tuệ ghi nhận mà bao gồm cả những yếu tố khác tuy không được quy định trong pháp luật sở hữu trí tuệ, nhưng lại là bộ phận của quyền thương mại được xác định trong luật thương mại; (iii) việc xác định hành vi vi phạm: trong quan hệ li xăng, trong trường hợp cùng lúc li xăng nhiều yếu tố thì việc vi phạm mỗi yếu tố mang tính chất là các vi phạm độc lập, còn trong nhượng quyền thương mại các yếu tố được chuyển giao không tồn tại độc lập mà kết hợp lại thành một “gói” quyền thương mại, do vậy, việc vi phạm bất cứ một yếu tố nào thuộc quyền thương mại cũng là vi phạm cả gói quyền – đối tượng chuyển giao của hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Ba là, trong quan hệ với chuyển giao công nghệ, hoạt động nhượng quyền cũng có những điểm tương đồng như cùng chuyển giao công nghệ cho bên nhận chuyển giao. Bên cạnh đó cũng có những điểm khác biệt cơ
bản, như: (i) phạm vi sử dụng công nghệ: trong nhượng quyền thương mại, việc sử dụng công nghệ phải theo cách thức thống nhất, áp dụng cho những hàng hóa, dịch vụ đồng nhất trong hệ thống, bên nhận chuyển giao không được tự ý phát triển công nghệ thì chuyển giao công nghệ lại cho phép bên nhận chuyển giao có thể sử dụng công nghệ được chuyển giao để sản xuất ra sản phẩm của mình, tuy nhiên, việc hàng hoá đó gắn nhãn hiệu sản phẩm nào, được bán ra với tên thương mại nào còn phụ thuộc vào việc giữa hai bên có thỏa thuận li xăng đính kèm hay không. Sau khi nhận chuyển giao công nghệ, bên nhận chuyển giao có thể lựa chọn giữ nguyên công nghệ để áp dụng hoặc phát triển công nghệ đó; (ii) về nội dung chính của hợp đồng, trong khi các bên trong quan hệ chuyển giao công nghệ chủ yếu thỏa thuận về mặt chất lượng, công nghệ, kỹ thuật sản xuất ra sản phẩm thì các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại ngoài việc quan tâm đến chất lượng, công nghệ, kỹ thuật còn quan tâm đến hình thức, cách thức, phương thức của sản phẩm trong quá trình thực hiện các các hoạt động thương mại liên quan đến sản phẩm.
Tóm lại, một hoạt động được coi là nhượng quyền thương mại khi có đầy đủ các yếu tố sau:
(i) Là hành vi của các chủ thể kinh doanh chuyên nghiệp,
(ii)Là hoạt động nhằm hướng tới việc chuyển giao quyền thương mại (quyền kinh doanh theo một phương thức thống nhất của bên nhượng quyền),
(iii) Hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền luôn phải đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống.
Việc ghi nhận nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại độc lập trong Luật Thương mại 2005 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại vốn đã tồn tại trước đó ở Việt Nam. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có nhiều điều kiện tiếp cận các
sản phẩm khác nhau từ khắp nơi trên thế giới thông qua hệ thống nhượng quyền thương mại.