nhượng quyền trên cơ sở ghi nhận những ngoại lệ hợp lý của pháp luật cạnh tranh theo hướng phù hợp với bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại
Hoạt động nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh được thiết lập giữa các bên độc lập nhau về tài chính và pháp lý nhưng lại thể hiện ra bên ngoài như một sự liên kết chặt chẽ về mặt tổ chức. Vì vậy, dưới góc nhìn của người tiêu dùng, bên nhận quyền giống như một chi nhánh hoặc một công ty con của bên nhượng quyền, mặc dù, về mặt bản chất, các bên không hề có quan hệ về mặt sở hữu. Sở dĩ có hiện tượng này là do, khi kinh doanh nhượng quyền, bên nhượng quyền phải chuyển giao toàn bộ phương thức kinh doanh dưới dạng một tập hợp các yếu tố gắn liền với nhãn hiệu, bí quyết kỹ thuật và các yếu tố trí tuệ khác cho bên nhận quyền, theo đó, họ cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, cùng sử dụng một phương thức kinh doanh thống nhất. Với việc chuyển giao toàn bộ phương thức kinh doanh gắn liền với nhãn hiệu và bí quyết kỹ thuật như trên, hoạt động nhượng quyền thương
mại có thể khiến cho bên nhượng quyền đứng trước rủi ro có khả năng bị mất uy tín thương hiệu nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với bên nhận quyền. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cũng như nhằm tăng mức độ thành công của phương thức kinh doanh nhượng quyền, bên nhượng quyền thường buộc bên nhận quyền phải chấp nhận những hạn chế cạnh tranh nhất định như giới hạn về địa điểm kinh doanh, hạn chế về giá, buộc bên nhận quyền phải mua các nguyên vật liệu đầu vào từ bên nhượng quyền hay bên thứ ba được chỉ định… Bên cạnh đó, để cân bằng lại vị thế của mình và như một sự bù đắp với những ràng buộc của bên nhượng quyền, bên nhận quyền thường yêu cầu bên nhượng quyền phải chuyển giao quyền thương mại độc quyền cho mình trong một khu vực địa lý nhất định. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại, các bên trong quan hệ thường đối mặt với khả năng xâm phạm pháp luật cạnh tranh, trong khi thực tế cho thấy, nếu không thực hiện những hành vi này, hoạt động nhượng quyền thương mại khó mà tồn tại và phát triển.
Vấn đề đặt ra ở đây là giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào, lợi ích nào cần được ưu tiên bảo vệ. Đây chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết dưới khía cạnh pháp lý. Do đó, việc điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại phải giải quyết được ít nhất các vấn đề sau đây: (i) Giải quyết được mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên có liên quan trong quan hệ nhượng quyền thương mại, cụ thể là lợi ích giữa bên nhượng quyền với bên nhận quyền; giữa các bên nhượng quyền, bên nhận quyền (hệ thống nhượng quyền) đối với đối thủ cạnh tranh người tiêu dùng; giữa các bên trong hoạt động nhượng quyền với nhà nước và (ii) đảm bảo sự phát triển của hoạt động nhượng quyền theo đúng bản chất vốn có của nó và (iii) việc điều chỉnh quan hệ nội bộ trong quan hệ nhượng quyền thương mại phải được đặt trong quan hệ cạnh tranh, đảm bảo những ngoại lệ đối với hành
vi cạnh tranh giữa các bên trong nội bộ quan hệ nhượng quyền không được xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích mà pháp luật cạnh tranh bảo vệ.
