Nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật Việt Nam

Một phần của tài liệu Vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ (Trang 42)

b. Một số quy định mới về phần các tội phạm

2.1.1.Nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật Việt Nam

Theo Từ điển Triết học thì nhân đạo được hiểu là tổng hợp những quan điểm thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và quyền của con người, sự chăm lo đến hạnh phúc, sự phát triển toàn diện, chăm lo đến việc tạo ra những điều kiện sinh hoạt xã hội thuận lợi cho nó. Ở nước ta, tư tưởng nhân đạo luôn được thể hiện rõ nét trong đường lối, chính sách của Đảng và được thể chế hóa trong Hiến pháp, cũng như các văn bản pháp luật. Đối với luật hình sự Việt Nam, tư tưởng nhân đạo được biểu hiện xuyên suốt trong hệ thống các quy phạm PLHS, hình thành nên nguyên tắc nhân đạo XHCN. Điều này đã được thể hiện rất rõ nét ngay trong các quy định của BLHS Việt Nam (Điều 35 BLHS năm 1999, quy định về quyền xin ân giảm theo quy định tại Khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).

Ngoài ra, trong hệ thống các quan điểm khoa học pháp lý, PGS. TSKH Lê Cảm có quan điểm: "không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ, người chưa thành niên hoặc nam giới trên 70 tuổi" [8]. Tác giả nhận thấy đây là một quan điểm rất nhân đạo và phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam trong thời kỳ hiện nay và cần được xem xét để đưa vào luật thực định.

Khi quyết định hình phạt nói chung, hình phạt tử hình nói riêng, Tòa án không chỉ căn cứ vào quy định của BLHS mà còn cân nhắc tính chất và

mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, khi một người thực hiện hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến mức cần phải cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội thì Tòa án sẽ không áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài những quy định của luật hình sự (nội dung) thì việc áp dụng hình phạt tử hình còn phải tuân thủ một trình tự đặc biệt của luật tố tụng hình sự (hình thức), để đảm bảo việc thực thi bản án được chính xác, tránh làm oan người vô tội. Có thể nói rằng đây chính là những biểu hiện cụ thể của tư tưởng nhân đạo. Tiến sĩ Hồ Sỹ Sơn đã từng có kết luận về mối liên hệ giữa hình phạt tử hình với nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự như sau:

Thứ nhất, tử hình là hình phạt trái với nội dung của nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự, vì vậy, quan điểm bãi bỏ hình phạt tử hình vốn xuất hiện ở Châu Âu vào các thế kỷ 17 và 18, ngày càng mang tính phổ quát, trở thành xu hướng và chuẩn mực nhân đạo mang tính toàn cầu bắt buộc chung.

Thứ hai, vì hình phạt tử hình, như đã nhấn mạnh là trái với nội dung của nguyên tắc nhận đạo trong luật hình sự, nên việc bãi bỏ loại hình phạt này là phù hợp với nguyên tắc nhân đạo nói chung, với nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự nói riêng, hay nói cách khác là đưa nhân đạo và nguyên tắc nhân đạo vào cuộc sống.

Thứ ba, do sự khác nhau về những điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia, hay nói chính xác hơn là có sự khác nhau về cơ sở kinh tế hạ tầng mà cốt lõi quyết định là lực lượng sản xuất của mỗi quốc gia mà có quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn, có quốc gia vẫn duy trì (mặc dù có xu hướng bỏ), song cũng có quốc gia đã bãi bỏ lại tái áp dụng hình phạt tử hình (trường hợp của Philiphin)… Rõ ràng việc bãi bỏ, duy trì hay tái áp dụng hình phạt tử hình chỉ có thể

giải thích được khi chúng ta thấy rằng cơ sở kinh tế hạ tầng mà cốt lõi quyết định là lực lượng sản xuất của các quốc gia còn rất chênh lệch. Đó chính là cơ sở để chúng ta có thể hiểu được tại sao có quốc gia đã xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, có quốc gia vẫn duy trì và có quốc gia lại tái áp dụng nó.

Thứ tư, bởi tính không nhân đạo đối với người phạm tội của hình phạt tử hình, mà các quốc gia đang duy trì hay tái áp dụng loại hình phạt này đều có xu hướng giảm số lượng những tội phạm có hình phạt tử hình, có quy định nhưng rất ít áp dụng bằng cách quy định thêm những điều kiện thuộc về nhân thân người phạm tội, thuộc về hành vi phạm tội… thông qua đó nhằm giảm đến mức tối đa mức độ áp dụng loại hình nghiêm khắc này [44].

Xu hướng phát triển chung của PLHS ở nước ta cũng như các nước khác trên thế giới là nguyên tắc nhân đạo ngày càng được đề cao và mở rộng. Điều đó ảnh hưởng đến việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình trong pháp luật. Nếu như BLHS năm 1985 quy định hình phạt tử hình ở 44/209 điều luật (Phần các tội phạm) thì BLHS năm 1999 chỉ còn 29/267 điều luật quy định hình phạt này và trong lần sửa đổi BLHS năm 1999 vừa qua, số lượng tội phạm còn duy trì hình phạt tử hình chỉ còn 22/273 điều luật. Việc giảm đáng kể số lượng các điều luật có quy định hình phạt tử hình cho thấy rằng nguyên tắc nhân đạo ngày càng được thể hiện rõ rệt hơn trong PLHS Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng hình phạt tử hình đối với một con người sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sinh hoạt và giá trị tinh thần của thân nhân người phạm tội. Những đứa con sẽ mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con,… đặc biệt bị cáo có thể là lao động chính trong gia đình. Việc tước bỏ mạng sống của họ có thể dẫn đến hệ lụy kéo theo hàng loạt người khác rơi vào tình cảnh túng quẫn, khổ cực và kéo theo hoàn cảnh đó là nguy cơ thế hệ tiếp theo sẽ đi vào con đường phạm tội.

Có rất nhiều ý kiến tại Hội thảo khoa học Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội "Nhận thức tác động của các quy định trong BLHS Việt Nam" đồng tình và nhất trí với quan điểm áp dụng hình phạt tử hình với bất kỳ người nào đều vi phạm nguyên tắc nhân đạo. Có quan điểm cho rằng:

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên, bởi những người từ 70 tuổi trở lên được coi là những người già trong xã hội. Ở độ tuổi này, nhận thức và khả năng xử lý tình huống của con người có thể không còn tốt như khi còn trẻ, khả năng gây nguy hiểm cho xã hội của họ thông thường cũng không cao. Việc bảo vệ quyền sống của họ là một phần tư tưởng bảo vệ nhân quyền và đồng thời là sự thể hiện đạo lý truyền thống của con người Việt Nam [31].

Trên thực tiễn áp dụng pháp luật Việt Nam, Tòa án chưa bao giờ áp dụng hình phạt tử hình với người nào trên 70 tuổi.

Theo luận giải của Socrat, Platon, Pitago: "hãy dùng biện pháp khác để cứu một con người" hay Nguyễn Trãi cũng có câu: "lấy nhân nghĩa mà thắng hung tàn". Do đó, việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ nói riêng, tiến tới không áp dụng hình phạt tử hình nói chung cũng là phù hợp với tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt Nam đã lưu truyền từ ngàn đời và cũng là nguyên tắc trong chính sách PLHS Việt Nam.

Một phần của tài liệu Vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ (Trang 42)