Trên tinh thần mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác tư pháp giữa các nước trong lĩnh vực dân sự, các hiệp định đều quy định rất cụ thể điều kiện để một bản án, quyết định có thể được công nhận và cho thi hành tại nước ký kết, thường gồm các điều kiện sau:
- Bản án, quyết định dân sự phải có hiệu lực pháp luật ở nước đã tuyên. Để chứng minh bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan ra quyết định khi ra thông báo cho cơ quan tư pháp nước ký kết kia để thi hành, phải khẳng định rõ quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc xác định hiệu lực của quyết định là do pháp luật của nước có cơ quan ra quyết định đó quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, mặc dù bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay trên lãnh thổ của nước ký kết như: Nghĩa vụ về vấn đề cấp dưỡng; quyền thăm nom người chưa
thành niên... (khoản 3 Điều 21 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Pháp; khoản 1 Điều 53 Hiệp định tương trợ giữa Việt Nam và Liên bang Nga).
- Bản án, quyết định đó phải do cơ quan có thẩm quyền tuyên theo quy định của nước ký kết được yêu cầu.
- Trước đây về cùng một vụ tranh chấp giữa những bên đương sự chưa có một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp có thẩm quyền nào.
- Các bên đương sự đã được triệu tập hợp lệ, nếu vắng mặt thì giấy triệu tập đã được tống đạt hợp thức và trong thời gian cần thiết để bảo đảm quyền lợi của các bên.
- Bản án, quyết định không trái với các nguyên tắc và giá trị cơ bản của nước ký kết được yêu cầu.
Nếu bản án, quyết định không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì có thể bị từ chối công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của nước ký kết kia (Điều 46 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa Ba Lan; Điều 54 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa nhân dân Bungary; Điều 55 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa nhân dân Hunggary...).