0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (110 trang)

Hình phạt bổ sung

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ LOẠI BỎ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ (Trang 80 -80 )

b. Một số quy định mới về phần các tội phạm

3.1.2. Hình phạt bổ sung

Hình phạt bổ sung không thể là lựa chọn để có thể thay thế hình phạt tử hình, nhưng vị trí, vai trò và tác dụng của hệ thống các hình phạt bổ sung nắm giữ vai trò quan trọng trong hoạt động khắc phục hậu quả, phòng chống tội phạm, qua đó nâng cao hiệu quả của các hình phạt chính, tiến tới thay thế hình phạt tử hình.

Hình phạt bổ sung đối với hai nhóm tội phạm này chủ yếu tập trung vào khắc phục những hậu quả và khôi phục lại những lợi ích, những thiệt hại vật chất mà nhà nước và nhân dân bị chiếm đoạt, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Thứ nhất: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là hình phạt bổ sung, được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật (nếu là hình phạt chính khác hoặc người bị kết án được hưởng án treo) thì họ có thể lại có điều kiện phạm tội mới (Điều 36 BLHS). Trong phần các tội phạm của BLHS, hình phạt bổ sung này được quy định rất rộng rãi trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về

chức vụ. Hình phạt bổ sung này tăng cường hiệu quả của hình phạt chính đã áp dụng đối với người bị kết án đồng thời loại bỏ điều kiện phạm tội trở lại. Thời hạn bị cấm là từ một đến năm năm tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và yêu cầu phòng ngừa. Thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung này được tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cài tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Đối với nhóm các tội phạm về chức vụ, thì hình phạt bổ sung này không áp dụng đối với những người phạm tội không đảm nhiệm chức vụ (như hành vi đưa hối lộ), nhưng xét ở góc độ thực tế khi người thực hiện hành vi phạm tội bị khởi tố, thì họ sẽ bị cơ quan, tổ chức quản lý tạm đình chỉ công tác để phục vụ hoạt động điều tra và khi có bản án có hiệu lực pháp luật kết luận họ phạm tội, thì họ sẽ phải chịu hình thức kỷ luật của cơ quan, tổ chức quản lý theo quy định của pháp luật về công chức hoặc viên chức [13]. Xét về lý thuyết, thì Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy có thể Tòa án tuyên một người nào đó phạm tội tham ô tài sản, với hình thức tù có thời hạn, không được hưởng án treo và hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ trong vòng 5 năm kể từ ngày thi hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, hình phạt bổ sung mà Tòa án đã tuyên sẽ không còn còn mang ý nghĩa, khi theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định trường hợp một công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo là sẽ phải chịu hình thức kỷ luật là buộc thôi việc. Tương tự, quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định trường hợp một viên chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng cũng sẽ bị buộc thôi việc. Khi đó, họ đương nhiên sẽ không còn được tiếp tục công tác tại vị trí cũ và càng không còn khả năng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội tương tự khi đã chấp hành xong hình phạt tù.

Vì vậy, đối với hình phạt bổ sung này không cần thiết phải áp dụng đối với những trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Hình phạt bổ sung này chỉ có ý nghĩa và phát huy tác dụng đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, kèm theo hình phạt chính là tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo và phạt tiền.

Vì vậy, đối với những trường hợp cần xem xét áp dụng hình phạt tử hình, thì hình phạt bổ sung này sẽ hoàn toàn không có tác dụng và cần thiết để áp dụng bổ sung, ngay cả trường hợp người phạm tội may mắn được áp dụng hình phạt tù chung thân.

Thứ hai: Phạt tiền.

Phạt tiền là hình phạt tước của người phạm tội khoản tiền nhất định sung công quỹ Nhà nước (Điều 30 BLHS). Trong BLHS thì phạt tiền vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ đều không quy định phạt tiền là hình phạt chính, mà chỉ quy định là hình phạt bổ sung trong hầu hết các điều luật.

Theo quan điểm của tác giả, phạt tiền là hình phạt bổ sung quan trọng và rất cần thiết được áp dụng rộng rãi đối với các tội xâm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ, ngoài việc buộc người thực hiện hành vi phạm tội phải khắc phục hậu quả, mà đa phần là khắc phục lợi ích kinh tế đã thụ hưởng từ hành vi phạm tội. Việc áp dụng hình phạt tiền, ngoài mục đích răn đe, phòng ngừa riêng, còn có tác dụng phòng ngừa chung. Khiến những người khác không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà vi phạm và có thể phải gánh chịu hình phạt tiền, khiến thâm hụt đối với nguồn tài chính riêng và hợp pháp của mình và gia đình.

