b. Một số quy định mới về phần các tội phạm
2.2.2. Những nét đặc thù của nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ
kinh tế và tội phạm về chức vụ
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ khi xét về sâu xa mục đích phạm tội của họ đều liên quan tới mục đích tư lợi. Vì vậy, mục tiêu của pháp luật đặt ra chủ yếu đối với các tội phạm này là thiết lập lại trật tự xã hội và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, BLHS hiện hành vẫn còn duy trì hình phạt tử hình tại ba điều luật là: tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội tham ô tài sản (Điều 278) và tội nhận hối lộ (Điều 279). Thực tế, trong nhiều năm đã chứng minh, hàng năm Việt Nam đã xét xử trung bình khoảng 1.000 vụ về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 500 vụ về các tội phạm chức vụ, số lượng này hoàn toàn không có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù hình phạt tử hình luôn được duy trì. Trong khi đó, đối với những vụ án mà bị án được đưa ra thi hành án tử hình, thì việc thi hành phần dân sự của vụ án là không thể thực hiện trên thực tế, do tài sản đều đã bị tẩu tán trước khi bị phát hiện với tâm tý sẵn sàng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" hoặc đã bị sử dụng vào mục đích khác (như đầu tư chứng khoán, bất động sản,…). Điển hình như vụ Lã Thị Kim Oanh, bị án đã khai chính bị án cũng không biết số
tiền 71 tỷ đồng đang ở đâu và được sử dụng thế nào. Ngoài ra, về nhân thân của những người phạm tội thuộc 02 nhóm tội này thì họ đều là người trình độ nhận thức cao trong xã hội, là những người có khả năng giao tiếp tốt, có đầu óc kinh tế giỏi hoặc là người có vị trí trong xã hội. Bản thân họ không phải là những người mất hết nhân tính như những tội phạm diệt chủng, khủng bố, hay giết người có tính chất man rợ… Với khả năng nhận thức của họ, pháp luật hoàn toàn có thể cải tạo, cảm hóa họ thành người có ích cho xã hội. Do đó, thay vì tử hình những con người còn có khả năng cảm hóa, cải tạo thành người có ích cho xã hội, thì hãy cho họ một cơ hội, giúp họ có thể cảm nhận được hành vi phạm tội của mình một cách toàn diện và đầy đủ nhất, để họ có thể khắc phục những thiệt hại mà mình gây ra về mặt kinh tế cho xã hội nói chung và cho những người bị hại nói riêng.
Tội phạm kinh tế hiểu theo nghĩa hẹp bao gồm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định tại Chương XVI của BLHS năm 1999 bao gồm 29 điều (từ Điều 153 đến Điều 181). Trong đó có 3 tội quy định khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình. Đó là tội buôn lậu (Điều 153 - đã được loại bỏ); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 - hiện vẫn duy trì); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180 - đã được loại bỏ). Hiểu theo nghĩa rộng, tội phạm kinh tế còn là những tội có liên quan đến vấn đề tiền bạc, tài sản như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cướp, tội tham ô, tội đưa hối lộ...". Về mặt lý luận khi quy định hình phạt cho các tội phạm cụ thể phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm đó. Trong tương lai gần, khi nền kinh tế của đất nước phát triển, đặc biệt là ý thức pháp luật của con người được nâng cao thì hình phạt tử hình chỉ cần giữ lại ở một số tội đặc biệt nghiêm trọng như tội giết người, tội cướp tài sản; đối với các tội phạm kinh tế có thể hạn chế tới mức thấp nhất số lượng các điều luật có quy định hình phạt tử hình. "Chúng ta chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với
những tội phạm mà trong họ không còn giữ lại một điều gì tốt đẹp của đức tính con người, còn những tội phạm về kinh tế, có rất nhiều lý do đưa họ tới con đường phạm tội và không hẳn họ là con người hoàn toàn xấu" [26]. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, trong mỗi con người luôn hàm chứa phần sinh học và phần xã hội, chúng ta chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình với những người không còn tính người, phần xã hội đã bị triệt tiêu và con người đó không thể duy trì các mối quan hệ xã hội trong một tổng thể ôn hòa, thì khi đó sự tồn tại của chủ thể này chỉ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ những tổng hòa quan hệ xã hội khác. Khi đó, chúng ta mới triệt tiêu quyền lợi của cá nhân, để bảo vệ quyền lợi tập thể. Trong khi đó, đối với các tội phạm xâm hại trật tự kinh tế và tội phạm về chức vụ, họ hoàn toàn không đánh mất tính người, họ vẫn đảm bảo và duy trì được sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, mục đích của họ chỉ nhằm mục đích tư lợi, mà không phải xâm hại tới các quyền lợi khác khiến xã hội cho rằng họ đã mất nhân tính.
Ngoài ra, việc xóa bỏ án tử hình đối với tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ còn xuất phát từ một vấn đề quan trọng khác, đó là việc thu hồi hay khắc phục hậu quả thiệt hại do những người phạm tội gây ra. Thực tiễn cho thấy, đối với những người bị kết án tử hình do phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sau khi cơ quan chức năng thi hành bản án tử hình đối với bị án thì việc thi hành án phần dân sự là rất khó, thậm chí mục đích thu hồi tài sản sẽ không thực hiện được nếu những con người đó bị áp dụng hình phạt tử hình. Ngược lại, trường hợp những thiệt hại đối với 02 nhóm tội phạm này gây ra có thể được khắc phục đầy đủ thì cũng không nên áp dụng hình phạt tử hình đối với họ, bởi hậu quả của tội phạm không còn thì việc tử hình một con người sẽ bị mang tiếng là vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền được sống, có thể bị cộng đồng quốc tế lên án, thì quả thực cái giá phải trả là không xứng đáng cho Nhà nước ta.
