CÁC CƠ SỞ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM 1 Mục đích của hình phạt tử hình

Một phần của tài liệu Vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ (Trang 56)

b. Một số quy định mới về phần các tội phạm

2.2.CÁC CƠ SỞ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM 1 Mục đích của hình phạt tử hình

Theo nhận định của đại đa số quan điểm khoa học PLHS đều cho rằng: "Mục đích của án tử hình là loại bỏ hành vi nguy hiểm cho xã hội bằng cách tước bỏ sự sống của chủ thể hành vi nguy hiểm". Tuy nhiên, tác giả cho rằng để loại bỏ hành vi nguy hiểm không nhất thiết phải loại bỏ chủ thể của nó, hành vi nguy hiểm có thể được loại bỏ bằng nhiều cách khác như thay đổi ý thức của chủ thể, loại bỏ điều kiện thực hiện hành vi nguy hiểm, cách ly hoàn toàn chủ thể nguy hiểm ra khỏi cộng đồng. Nếu cộng đồng nhận thấy hành vi nguy hiểm cần phải loại bỏ hoàn toàn khỏi cộng đồng thì có thể cách ly chủ thể nguy hiểm cho đến khi người đó chết. Như vậy, việc thay thế án tử hình bằng một chế tài khác là có thể thực hiện được. Ví dụ: Thời phong kiến pháp luật quy định hình phạt lưu đày biệt xứ cũng là một kiểu cách ly hoàn toàn chủ thể nguy hiểm khỏi cộng đồng. Ngày nay, nhiều quốc gia đã thay thế hình phạt tử hình bằng những hình phạt khác.

Có ý kiến cho rằng:

Khi một cá nhân sinh ra, cá nhân đó chỉ có các hành vi bản năng tự nhiên không nguy hại. Chỉ khi cá nhân tham gia vào cộng đồng, cá nhân đó mới từng bước hình thành các hành vi có ý thức. Hành vi phạm tội của cá nhân cũng là một trong những hành vi có ý thức. Mà tất cả hành vi có ý thức đều có thể cải tạo được vì hành vi đó chỉ hình thành khi cá nhân tham gia vào một số mối quan hệ trong cộng đồng khi cá nhân sống. Do đó, bất cứ hành vi phạm tội nào của cá nhân cũng đều có thể cải tạo được [26].

Giáo sư Hoàng Thị Kim Quế có ý kiến:

Bản chất của Tội phạm là một loại bệnh, căn bệnh này phát sinh do môi trường tác động, để có thể giải quyết triệt để chúng ta cần nhìn từ góc độ bệnh tật, các cụ đã có câu "Còn nước còn tát", vì vậy để có thể chữa căn bệnh mang tên tội phạm cần phải chữa từ môi trường, các cụ cũng có câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" phải

trách vì bộ máy quản lý kém trước thì mới trách được những còn người đã thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, chúng ta không nên tùy tiện mà tử hình một con người, không loại bỏ một con người ra khỏi xã hội, mà phải cải tạo xã hội để nâng cao ý thức con người, từ đó căn bệnh tội phạm cũng sẽ tự tan biến [34].

Tác giả cho rằng các quan điểm nêu trên là hợp lý và có sức thuyết phục cao. Nguyên nhân dẫn tới tội phạm là do môi trường xung quanh đã tác động đến những người phạm tội. Đối với các tội phạm về kinh tế và tham nhũng nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vì nhìn chung do đời sống nhân dân ta còn thấp, nghèo nàn, lương cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước thấp, không đảm bảo được cuộc sống do đó dẫn đến ham muốn làm giàu trong mỗi con người để thoát khỏi cảnh nghèo. Ngoài ra, hành lang pháp lý, phương pháp quản lý hoạt động kinh tế và hành chính của Việt Nam ta còn lỏng lẻo đã tạo ra những kẽ hở, khiến bản tính tham lam trong mỗi con người có cơ hội trỗi dậy và thực hiện những hành vi vi phạm. Như vậy, trách nhiệm nhà nước trong giải bài toán về tội phạm và quản lý xã hội, quản lý hành chính công, cải tạo môi trường xã hội. Nếu môi trường quản lý hành chính công của chúng ta trong sạch, văn minh, đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập đảm bảo cho đời sống của mỗi người thì sẽ không có tham nhũng. Mặt khác, nếu xây dựng môi trường quản lý trật tự kinh tế vững chắc thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh theo đúng xu thế thị trường thì cũng không có người xâm hại trật tự quản lý kinh tế. Vì vậy, chúng ta không thể đổ lỗi rằng người này tham lam, người kia vi phạm để xử tử hình đối với họ, mà hãy cải tạo môi trường pháp lý để họ, cũng như những cá nhân khác không thể tiếp tục mắc sai lầm.

