Trình tự, thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, Quyết định Dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 49)

Các hiệp định đều quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành. Việc công nhận và cho thi hành chỉ đặt ra khi có đơn yêu cầu kèm theo các giấy tờ tài liệu có liên quan của đương sự đã được dịch ra ngôn ngữ của nước ký kết được yêu cầu.

Đơn yêu cầu và các tài liệu có thể gửi qua hai kênh:

- Kênh ngoại giao hoặc qua cơ quan tư pháp có thẩm quyền: Theo kênh này, các cơ quan tư pháp đã tuyên bản án, quyết định đó có thể trực tiếp hoặc thông qua cơ quan trung ương chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia (Điều 23 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp; Điều 49 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với

Cộng hòa nhân dân Bungary; Điều 52 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa nhân dân Hunggary…).

- Đương sự gửi trực tiếp đơn đến cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết yêu cầu công nhận và cho thi hành.

Việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành thuộc thẩm quyền của tòa án bên ký kết, nơi quyết định cần được công nhận và thi hành. Để đảm bảo và tôn trọng thẩm quyền tài phán của tòa án, khi giải quyết yêu cầu tòa án không xem xét lại nội dung vụ việc mà chỉ xem xét bản án, quyết định nước ngoài có đủ điều kiện để được công nhận và thi hành hay không để ra quyết định không công nhận hoặc công nhận và cho thi hành.

Về thủ tục công nhận trong một số hiệp định còn quy định:

Đối với các quyết định không mang tính chất tài sản được công nhận trên lãnh thổ nước ký kết kia mà không cần phải qua một thủ tục tố tụng đặc biệt nào về công nhận, nếu pháp luật của bên ký kết nơi quyết định cần được công nhận cho phép (Điều 51 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam với Liên bang Nga; Điều 41 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam với Ucraina; Điều 53 Hiệp tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với Đức…).

Đối với các bản án, quyết định dân sự mang tính chất tài sản cần được công nhận và thi hành theo trình tự, thủ tục riêng trên cơ sở các quy định pháp luật quốc gia nơi tiến hành công nhận. Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành có thể gửi trực tiếp đến tòa án bên ký kết kia để hoàn tất thủ tục công nhận. Tòa án khi xem xét công nhận và cho thi hành các bản án quyết định dân sự loại này sẽ phải tiến hành nhiều thủ tục (Điều 54 Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Điều 47 Hiệp định giữa Việt Nam và Lào…).

Sự phân chia trên trong các hiệp định là phù hợp vì, các quyết định không liên quan đến tài sản có tính phức tạp giảm nhẹ hơn so với các quyết định mang tính chất tài sản.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, Quyết định Dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 49)