Mặt khác, đối với các nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ, đa số người thực hiện hành vi phạm tội đều có mục đích vụ lợi hoặc có liên quan tới hành vi vụ lợi, nên pháp luật cũng cần áp dụng hình phạt tác động mạnh mẽ vào kinh tế và lợi ích vật chất của họ, qua đó, khắc phục những thiệt hại về kinh tế mà họ đã gây ra cho xã hội.

Thứ ba: Tịch thu tài sản.

Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung, tước một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng sung quỹ Nhà nước (Điều 40 BLHS). Tịch thu tài sản được quy định là chế tài lựa chọn cùng với phạt tiền và cần thiết áp dụng đối với những tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã gây hậu quả lớn cho xã hội, giá trị kinh tế tội phạm hướng tới có giá trị lớn. Khi Tòa án áp dụng hình phạt tịch thu tài sản, Tòa án có thể tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Tài sản bị tước phải thuộc sở hữu của người bị kết án, dù tài sản đó người bị kết án đang sự dụng, đang cho mượn, cho vay, thế chấp, gửi người khác giữ,... Tài sản đó có thể là hiện vật, tiền hoặc quyền tài sản,...

Tuy nhiên, Điều 40 BLHS có quy định: "Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống" [37]. Chính điều này đã khiến khi cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế thi hành bản án của Tòa án có thể sẽ phạm phải những sai lầm về mặt pháp luật dân sự. Bởi, hình phạt chỉ áp dụng đối với phần tài sản của cá nhân người phạm tội, không áp dụng đối với những phần tài sản của thân nhân người phạm tội. Ví dụ: người chồng phạm tội tham ô tài sản và bị Tòa án tuyên tịch thu toàn bộ tài sản của người này. Trong khi đó, người này có vợ và hai vợ chồng họ đã tạo lập được rất nhiều tài sản chung, hợp pháp. Có thể, trong đó có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà chỉ đứng tên một mình người chồng. Tuy nhiên, pháp luật vẫn luôn ghi nhận đây là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, khi cơ quan thi hành án tiến hành tịch thu phần giá trị tài sản tương ứng của người chồng, mà không được tịch thu luôn cả phần quyền lợi hợp pháp của người vợ. Nhưng thực tế, có thể có những trường hợp tịch thu luôn cả phần tài sản thuộc quyền của người vợ và chỉ để cho người bị kết án và gia đình họ những tài sản tối thiểu đảm bảo đủ điều kiện sinh sống.

Dẫu vậy, nếu thi hành theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về dân sự thì sẽ rất khó để cơ quan thi hành án xác định chính xác đâu là phần giá trị tài sản của người người phạm tội, đâu là phần tài sản thuộc quyền lợi của thân nhân người phạm tội, bởi cơ quan thi hành án không phải là cơ quan có thẩm quyền để phán quyết tài sản nào đó là của ai. Vì vậy, việc áp dụng hình phạt tịch thu tài sản trên thực tế đối với tất cả các tội phạm nói chung và đối với một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự kinh tế và các tội phạm về chức vụ vẫn còn những bất cập.

Vì vậy, khi quyết định hình phạt này, Hội đồng xét xử cần đưa người vợ hoặc người chồng của người phạm tội tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với phần dân sự trong vụ án hình sự, để xác định rõ khối tài sản của người đó cần tiến hành tịch thu và xác định có hay không người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới tài sản đó. Đặc biệt, khi tài sản đó là tài sản thuộc sở hữu chung, có thể là sở hữu chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng hoặc sở hữu chung với người khác. Khi đó, chỉ được phép tịch thu phần tài sản thuộc về người phạm tội.

Việc xác định rõ được các tính chất pháp lý liên quan tới tài sản của người phạm tội, sẽ giúp Hội đồng xét xử áp dụng pháp luật đúng đắn, không xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của người khác, qua đó sẽ giúp cơ quan thi hành án được thuận lợi, tránh được khiếu kiện của người liên quan tới tài sản bị tịch thu và cũng là phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc pháp chế khi giải quyết vụ án.

Thứ tư: Không ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án phạt tù.