Có ý kiến cho rằng:

Hình phạt tử hình không phải là một biện pháp đảm bảo an ninh cho xã hội có hiệu quả nhất. Những người theo quan điểu

muốn duy trì hình phạt tử hình cho rằng: Hình phạt tử hình đôi khi được xem như là một công cụ duy nhất có hiệu quả để phòng ngừa và trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, sự an toàn cho xã hội, của cộng đồng lại phụ thuộc cơ bản vào đường lối, chính sách của nhà cầm quyền. Một tỷ lệ tội phạm cao là sự biểu hiện của những bất cập trong xã hội mà muốn giải quyết có hiệu quả vấn đề này không phải bằng các biện pháp có tính chất bạo lực của nhà nước. Hình phạt tử hình nhất định không phải là một biện pháp răn đe hữu hiệu hơn là những biện pháp trừng phạt không có tính chất bạo lực. Sự trấn áp của nhà nước không giải quyết tận gốc sự bất ổn trong xã hội [14].

Hình phạt tử hình không phải là hình phạt có tính chất răn đe, bởi lịch sử đã chứng minh rằng: các biện pháp tử hình có tính chất dã man như: phanh thây, hỏa thiêu, treo cổ … áp dụng đối với những tội phạm nguy hiểm cũng không ngăn chặn được những hành vi phạm tội có tính chất tương tự vẫn tiếp diễn. Sẽ là không đúng khi quan niệm rằng, cần phải tử hình một người để răn đe người khác phạm một tội phạm tương tự. Tính răn đe không phải được thể hiện bởi hành động hoặc những nghiên cứu định hướng cho các quốc gia khác nhau. Thực tế cho thấy, ở các quốc gia bỏ hình phạt tử hình, tình trạng tội phạm cũng không nhiều hơn và cũng không nghiêm trọng hơn so với các quốc gia vẫn đang duy trì hình phạt tử hình. Đối với một vài quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình, người ta lại thấy một sự giảm đáng kể loại hành vi phạm tội giết người. Thực tế, tính chất răn đe lại chính là ở việc bắt giữ và kết án đối với những tội phạm có tính chất minh mẫn. Do đó, gắn tính răn đe của hình phạt tử hình làm cơ sở cho một quan niệm duy trì hình phạt tử hình tỏ ra hết sức phù phiếm [14].

Tác giả đồng tình với các ý kiến trên đây, bởi trong một xã hội hiện đại và sự nhận thức của quần chúng nhân dân ngày một nâng cao, thì không thể đem tính mạng của một con người ra để răn đe, để cảnh báo hậu quả đối với người khác với mong muốn họ không được phạm tội.

Có ý kiến cho rằng: nếu loại bỏ hình phạt tử hình thì sẽ gây ra sức ép về trại giam, các trại giam sẽ quá tải và Nhà nước lại phải nuôi một lực lượng người đông đảo, trong khi đó đáng lẽ họ đã bị loại bỏ khỏi xã hội. Quan điểm này là không thuyết phục, những người đang phải cải tạo trong các trại giam mà theo quy định của pháp luật gọi là bị án hay người bị kết án, họ không được nhà nước nuôi bất kỳ ngày nào, mà tự họ nuôi sống bản thân họ thông qua hình thức lao động, cải tại trong trại giam. Trong trại giam họ được tạo điều kiện học nghề, lao động tạo ra của cải vật chất và nguồn thu từ hoạt động lao động của họ được nhà nước đưa vào xây dựng trại giam và phục vụ hoạt động sinh hoạt của họ. Tại nhiều nước trên thế giới, đã có những trường hợp đi tù nhưng vẫn nuôi sống toàn thể gia đình và ngay tại Việt Nam, không ít trường hợp ở ngoài đời họ là những nghệ nhân, là những người có học thức, khi tham gia cải tạo họ được các cán bộ trại giam tạo điều kiện mở những Nhà xưởng dạy nghề cho các phạm nhân khác, có phạm nhân còn tham gia dạy học ngay trong trại giam. Hơn nữa, tổng số người bị án tử hình trên toàn quốc đối với tất cả các loại tội chỉ hơn 100 người theo thống kê tại Mục 1 trên đây và đối với các tội phạm về chức vụ và tội xâm phạm trật tự kinh tế thì mỗi năm trên toàn quốc chỉ có một đến ba trường hợp bị kết án tử hình. Do đó, số lượng người bị kết án tử hình mỗi năm là không đáng kể và không thể dẫn tới tình trạng quá tải trại giam.

