nước ngoài
Theo quy định khoản 1 Điều 342 Bộ luật Tố tụng dân sự thì:
Bản án, quyết định dân sự của của tòa án nước ngoài là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài và bản án, quyết định khác của tòa án nước ngoài mà theo pháp luật Việt Nam được coi là bản án, quyết định dân sự [27].
Trong khái niệm trên, có thể thấy Việt Nam đã gián tiếp áp dụng yếu tố lãnh thổ, nơi ra bản án, quyết định để xác định là yếu tố nước ngoài. Điều này là phù hợp với quy định pháp luật các nước trên thế giới và với các điều ước quốc tế về vấn đề này.
Hiện nay, pháp luật quốc gia Việt Nam chỉ có duy nhất Bộ luật Tố tụng dân sự về khái niệm bản án, quyết định dân sự của tòa nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ luật chỉ sử dụng phương pháp liệt kê để đưa ra khái niệm mà không quy định cụ thể thế nào là bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
2.2.1.2. Về nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của của Tòa án nước ngoài định dân sự của của Tòa án nước ngoài
Theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:
* Nguyên tắc có điều ước quốc tế hoặc được pháp luật Việt Nam quy định về công nhận và cho thi hành
Theo nguyên tắc này, Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài khi mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước về vấn đề này hoặc được pháp luật Việt Nam quy định. Như vậy, sau khi nhận được đơn yêu cầu công nhận của đương sự, Tòa án Việt Nam phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, căn cứ vào các điều ước quốc tế để tiến hành rà soát xem bản án, quyết định đó có phải được tuyên bởi một nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam hoặc được pháp luật Việt Nam cho phép công nhận và cho thi hành không, để ra quyết định không công nhận hoặc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Việc áp dụng nguyên tắc này Việt Nam là phù hợp với thực tiễn pháp luật các nước và các điều ước quốc tế về vấn đề này.
* Nguyên tắc có đi có lại
Nguyên tắc có đi có lại được áp dụng trong trường không có điều ước quốc tế về vấn đề công nhận và cho thi hành. Theo nguyên tắc, Tòa án Việt Nam vẫn có thể xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại mà không đòi hỏi phải có điều ước quốc tế về vấn đề này. Điều đó có nghĩa là, trong trường hợp bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam hoặc đơn yêu cầu của cá nhân, pháp nhân Việt Nam về vấn đề này bị các cơ quan có thẩm quyền của nước tuyên bản án, quyết định có yêu cầu công nhận tại Việt Nam từ chối xem xét, vì lý do phân biệt đối xử, thì Tòa án Việt Nam sẽ từ chối việc công nhận.
Đây là một nguyên tắc mới được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, trước đây nguyên tắc chỉ đặt ra trong việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Việc áp dụng nguyên tắc đã tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng cho việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân
sự của tòa án nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng nguyên tắc này vẫn còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục và thiếu cơ sở pháp lý. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 66 Luật tương trợ tư pháp, Bộ Ngoại giao sẽ công bố danh sách các nước áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam, tuy nhiên cơ chế để Bộ Ngoại giao chứng minh bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài sẽ được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo nguyên tắc này đến nay vẫn chưa được ban hành [23, tr. 26].
Hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc này trong hoạt động công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt nam vẫn còn một số quan điểm tranh luận.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, trên thực tế nhiều nước trên thế giới như Pháp đã không áp dụng nguyên tắc này, vì trong nhiều trường hợp nếu áp dụng nguyên tắc sẽ ảnh hưởng, hạn chế đến quyền lợi của bên được thi hành. Do vậy, đề nghị loại bỏ nguyên tắc này và Tòa án Việt Nam sẽ công nhận mọi bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài nếu đáp ứng đủ các điều kiện công nhận và cho thi hành.
Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng, trên thực tế có nhiều nước áp dụng nguyên tắc có đi, có lại trong việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng đang thực hiện rất hiệu quả nguyên tắc này với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt khác, việc thực hiện nguyên tắc có ý nghĩa lớn về mặt chính trị và ngoại giao, do vậy việc duy trì nguyên tắc này là cần thiết để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Do vậy, cần giữ nguyên nguyên tắc này trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Quan điểm của chúng tôi đồng ý với việc giữ nguyên tắc này trong Bộ luật.
* Nguyên tắc đương nhiên công nhận bản án, quyết định dân sự không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam
Theo nội dung nguyên tắc, bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu
không công nhận thì đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Toà án Việt Nam chỉ xem xét việc không công nhận khi có yêu cầu không công nhận.
Việc áp dụng nguyên tắc này của Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện sự thừa nhận, tôn trọng giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành của Nhà nước Việt Nam đối với bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài khi mà Việt Nam và quốc gia tuyên bản án, quyết định đó đã có điều ước quốc tế về vấn đề này. Đồng thời, cũng thể hiện nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay trong số các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì chỉ có hai hiệp định tương trợ tư pháp quy định về nguyên tắc này (Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa nhân dân Cu Ba) và pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về thủ tục đương nhiên công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam [34].
* Nguyên tắc tương tự như thi hành án dân sự
Về lý luận và thực tiễn, một bản án, quyết định dân sự của tòa án muốn được thi hành ở nước ngoài thì bắt buộc và trước tiên bản án, quyết định đó phải được nước sở tại công nhận. Tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành. Việc thi hành bản án, quyết định sẽ tuân theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự của Việt Nam.
Nguyên tắc này được áp dụng không chỉ thể hiện chủ quyền quốc gia mà còn đảm bảo rằng nội dung của vụ án cũng như hậu quả của việc thi hành các bản án của tòa án nước ngoài tuyên sẽ không đi ngược lại những nguyên tắc pháp lý của nước nơi thi hành bản án đó [2].