Bộ luật hình sự vẫn còn duy trì quy định hình phạt tử hình đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ, nhưng đối với
những nhóm tội này, người phạm tội thường tìm mọi cách để tẩu tán tài sản khi có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, chúng ta chưa có một cơ chế kiểm soát tài chính thực sự có hiệu quả. Mặc dù ngay từ khi BLHS năm 1999 mới có hiệu lực, Nhà nước ta đã tính tới những phương thức khiến người phạm tội và thân nhân của họ phải tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại nhằm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật khi quy định:
Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn [49].
Như vậy, ở đây chính sách pháp luật của chúng ta đã chỉ ra rất rõ rằng đối với các tội phạm có tính chất vụ lợi (trong đó có Điều 278 Tội tham ô tài sản, Điều 279 Tội nhận hối lộ) họ hoàn toàn có thể thoát khỏi hình phạt tử hình nếu họ tự nguyện thực hiện việc khắc phục hậu quả và mức hình phạt của họ cũng phụ thuộc vào số tiền mà họ đã bồi thường. Tuy nhiên, thực tế rất khó có thể xác định được thế nào là một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định chủ quan của Hội đồng xét xử, ngoài ra thực tiễn cũng cho thấy những quy định nêu trên vẫn chưa phát huy được đầy đủ giá trị nhân đạo vốn có của nó và trong những vụ án liên quan tới mục đích tư lợi việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tiến sĩ Phạm Văn Beo - người luôn ủng hộ việc duy trì hình phạt tử hình cũng có ý kiến:
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (khoản 4 Điều 157). Đây
là những hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng và thiệt hại đến các nhà sản xuất bất kể là hàng giả về chất lượng lẫn nhãn hiệu. Để các hành vi phạm tội này hạn chế tính nguy hiểm và không còn cơ hội phát triển, nền sản xuất trong nước phải đủ mạnh, với chi phí sản xuất thấp, tạo ra nhiều sản phẩm là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh để hạ giá thành các sản phẩm này. Bên cạnh đó, chúng ta phải có một hành lang pháp lý vững chắc, việc thực thi pháp luật về bảo hộ sở hữu công nghiệp phải tốt và các cơ quan Nhà nước có chức năng chống hàng giả như Công an, Quản lý thị trường, Hội bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội các doanh nghiệp và các nhà sản xuất phải hoạt động tích cực, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, phải có cơ chế sao cho mọi người dân có thể nhận biết được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật khi giao dịch và sử dụng nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho chính mình. Tất cả các đảm bảo trên đều có thể thực hiện được với sự nỗ lực của Nhà nước, các doanh nghiệp và mọi người dân. Khi đó, chỉ cần một mức phạt tiền thật cao cùng với chế tài tù chung thân hoặc thậm chí là tù có thời hạn cũng đủ răn đe và phòng ngừa các hành vi phạm tội thuộc loại này...
Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tội nhận hối lộ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức. Từ đó, hành vi này đã làm cho cơ quan, tổ chức suy yếu, mất uy tín. Theo khoản 4 Điều 279 BLHS, người phạm tội có thể mất mạng khi tài sản nhận hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng. Hành vi nhận hối lộ với giá trị tài sản từ ba trăm triệu đồng trở lên thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình rõ ràng là không phù hợp. Hành vi nhận hối lộ cho dù có làm suy yếu, mất uy tín của cơ quan, tổ chức đến đâu cũng không thể chỉ vì có ba trăm triệu đồng mà phải mất mạng. Đây không phải là những hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia nên dù thế nào cũng chỉ nên bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn là đã đủ đề phòng ngừa tội phạm[2].
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các tội phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ có thể liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc có khi là thiệt hại về tính mạng. Tuy nhiên, những hậu quả đó cũng nằm ngoài sự dự liệu hoặc mong muốn của người phạm tội. Do đó, hình phạt tử hình dành cho nhóm tội phạm về chức vụ và nhóm tội xâm phạm trật tự kinh tế là chưa thỏa đáng.
Mặt khác, hành vi tham nhũng, nhận hối lộ hoặc các hành vi xâm hại trật tự kinh tế đều có một phần thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Thật vậy, một khi thủ tục hành chính được cải cách, các quy định về quản lý kinh tế thực sự hiệu quả và đồng bộ, mọi yêu cầu của người dân được các cơ quan và cán bộ Nhà nước giải quyết nhanh chóng, đúng thủ tục và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, mức sống của cán bộ công chức, đảm bảo được quyền lợi của nhân dân, thì rất ít người nghĩ đến việc tham nhũng, không có ai đưa hối lộ thì những đối tượng nhận hối lộ cũng vì thế mà biến mất, những đối tượng làm giả hàng hóa là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh... sẽ phải nhìn nhận vấn đề lợi nhuận trong khuôn khổ pháp luật sẽ đảm bảo hơn là làm giả, làm nhái và sẽ không bao giờ phát triển được thương hiệu riêng của mình theo đúng sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh và có cơ chế tự đào thải. Vì vậy, cần khách quan nhìn nhận, việc còn tồn tại nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ là một phần có lỗi từ sự yếu kém của Nhà nước trong công tác chống tham nhũng, công tác quản lý cán bộ,
công tác tổ chức bộ máy hành chính, công tác bố trí quản lý trật tự kinh tế. Một khi thực hiện tốt khâu quản lý cán bộ, chống tham nhũng, có hệ thống quản lý trật tự kinh tế đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo đúng quy luật của cơ chế thị trường thì chế tài hình sự chỉ cần là tù có thời hạn cũng đủ để răn đe người người phạm tội của 02 nhóm tội phạm mà tác giả đang đề cập.