Nhiều quốc gia và cá nhân cho rằng hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm tốt hơn so với các hình phạt khác, trong đó hầu hết các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình để viện dẫn lý do này và coi đây là lý do tiên quyết và chính kiến để bảo vệ quan điểm của nước mình vẫn áp dụng hình

phạt tử hình [51]. Những người ủng hộ duy trì hình phạt tử hình cũng đưa ra số liệu thống kê để chứng minh tác dụng ngăn chặn và răn đe của hình phạt này, cụ thể như sau: Ở Anh tỷ lệ tội phạm giết người tăng lên gấp hai lần vào năm 1994 kể từ khi nước này xóa bỏ hình phạt tử hình vào năm 1964 và tăng gấp ba lần vào năm 2004 hoặc ở Hoa Kỳ, theo một số nghiên cứu xét trong giai đoạn 1993 - 1997, khi số lượng hình phạt tử hình được tuyên và thi hành tăng thì tỷ lệ tội phạm giết người giảm 26% [20].

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng những dữ liệu kể trên là thiếu toàn diện và không đủ thuyết phục để chứng minh là hình phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm cao hơn so với các loại hình phạt khác. Nhóm quan điểm này đã đưa ra những khảo sát của Liên hợp quốc vào các năm 1988, 1996 và 2002 về mối quan hệ giữa hình phạt tử hình và tỷ lệ phạm tội với kết luận: "Không tìm thấy chứng cứ khoa học cho thấy việc thi hành hình phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm tốt hơn so với việc áp dụng hình phạt tù chung thân … các chứng cứ đều dẫn đến nhận định là giả thuyết về hiệu quả tích cực của hình phạt tử hình với việc ngăn chặn tội phạm là sai lầm" [51]. Điều này, cũng phù hợp với nghiên cứu của Tiến sĩ Radele trên phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ:

Chúng tôi đã tiến hành so sánh tỷ lệ tội phạm giết người tại một số bang có áp dụng hình phạt tử hình với tỷ lệ này ở một số bang không áp dụng hình phạt tử hình (như bang California). Nhìn chung hầu như tất cả các nghiên cứu tiến hành trong 25 năm gần đây đã không chứng minh được cho quan điểm rằng án tử hình là biện pháp răn đe có hiệu quả hơn là án tù lâu năm [41].

Theo số liệu thống kê tại một số quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình cũng cho thấy, việc xóa bỏ hình phạt này không gây ra những tác động tiêu cực với việc phòng ngừa tội phạm. Ví dụ, ở Canada vào năm 1975 (trước khi xóa bỏ hình phạt tử hình) có 3,09 người phạm tội giết người trên 100.000 dân,

đã giảm xuống còn 2,41 người vào năm 1980, các năm tiếp theo vẫn tiếp tục giảm [20]. Những nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu của nhà tội phạm học Thorsten Sellin công bố vào năm 1959 [43] và nghiên cứu của giáo sư Jeffrey Fagan - Trường Luật, Đại học Columbia (Hoa Kỳ) [18]. Về vấn đề này, tác giả cho rằng hình phạt tử hình cũng như các hình phạt khác đều có chức năng trừng phạt riêng và phòng ngừa chung. Việc hình phạt tử hình có khả năng răn đe đối với xã hội, đối với người có ý định phạm tội, tác giả khẳng định là có, nhưng có hiệu quả lớn hay không thì vẫn là vấn đề đang tranh cãi. Vấn đề mấu chốt là chúng ta nên sử dụng hình phạt tử hình vào trường hợp nào, tình huống nào, tội phạm nào cho hợp lý mà thôi.

Một phần của tài liệu Vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ (Trang 56)