Theo quan điểm của tác giả đối với tất cả các loại tội phạm đều có thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung không ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án phạt tù. Nhằm thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật đối với những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khi mức hình phạt đã tuyên đối với người phạm tội là rất nhẹ so với tính chất, mức độ phạm

tội của người đó, mức hình phạt Tòa án đã tuyên đã thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật, của Nhà nước đối với cá nhân người phạm tội. Ngoài ra, hình phạt bổ sung không ân giảm có thể được miễn đối với một số trường hợp cần khuyến khích người phạm tội, cũng như thân nhân của họ tích cực khắc phục hậu quả và thực hiện các nghĩa vụ khác ngoài việc chấp hành hình phạt tù.

Hình phạt bổ sung này sẽ phát huy hiệu quả rất tốt đối với các tội xâm phạm tới quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về tham nhũng. Theo đó, Tòa án có thể áp dụng đối với các tội phạm đã bị tuyên xử hình phạt tù và không được ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án. Việc ân giảm chỉ được xem xét khi người phạm tội tự mình hoặc thông qua thân nhân của mình khắc phục được cơ bản hoặc toàn bộ hậu quả mình đã gây ra, cũng như chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ khác mà Tòa án tuyên. Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Tòa án buộc tội cướp tài sản có giá trị 500.000.000 đồng phải chịu hình phạt 10 năm tù giam, hình phạt bổ sung là phạt tiền 10.000.000 đồng, ngoài ra bị áp dụng hình phạt bổ sung không ân giảm suốt thời kỳ thi hành án phạt tù. Khi đó, Nguyễn Văn A và gia đình mong muốn được ân giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, thì chỉ được xem xét khi đã khắc phục đủ 500.000.000 đồng mình đã cướp của người bị hại và nộp đủ 10.000.000 đồng hình phạt bổ sung. Ngoài ra, Nguyễn Văn A phải ăn năn hối lỗi, tích cực cải tạo, thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ tại Trại giam, thì mới được xem xét ân giảm như những người bị kết án khác.

Theo đó, đối với các tội xâm phạm trật tự kinh tế và tội phạm về chức vụ (đặc biệt là các tội phạm tham nhũng) bị áp dụng hình phạt bổ sung này sẽ tạo điều kiện Nhà nước thu hồi được đầy đủ và toàn diện đối với các giá trị kinh tế, lợi ích đã bị người phạm tội tẩu tán hoặc đang được cất giấu thông qua thân nhân, gia đình. Qua đó, đối với những trường hợp cố tình không chấp hành theo phương thức "hy sinh đời bố, củng cố đời con" sẽ phải chấp hành hình phạt tù thích đáng, phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của

mình. Đặc biệt, đối với những trường hợp có thể bị xem xét áp dụng hình phạt tử hình, sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân và không được ân giảm, điều này sẽ khiến người phạm tội phải sống trong cảnh tù đày, cải tạo tới khi chết, với sự chứng kiến đau xót của gia đình, thân nhân.

Khi áp dụng hình phạt tù chung thân và hình phạt bổ sung này về tính chất và mức độ sẽ nặng hơn hình phạt tù chung thân bình thường, nhưng nhẹ hơn và vẫn thể hiện được tính chất nhân đạo sâu sắc của pháp luật, Nhà nước so với hình phạt tử hình. Hình phạt tử hình sẽ trở nên thiếu ý nghĩa nếu chỉ có tác dụng trừng trị đối với người phạm tội, mà không thể khắc phục được những giá trị kinh tế đặc biệt lớn đã bị người phạm tội thực hiện.

Từ những nhận định nêu trên, tác giả cho rằng hình phạt tù chung thân kết hợp với hình phạt bổ sung không ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án phạt tù là phương thức trừng trị phù hợp nhất đối với người phạm tội và thay thế được hình phạt tử hình.

Theo quan điểm của tác giả có thể xây dựng mô hình lý luận đối với hình phạt bổ sung này như sau:

Không ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án phạt tù là hình phạt bổ sung áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, người bị áp dụng sẽ phải thi hành đủ thời gian phạt tù được Tòa án tuyên tại Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Hình phạt không ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án phạt tù có thể được miễn áp dụng khi người phạm tội đã khắc phục được cơ bản hậu quả của hành vi phạm tội của mình gây ra, cũng như các nghĩa vụ khác theo Bản án đang chấp hành.


Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ LOẠI BỎ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ (Trang 80 -80 )

×