Khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 45)

Khái niệm cạnh tranh được cuốn Black Law Dictionary miêu tả là “sự nỗ lực hoặc hành vi của hai hay nhiều thương nhân nhằm cạnh tranh giành những lợi ích giống nhau từ chủ thể thứ ba [12, tr.278]. Ở khía cạnh kinh tế, cạnh tranh giúp cho nền kinh tế vận động và phát triển, chất lượng sản phẩm sẽ ngày được nâng cao với giá thành hợp lý dưới sự điều phối của

các quy luật cung - cầu. Tuy nhiên, một hành vi cạnh tranh thái quá, có thể dẫn đến triệt tiêu, giảm bớt cạnh tranh lại ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế, nhóm hành vi này được gọi là hành vi hạn chế cạnh tranh, là hành vi luôn hướng tới việc hình thành một sức mạnh thị trường hoặc tận dụng sức mạnh thị trường để làm cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường bị biến dạng [8, tr.25]. Chính vì vậy, cạnh tranh là hiện tượng tất yếu và cần thiết trong nền kinh tế, thiếu vắng cạnh tranh, nền kinh tế sẽ khó vận hành, phát triển. Với bản chất như trên, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những quy định nhằm bảo vệ cạnh tranh, đảm bảo để hành vi cạnh tranh tồn tại theo đúng quy luật thị trường.

Theo pháp luật cạnh tranh của Việt Nam tại Khoản 3, Điều 3, Luật Cạnh tranh 2004, hành vi hạn chế cạnh tranh là "hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế”. Dưới góc độ kinh tế, cạnh tranh là yếu tố tất yếu trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy các thương nhân phải tìm mọi cách giành giật thị trường thông qua việc nỗ lực cung cấp các sản phẩm tốt với giá cả phải chăng, với các nỗ lực không ngừng như vậy, nhiều sản phẩm mới ra đời với chi phí thấp và giá cả có lợi cho người tiêu dùng, phúc lợi xã hội vì vậy cũng tăng cao và nền kinh tế nhờ vậy sẽ có động lực để phát triển. Có thể nói, ý nghĩa ngắn gọn của cạnh tranh là “động lực phát triển cho nền kinh tế”. Chính vì vậy, về lý thuyết, một nền kinh tế không có cạnh tranh sẽ là nền kinh tế “chết”, không phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tồn tại của cạnh tranh là khách quan, chỉ có điều ở các giai đoạn khác nhau thì mức độ cạnh tranh và mức độ ảnh hưởng của cạnh tranh tới nền kinh tế là khác nhau. Nhận thức rõ vai trò của cạnh tranh như vậy, Luật Cạnh tranh các nước đều tăng cường bảo vệ cạnh tranh thông qua việc kiểm soát các hành vi có khả năng làm giảm, sai lệch hoặc triệt tiêu năng

lực cạnh tranh của các thương nhân (hành vi hạn chế cạnh tranh). Các hành vi này được chia thành hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh/vị trí độc quyền và tập trung kinh tế. Bên cạnh đó, những hành vi cạnh tranh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng (hành vi cạnh tranh không lành mạnh) cũng được pháp luật cạnh tranh Việt Nam ghi nhận như là những yếu tố xâm phạm đến môi trường cạnh tranh cần kiểm soát.

Hiện nay có rất nhiều tiêu chí để phân loại hành vi hạn chế cạnh tranh, tuy nhiên, cách phân loại phổ biến hiện nay là dựa vào thái độ của nhà nước đối với hành vi hạn chế cạnh tranh mà chia hành vi hạn chế cạnh tranh thành hai loại sau đây:

(1) Hành vi hạn chế cạnh tranh hợp pháp: Đây là hành vi cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh nhằm mở rộng thị trường mà không xâm hại hoặc ít xâm hại đến khả năng cạnh tranh, khả năng gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh khác. Với bản chất như vậy, hành vi cạnh tranh loại này luôn được pháp luật khuyến khích và bảo vệ, cho phép.

(2) Hành vi hạn chế cạnh tranh không hợp pháp: Là hành vi cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh nhằm mở rộng thị trường mà hậu quả của hành vi là xâm hại nghiêm trọng hoặc có khả năng xâm hại nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, khả năng gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh khác, thông qua đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.

Về cơ bản, tất cả hành vi cạnh tranh đều bị pháp luật kiểm soát thông qua việc vạch ra ranh giới để xác định một hành vi cạnh tranh là hợp pháp hay bất bợp pháp. Vượt ra khỏi ranh giới đó, pháp luật sẽ ngăn cấm và có biện pháp xử lý thích hợp.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 45)