hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nƣớc ngoài
Việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp và Tòa án Việt Nam tiến hành trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Theo quy định tại các Điều 347, 349, 350, 352, 357 Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ yêu cầu công nhận và thi hành. Sau khi nhận được hồ sơ Bộ Tư pháp kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ, giấy tờ; hướng dẫn thu nộp lệ phí công nhận; chuyển hồ sơ đến tòa án có thẩm quyền giải quyết và xử lý theo quy định; thông báo kết quả giải quyết đơn yêu cầu, đơn kháng cáo.
Về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc xét đơn công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được xác định theo cấp và theo lãnh thổ.
* Thẩm quyền của Tòa án theo cấp
Theo quy định các Điều 34, 345, 358, 359 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các yêu cầu về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét lại quyết định công nhận hoặc không công nhận bị kháng cáo, kháng nghị.
* Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành là tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân của tòa án nước ngoài cư trú, làm việc nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi có trụ sở nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành tại Việt Nam vào thời gửi đơn yêu cầu. Đối với yêu cầu không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan tổ chức. Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự đã căn cứ vào tính chất của vụ việc, căn cứ vào yếu tố lãnh thổ để xác định thẩm quyền của tòa án là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật thì tòa án nơi cư trú, làm việc của người phải thi hành án hoặc nơi có trụ sở của tổ chức phải thi hành án hoặc nơi có tài sản cần thi hành đều có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp một yêu cầu có đủ các yếu tố trên thì người có đơn yêu cầu có quyền lựa chọn một trong các yếu tố trên để yêu cầu thi hành hay không. Đối với các trường hợp người yêu cầu không lựa chọn thì giải quyết như thế nào. Vấn đề Bộ luật chưa quy định, điều này đã làm cho Bộ Tư pháp lúng túng khi chuyển đơn. Do vậy, để tòa án có thể thụ lý yêu cầu công nhận và cho thi hành đúng thẩm quyền, cần phải có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết thẩm quyền của tòa theo sự lựa chọn của người gửi đơn.