Hoàn thiện pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền trên cơ sở đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật điều

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 131)

nhượng quyền trên cơ sở đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động nhượng quyền thương mại (Luật Thương mại) với pháp luật cạnh tranh

Mối quan hệ giữa pháp luật nhượng quyền thương mại và pháp luật cạnh tranh cũng như sự cần thiết phải đảm bảo sự tương thích giữa hai Luật này thể hiện chủ yếu dưới hai khía cạnh: Một là, xuất phát từ tính chất và mục tiêu điều chỉnh giữa hai hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh hai hoạt động này. Hai là, pháp luật cạnh tranh hướng tới điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Xuất phát từ việc hành vi hạn chế cạnh tranh thường tồn tại tất yếu trong hoạt động nhượng quyền, do vậy, nếu pháp luật cạnh tranh không điều chỉnh thì các hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền có khả năng làm sai lệch cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, hai Luật này cần phải có sự tương thích để đảm

bảo sự điều chỉnh hợp lý, khả thi, từ đó, đảm bảo sự điều chỉnh hiệu quả đối với hoạt động nhượng quyền thương mại. Cụ thể:

(1) Về tính chất và mục tiêu điều chỉnh của Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh: Về nguyên tắc, tất cả các Luật đều được xây dựng dựa trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, sẽ có một số Luật thuộc hệ “mở đường”, một số Luật thuộc hệ “cản trở”, “hạn chế”. Theo đó, pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại là pháp luật mang tính chất “mở đường”, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại, mà ở đó, các bên có quyền và nghĩa vụ pháp lý công bằng và bình đẳng với nhau. Pháp luật nhượng quyền thương mại tạo điều kiện để các thương nhân tham gia các hoạt động thương mại và tìm kiếm lợi nhuận, trong đó, ghi nhận quyền cơ bản theo bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại đưa ra, đó là tính đồng nhất trong hệ thống nhượng quyền.

Trong khi đó, pháp luật cạnh tranh lại là pháp luật mang tính chất “cản trở” hoạt động nhượng quyền thương mại, chỉ ra ranh giới mà tại đó các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật nhượng quyền thương mại được làm, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, không xâm hại đến lợi ích của chủ thể khác, thông qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Như vậy, nếu như Luật Thương mại trao cho các chủ thể tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại quyền tự do kinh doanh, thì Luật Cạnh tranh lại điều tiết quyền tự do kinh doanh ấy trong một khuôn khổ nhất định nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chỉ ra sự tự do cạnh tranh phải trong khuôn khổ của pháp luật

Tóm lại, cùng là điều chỉnh một vấn đề là các hoạt động thương mại nói chung và hoạt động nhượng quyền thương mại nói riêng, quan hệ giữa hai Luật này thể hiện ở chỗ Luật Thương mại là luật “mở đường” cho hoạt động nhượng quyền thương mại, trong khi đó Luật Cạnh tranh là Luật “cản trở”,

đưa ra ranh giới cho hoạt động nhượng quyền thương mại được hoạt động. Vì vậy, về cơ bản, tất nhiên là về hình thức hai Luật này sẽ có những sự bất đồng về tư tưởng. Tuy nhiên, cho dù là “mở đường” hay “cản trở”, các Luật này vẫn phải đạt được sự tương thích, thể hiện ở chỗ, việc mở đường của luật này không vượt quá phạm vi cản trở của luật kia hoặc ngược lại là việc cản trở của luật kia không vượt quá việc mở đường của Luật này. Có như vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại mới phát triển. Sự cản trở hay mở đường có tương thích với nhau hay không chỉ đặt ra đối với hành vi thương mại nào phải chịu sự điều chỉnh của cả Luật Cạnh tranh và Luật Thương mại. Hầu hết các hành vi thương mại, kể cả hành vi đơn giản nhất là hành vi lập hội (thành lập doanh nghiệp) cũng bị điều chỉnh bởi hai Luật này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, nếu sự điều chỉnh của hai luật này thiếu sự hài hòa, phù hợp sẽ làm thay đổi bản chất của hành vi, đó chính là trường hợp của nhượng quyền thương mại.

(2) Xuất phát từ việc hành vi hạn chế cạnh tranh thường tồn tại tất yếu trong hoạt động nhượng quyền và cần thiết phải được pháp luật cạnh tranh điều chỉnh nhằm bảo đảm lợi ích cạnh tranh trên thị trường. Một trong các vấn đề đặt ra khi điều tiết hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại là ở chỗ, trong khi, Luật Thương mại ghi nhận bản chất tự do kinh doanh, tự do thiết lập các hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa các bên, đặc biệt tính hệ thống, tính đồng bộ là một trong những đặc thù của hoạt động nhượng quyền thương mại, chính vì đặc thù này mà các bên trong quan hệ nhượng quyền thường có xu hướng thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, sự tồn tại và phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ gặp cản trở nếu pháp luật không thừa nhận trong một phạm vi nhất định những hành vi đó của các bên.

Căn nguyên của vấn đề này là do trong quan hệ nhượng quyền thương mại bên nhượng quyền luôn mong muốn kiểm soát bên nhận quyền nhằm loại

bỏ nguy cơ bị mất quyền thương mại và đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền. Ngược lại, về phía bên nhận quyền, với mong muốn đảm bảo tỷ lệ thành công cao thông qua việc độc quyền lãnh thổ sau khi đã bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để được kinh doanh dưới quyền thương mại của một thương nhân khác. Chính vì vậy, xu hướng hạn chế cạnh tranh của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại là tất yếu, điều này đặt các bên vào tình thế đối mặt với khả năng vi phạm pháp luật cạnh tranh khi thực hiện hành vi theo đúng bản chất của quan hệ nhượng quyền thương mại mà Luật Thương mại điều chỉnh. Điều đó cho thấy ranh giới điều chỉnh giữa hai luật là khá mỏng, chính vì vậy, nếu pháp luật không điều chỉnh một cách hài hòa, phù hợp trong việc kiểm soát hành vi có khả năng gây cản trở cạnh tranh thì hiệu quả kinh tế xã hội của pháp luật hạn chế cạnh tranh hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ không cao.

Có thể khẳng định, pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động nhượng quyền thương mại và pháp luật cạnh tranh có mối liên hệ tất yếu, không thể tách rời, mặc dù về mặt hình thức, hai lĩnh vực pháp luật này lại có tính chất gần như trái ngược nhau, một lĩnh vực mang tính chất khuyến khích sự tự do pháp triển của hoạt động nhượng quyền thương mại (Luật Thương mại), một lĩnh vực thì lại theo chiều hướng “cản trở” sự phát triển đó (Luật Cạnh tranh). Tuy nhiên, cho dù là “mở đường” hay “cản trở”, các luật này vẫn phải đạt được sự tương thích, đồng bộ, thể hiện ở chỗ, việc mở đường của luật này không vượt quá phạm vi cản trở của luật kia hoặc ngược lại, việc cản trở của luật kia không triệt tiêu việc mở đường của luật này, có như vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại mới phát triển. Do vậy cần phải có sự điều chỉnh thống nhất và hợp lý thông qua đó, vừa đảm bảo sự phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại, lại vừa đảm bảo lợi ích cạnh tranh trên thị trường.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 131)