Về mặt pháp lý, phiên tòa phúc thẩm dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Thông qua việc xét xử phúc thẩm tại phiên tòa, Tòa án cấp trên có thể kiểm tra hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới, sửa chữa được những sai lầm, vi phạm pháp luật của Tòa án cấp dưới, bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên là hợp pháp và có căn cứ.
Mặt khác, qua đó Tòa án cấp trên có thể tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến việc xét xử có sai lầm, thiếu sót (nếu có) và khắc phục những sai lầm, thiếu sót đó. Cũng thông qua việc xét xử tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm còn phát hiện được những lỗ hổng của chính những quy định pháp luật về nội dung và về hình thức. Từ đó, đề xuất những biện pháp định hướng sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng xét xử của các cấp Tòa án.
Mặc dù pháp luật Việt Nam không quy định về án lệ, bản án phúc thẩm không được viện dẫn như là đường lối xét xử cho một vụ án tương tự nhưng trên thực tế vẫn được vận dụng một cách không chính thức để Tòa án cấp dưới tham khảo và rút kinh nghiệm. Bản án phúc thẩm là cơ sở để Tòa án cấp dưới vận dụng pháp luật một cách thống nhất. Để ý nghĩa này được thực hiện tốt yêu cầu được đặt ra đối với Tòa án cấp trên, là chất lượng xét xử phúc thẩm ngày càng phải được nâng lên, bản án phúc thẩm phải thực sự công bằng, minh bạch và đúng pháp luật.