Cần phải xác định rằng, khi điều chỉnh vấn đề này, mục tiêu lớn nhất của nhà nước là làm thế nào để điều hòa lợi ích của các bên (trong đó có lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước) đồng thời vẫn phát triển quan hệ nhượng quyền thương mại. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh hoạt động nhượng quyền một cách hợp lý, đảm bảo nhượng quyền thương mại được phát triển theo đúng bản chất vốn có nhưng vẫn không xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của các chủ thể kinh doanh khác, người tiêu dùng cũng như lợi ích nhà nước. Hay nói cách khác, cần thiết phải xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật đảm bảo hoạt động nhượng quyền thương mại được tồn tại và phát triển trong khi vẫn hài hòa lợi ích của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải có những ngoại lệ phù hợp để điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, không phải mọi quy định của pháp luật đều bất di bất dịch hay trường tồn mãi mãi, tương tự như vậy, thời hạn tồn tại của các ngoại lệ này còn phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của nền kinh tế, chính sách kinh tế của Việt Nam trong mỗi một giai đoạn khác nhau cũng như nhu cầu thực tế cũng như sự sáng tạo của các thương nhân trong quá trình thực hiện hoạt động nhượng quyền.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh hành vi này không đơn giản do hoạt động này thường tạo ra những xung đột về lợi ích giữa các chủ thể, điều đó dẫn tới những xu hướng hành vi khác nhau của các bên liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại. Cũng vì lý do này mà các bên thường có quan điểm khác nhau về pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền. Cụ thể: (1) Đối với bên nhượng quyền, xuất phát từ nhu cầu đảm bảo tính đồng bộ cũng như bảo vệ quyền thương mại mà bên nhượng quyền đã chuyển giao cho bên nhận quyền, pháp luật điều chỉnh hoạt động
nhượng quyền cần thiết phải ghi nhận theo hướng cho phép bên nhượng quyền được thực hiện một số hành vi hạn chế cạnh tranh khi những hành vi này là cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên nhượng quyền và cả hệ thống nhượng quyền thương mại; (2) Đối với bên nhận quyền, khi đã chấp nhận bỏ ra một số tiền rất lớn để gia nhập hệ thống nhượng quyền, kinh doanh chung một sản phẩm theo một phương thức duy nhất mà bên nhượng quyền đã xây dựng thì việc yêu cầu bên nhượng quyền phải cam kết không cạnh tranh trong một khu vực địa lý nhất định là một yêu cầu hợp lý. Có như vậy, các bên mới chấp nhận một “sân chơi” tuy hiệu quả nhưng cũng không ít rủi ro như hoạt động nhượng quyền; (3) Đối với các đối thủ cạnh tranh của các bên trong hệ thống nhượng quyền, do khả năng phải chịu ảnh hưởng từ các hành vi hạn chế cạnh tranh giữa các bên trong hệ thống nhượng quyền, họ có đầy đủ căn cứ để cho rằng, pháp luật cần kiểm soát chặt chẽ các hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền nhằm tránh trường hợp các bên trong quan hệ nhượng quyền cấu kết với nhau cùng hành động hoặc lạm dụng vị thế thị trường của mình để gây ra những hạn chế cạnh tranh trên thị trường, đe dọa sự tồn tại và phát triển của các đối thủ cạnh tranh hoặc làm mất cơ hội gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Xuất phát từ bản chất của quan hệ nhượng quyền thương mại là luôn hướng tới việc đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền mà các bên thường có những hành vi hạn chế cạnh tranh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Thiếu tính đồng bộ, hệ thống nhượng quyền có khả năng đối mặt với sự sụp đổ của cả hệ thống, vì vậy, nếu không thừa nhận hành vi hạn chế cạnh tranh trong một chừng mực nhất định, rất có thể hoạt động nhượng quyền thương mại khó mà tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, trong điều kiện nền kinh tế thị trường Việt Nam đang khan hiếm tư bản và chưa phải là nền kinh tế thị trường thực sự như hiện nay, cũng cần phải nhận thức rằng, đây là phương thức kinh doanh đã tồn
tại và phát triển rất rộng lớn ở các nước khác trên thế giới. Bản thân văn hóa tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng rất phù hợp phương thức kinh doanh này. Minh chứng cụ thể cho vấn đề này đó là sự du nhập nhanh chóng của hoạt động nhượng quyền thương mại ở các nhãn hiệu khác nhau vào Việt Nam trong thời gian qua, thậm chí, một số phương thức kinh doanh được “chế biến” dựa trên phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại cũng nhanh chóng hòa nhập và tồn tại rất rộng rãi trong nền kinh tế Việt Nam như Nước mía siêu sạch, bánh mỳ Donna Kerbap, bánh mỳ Zoka, nước hoa quả tươi Vu Canu, Phở 10 Lý Quốc Sư…
Do đó, việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại cần phải tiếp cận theo hướng ghi nhận những ngoại lệ hợp lý của pháp luật cạnh tranh nhằm phù hợp với bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại, từ đó khuyến khích hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển ổn định và bền vững.