Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, Quyết định Dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 35)

Theo pháp luật và thực tiễn tư pháp của Cộng hòa Pháp trước năm 1964, trong quá trình giải quyết yêu cầu công nhận, Tòa án Pháp luôn bảo vệ trật tự pháp lý Pháp và lợi ích của công dân Pháp. Vì vậy, bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài về các tranh chấp có người Pháp, pháp nhân

Pháp tham gia, muốn được công nhận ở Pháp thì phải được Tòa án Pháp xem xét cả về hình thức và nội dung. Thậm chí, Tòa án Pháp có quyền xét xử lại vụ tranh chấp, sau đó mới ra quyết định công nhận hay không công nhận. Điều này đã gây khó khăn cho bất kỳ một phán quyết nào của tòa án nước ngoài cần được công nhận và thi hành ở Pháp.

Các bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài muốn được công nhận ở Pháp thì phải đáp ứng đủ năm điều kiện sau:

- Tòa án ra quyết định đó có thẩm quyền giải quyết vụ việc; - Trình tự tố tụng phải thực hiện liên tục và hợp pháp;

- Luật áp dụng phải phù hợp với qui tắc về luật xung đột của Pháp; - Việc áp dụng quyết định này không trái với trật tự công cộng tại Pháp và không có sự vi phạm pháp luật nào.

Sau năm 1964, thực tiễn tư pháp của Pháp đã có thay đổi và không cho phép Tòa án Pháp được xem xét lại nội dung thực chất của các bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Riêng đối với các tranh chấp không có công dân, pháp nhân Pháp tham gia thì bản án, quyết định của tòa án nước ngoài chỉ bị kiểm tra về mặt hình thức. Sự thay đổi đó xuất phát từ vụ án cấp dưỡng sau ly hôn của Munzer.c.Dame Munzer (ngày 29/6/1926 một Tòa án ở New York đã ra quyết định cho ly hôn giữa hai vợ chồng Munzer và buộc Munzer phải trợ cấp cho vợ 4 năm với số tiền 35 dolar mỗi tuần, tức là tới năm 1930 anh ta sẽ hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Một thời gian sau, ngày 10/4/1958 Munzer lại nhận được một bản án tương tự buộc anh phải cấp dưỡng cho vợ tính đến năm 1958 với số tiền 76.987 USD, nhưng Munzer đã đến định cư tại Pháp, vì vậy người vợ đã yêu cầu Tòa án tại Nice thi hành hai bản án trên. Sau đó Tòa án Pháp chỉ cho thi hành bản án năm 1926 nhưng đã xem xét lại bản án trên, việc xem xét lại bản án đã bị phản đối mạnh mẽ cho nên Tòa án Pháp phải từ bỏ việc xem xét lại, điều này đã trở thành tiền lệ cho các vụ án sau).

Trong hệ thống pháp luật và thực tiễn tư pháp hiện đại của Cộng hòa Pháp, việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài cũng được xử lý khác biệt như ở Đức. Tùy thuộc vào bản án, quyết định đó được đưa ra bởi một nước có ký điều ước về vấn đề này với Pháp hay không hoặc bởi một tòa án của một nước thành viên của Liên minh Châu Âu hay không. Cụ thể:

Nếu bản án được đưa ra bởi một nước là thành viên của Liên minh Châu Âu thì thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, không đòi hỏi phải qua một thủ tục tố tụng đặc biệt nào, một lệnh công nhận sẽ có thể được đưa ra trong vài tuần lễ dựa trên các quy định tại công ước Brussels và công ước Lugano.

Nếu bản án được đưa ra bởi một nước ký kết hiệp định song phương với Pháp về vấn đề này thì việc công nhận cho và thi hành bản án sẽ chịu sự điều chỉnh bởi định song phương đó.

Nếu bản án được đưa ra bởi một nước không phải là thành viên của Liên minh Châu Âu và cũng không có hiệp định song phương với Pháp thì việc công nhận và cho thi hành sẽ tuân theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp. Việc công nhận và cho thi hành trong trường hợp này sẽ tuân theo một thủ tục tố tụng đặc biệt, trên cơ sở chế độ cấp phép được quy định từ Điều 500 đến Điều 526 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp.

Giấy phép là cơ sở pháp lý để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp và do cơ quan có thẩm quyền nơi bản án, quyết định cần thi hành cấp. Để được cấp giấy phép thi hành bên được thi hành phải đệ đơn cùng các tài liệu có liên quan lên Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận và thi hành nếu thấy đủ các điều kiện sau:

- Tòa án đưa ra bản án có thẩm quyền giải quyết vụ việc; - Luật áp dụng phù hợp với tư pháp của Pháp;

- Không có sự gian lận khi ra bản án, quyết định;

- Thủ tục tố tụng không mâu thuẫn với các nguyên tắc tố tụng tại Pháp và với các chính sách quốc tế chung liên quan đến thủ tục xét xử của tòa án;

- Việc cưỡng chế thi hành bản án ở Pháp không xâm phạm trật tự công cộng của Pháp.

Ở Pháp, việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không dựa vào nguyên tắc có đi có lại. Song, Pháp sẽ không công nhận và cho thi hành nếu việc không đáp ứng được các điều kiện trên.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, Quyết định Dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)