Các quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm

Một phần của tài liệu Phiên tòa phúc thẩm dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (Trang 45 - 47)

Tại Điều 263 BLTTDS quy định phạm vi xét xử phúc thẩm như sau: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị". Theo Mục 1 Phần III của Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành BLTTDS thì "có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị là trường hợp việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với phần này của bản án, quyết định sơ thẩm đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm đó mặc dù phần này không bị kháng cáo, kháng nghị". Như vậy, BLTTDS và văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này đã quy định tương đối cụ thể về phạm vi xét xử phúc thẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất về phạm vi xét xử phúc thẩm.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần

quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Còn các phần khác thì Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền, bởi đương sự đã đồng ý với quyết định đó của Tòa án cấp sơ thẩm, VKS không kháng nghị tức là phần quyết định đó không có vi phạm pháp luật gì. Do vậy, theo nguyên tắc đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, Tòa án cấp phúc thẩm phải tôn trọng ý chí của đương sự và quyền quyết định của VKS. Việc tôn trọng này cần mang tính tuyệt đối [25, tr. 20].

Ý kiến thứ hai cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần

của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Theo ý kiến này, theo nguyên tắc bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, thì, những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị được coi là họ đã đồng ý, chấp nhận phần bản án, quyết định sơ thẩm đó. Mặt khác, nếu VKS không kháng nghị thì phần bản án, quyết định đó không có vi phạm pháp luật. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm phải tôn trọng ý chí của đương sự và quyết định của VKS. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm cũng có quyền xem xét những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nếu phần quyết định đó thực sự có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xâm phạm lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án và như vậy sẽ đảm bảo được quyền, lợi ích của công dân và lợi ích của nhà nước [25, tr. 20].

Ý kiến thứ ba cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét lại

tất cả các quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm, bao gồm phần quyết định có kháng cáo, kháng nghị và phần quyết định không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm không nên lệ thuộc vào nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự mà phải chủ động quyết định khắc phục sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm [25, tr. 21].

Qua việc nghiên cứu đề tài, tác giả nhất trí với ý kiến thứ ba. Tính chất của xét xử phúc thẩm là việc xét xử lại vụ án tức là Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cả tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Để xem xét tính có căn cứ và tính hợp pháp đòi hỏi cấp phúc thẩm cần phải xem xét lại tất cả các quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm, bao gồm cả căn cứ đưa ra phán quyết và trình tự ra các phán quyết đó. Nếu việc đưa ra các phán quyết không

pháp của đương sự, của nhà nước thì mặc dù phần bản án, quyết định sơ thẩm đó không bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét khắc phục sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm.

Kháng cáo, kháng nghị là căn cứ phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm. Chỉ khi có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm mới thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm. Việc xem xét phạm vi cụ thể của nội dung kháng cáo, kháng nghị là điều hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận cũng như thực tiễn để đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Một phần của tài liệu Phiên tòa phúc thẩm dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (Trang 45 - 47)