b. Một số quy định mới về phần các tội phạm
2.2.3. Hệ thống hình phạt đang áp dụng đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ
trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ
Như đã phân tích tại phần 2.2.1, việc thay thế hình phạt tử hình bằng một hình phạt khác là có khả năng áp dụng và việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ là có cơ sở áp dụng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là nếu chúng ta loại bỏ hình phạt tử hình đối với 02 nhóm tội trên thì Tòa án sẽ tiến hành áp dụng hình phạt nào để thay thế cho phù hợp với tính chất và mức độ phạm tội trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đặc biệt lớn tới tài sản của công dân, tổ chức, Nhà nước… Theo tác giả trong trường hợp này, hình phạt áp dụng phù hợp nhất là chung thân, hình phạt vốn đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Hiện nay trên thế giới có 02 loại hình phạt tù chung thân là tù chung thân có khoan hồng và tù chung thân không khoan hồng. Có ý kiến cho rằng:
Có thể áp dụng hình phạt tù chung thân không ân giảm, nhưng vẫn cho người bị kết án tù chung thân được hưởng các chế định giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc đặc xá thì cần quy định "thời kỳ an toàn" hoặc phóng thích có điều kiện (có một số nước đang áp dụng), tức khi áp dụng biện pháp trên đối với người bị kết án, thì họ buộc phải thực hiện điều kiện (nghĩa vụ) trong một khoảng thời gian nhất định dưới sự giám sát, trợ giúp của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho họ cải tạo và tái hòa nhập xã hội [24].
Tác giả cho rằng, việc quy định 02 loại hình phạt chung thân như trên sẽ khiến hệ thống hình phạt trở nên phức tạp. Theo tác giả chỉ quy định 01 loại là hình phạt tù chung thân như quy định pháp luật hiện hành và bổ sung thêm trong hệ thống hình phạt của BLHS một hình phạt bổ sung là: "hình phạt không ân giảm trong suốt thời kỳ thi hành án" và có thể quy định thêm điều kiện được ân xá miễn áp dụng hình phạt bổ sung này khi người phạm tội đã khắc phục được hoàn toàn hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra. Việc bổ sung thêm hình phạt bổ sung nói trên còn nhiều ý nghĩa khác về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung, khi hình phạt này còn có thể được áp dụng bổ sung cho các hình phạt chính khác như tù có thời hạn, hình phạt cải tạo không giam giữ,…
Đối với các tội phạm về kinh tế và chức vụ, khi họ đã thực hiện một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có thể họ đã xác định cho mình con đường chết với bản án tử hình, thì họ sẵn sàng tẩu tán tài sản để gia đình, thân nhân họ được đảm bảo về vật chất khi họ chết và đương nhiên việc họ tự nguyện thi hành án đối với phần dân sự là rất khó. Vì vậy, nếu họ không bị xử tử hình, thay vào đó là mãi mãi không có ngày được tự do, suốt đời phải tham gia lao động, cải tạo trong khuôn khổ trại giam, họ sẽ dần thẩm thấu hành vi của mình, họ sẽ hiểu được giá trị của tự do. Khi họ đã thực sự hiểu được giá trị của sự tự do, hiểu được hành vi mình đã gây ra là nguy hại thế nào đối với xã hội, việc họ phục thiện, hoàn lương là hoàn toàn không lạ, nhưng họ phải trả giá cho những gì mình gây ra và phải chấp nhận sự thật đó. Kéo theo tâm lý này, họ sẽ thuyết phục gia đình thay mình khắc phục hậu quả thông qua những tài sản do phạm tội mà có. Thậm chí, chính gia đình cũng phải chịu một phần trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của người thân mình đã gây ra, những người thân phải tham gia lao động chân chính để tạo ra của cải vật chất, khắc phục hậu quả thay cho người thân đã phạm tội. Qua đó, ý nghĩa phòng ngừa riêng được đảm bảo và ý nghĩa phòng ngừa, giáo dục chung được phát huy.